22/03/2016 4:13:44 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Di sản Huế đến với mùa xuân biên giới
Đến hẹn, khi tiết trời mùa xuân vẫn còn ấm áp, cán bộ Công đoàn và Đoàn thanh niên Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (Trung tâm) đã đến thăm và tặng quà cho chiến sỹ Đồn biên phòng Hương Nguyên và các hộ dân nghèo, cũng như các gia đình chính sách xã A Ròang (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Cùng công tác với những người đang làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của Huế, chúng tôi đã có sự ghi nhận về những đóng góp vật chất cũng như tinh thần của họ với “mùa xuân biên giới”.

Trời Huế se lạnh trong mưa phùn lất phất, chúng tôi hẹn gặp nhau ở số 2 đường Đoàn Thị Điểm (Tp. Huế) để cùng đi A Lưới. Đoàn đi chúng tôi ngoài đại diện của Liên đoàn lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Trung tâm, đại diện công đoàn, đoàn thanh niên, phóng viên báo Thừa Thiên Huế còn có tập thể đoàn viên công đoàn và đoàn thanh niên thuộc Trung tâm. Khi tất cả đã sẳn sàng, bốn chiếc xe ô tô từ từ lăn bánh rời thành phố hướng về phía tây, nơi các chiến sỹ đồn biên phòng Hương Nguyên và bà con xã A Ròang đang ngóng chờ chúng tôi.

A Lưới là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 1.224,64 km2. A Lưới có vị trí địa lý kinh tế, quốc phòng vô cùng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Bắc Trung Bộ. Nơi đây có dãy Trường Sơn hùng vĩ; là thượng nguồn của 5 con sông lớn; A Lưới nằm án ngữ tuyến biên giới phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, giáp hai tỉnh Salavan và SêKông của nước bạn Lào. Từ lâu, huyện A Lưới được ví như “Đà Lạt” của Thừa Thiên Huế, huyện vùng cao này là lựa chọn số 1 cho những ai muốn trốn cái nắng chói chang, bức bối những ngày hè tại miền Trung. Tuy nhiên, thời tiết Huế đang ngồng mình với cái rét của mùa xuân còn sót lại thì không dễ dàng cho những ai muốn đến vùng cao này.

Sau khi vượt qua những con dốc cao và những đoạn đường ngoằn ngoèo, chúng tôi đã đặt chân đến địa phận của huyện A Lưới. Khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngọn núi, những con đèo tiếp nối nhau rồi lên cao, cao vút. Hai bên đường là những cánh rừng trồng và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn như nối tiếp nhau chạy dài đến vô tận. Không vào thị trấn A Lưới, từ ngã ba Bốt Đỏ chúng tôi rẽ trái theo hướng Đông Nam để đến điểm hẹn đầu tiên – Đồn biên phòng Hương Nguyên. Trên con đường này, chúng tôi tận mắt chứng kiến hầm đường bộ do người Việt Nam tự thiết kế và thi công ở xã A Roàng. Chỉ cách ngã ba Bốt Đỏ vài km, nhưng cảnh sung túc dần tan biến, thay vào đó là những bản làng vẫn còn xác xơ của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngồi trên xe, mọi người cùng bàn tán râm rang, vùng đất này phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Đâu đó dưới lòng đất, trong những thớ đất, những mạch nước xung quanh sân bay A Sầu là chất độc màu da cam (Dioxin) còn đọng lại. Suốt chặng đường hơn 60 km từ ngã ba Bốt Đỏ đến đồn Biên phòng Hương Nguyên, dù cố chong mắt nhưng không có một chiếc xe nào chạy ngược chiều với chúng tôi, xung quanh trên những con đường đèo quanh co khúc khủy chỉ thấy lác đát những đứa trẻ địu em mở mắt tròn xoe nhìn theo những chiếc xe vừa chạy ngang qua chúng.

Đồn Biên phòng Hương Nguyên nằm cheo lèo giữa sườn đồi, nghe nói đồn biên phòng này vừa mới được di dời về đây, do trụ sở cũ đã xuống cấp. Thiếu tá Hồ Sỹ Hòa, Trưởng Đồn biên phòng Hương Nguyên (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế) cho biết, Đồn biên phòng Hương Nguyên có 57 chiến sỹ, và ngoài công tác tuần tra biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, các cán bộ chiến sỹ cùng chung sống với người dân, cùng ăn cùng ở với người dân, giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình, vận động trẻ em đồng bào đến trường để học chữ, vận động các chiến sỹ cùng tiết kiệm ngày lương để xây nhà tình nghĩa cho gia đình có công cách mạng, gia đình chính sách… Tiếp chúng tôi, những người lính biên phòng trong màu xanh quân phục của núi rừng hồ hỡi, những cái bắt tay thắm thiết, những câu chào hỏi nồng nhiệt như làm xua tan hết những mệt mõi của một  chặng đường dài.

Buổi trưa, khi cái nắng bắt đầu xuyên qua từng kẻ lá bên triền núi, chúng tôi bắt đầu cùng dùng bữa cơm cùng các chiến sỹ. Dù đang ở nơi núi rừng và không có đôi bàn tay của người phụ nữ, nhưng những món ăn góp nhặt được từ thực phẩm tự cung, tự cấp của các chiến sỹ vẫn được nấu nướng và sắp đặt khéo léo, khiến cho đoàn đi ai cũng tấm tắc khen ngợi.

Ông Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch công đoàn cơ sở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong chuyến thăm các chiến sỹ Đồn biên phòng Hương Nguyên lần này, tập thể cán bộ công đoàn của cơ quan đã trao tặng một dàn máy karaoke, cùng 05 phần quà cho các chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn, đây cũng là cách động viên khích lệ những con người đang nắm giữ bình yên cho vùng biên giới của tổ quốc.

Đại diện Công đoàn, đoàn thanh niên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tặng quà cho các chiến sỹ đồn biên phòng Hương Nguyên

Cũng trong chiều hôm đó, sau khi bịn rịn chia tay các chiến sỹ biên phòng Đồn Hương Nguyên, đoàn chúng tôi thắng tiến về xã A Ròang, huyện A Lưới, đây là vùng đất của người Tà Ôi thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như Tôi Ôi, Pa Cô, Pa Hy… Xã A Roàng có hơn 600 hộ dân, 30% trong số đó là hộ nghèo. Nằm cách thị trấn A Lưới 36km về hướng Tây nhưng đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Buổi chiều tà, dưới núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đang chuẩn bị sân khấu phục vụ văn nghệ cho bà con đồng bào. Trong tiếng nhạc rộn ràng, hình như núi rừng cũng cảm nhận và hồn nhiên đón đợi một đêm văn nghệ mà đã lâu rồi, con người và núi rừng nơi đây vẫn mong ngóng.

Chương trình giao lưu văn nghệ do các các nghệ sỹ thuộc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đảm nhiệm, xen kẻ là những tiết mục múa, hát của các đoàn viên thanh niên xã A Roàng và chiến sỹ đồn biên phòng Hương Nguyên. Trên bãi đất trống không có bàn ghế, bà con đồng bào dân tộc kéo về ngồi chật kín, họ chỉ trỏ, chăm chú lắng nghe lời giới thiệu của MC, thỉnh thoảng họ bàn tán, trao đổi với nhau bằng tiếng nói của họ, dưới ánh đèn vẫn có nhiều đứa trẻ chạy long nhong, trên người chỉ trơ trọi chiếc áo mong manh nhìn thấy thướng lắm. Thỉnh thoảng, đám ông khán giả vỗ tay tán thưởng khi giữa chương trình MC đọc danh sách các cháu học sinh, các gia đình chính sách được gọi lên sân khấu nhận quà tặng.

Đông đảo đồng bào xã A Roàng đến tham dự đêm giao lưu văn nghệ

Ông Hoàng Trọng Cương – Bí thư Đoàn cơ sơ Trung tâm cho biết, trong đợt thăm hỏi và tổ chức văn nghệ phục vụ bà con đồng bào, cán bộ công đoàn và đoàn viên Trung tâm còn tặng hai ngàn cuốn vở, 7 thùng áo quần cũ và 10 phần quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Những món quà dù còn rất ít ỏi, nhưng là tấm lòng của những người đang làm công tác bảo tồn các giá trị di sản của Huế, muốn chung tay góp sức và động viên bà con đồng bào dân tộc đang có cuộc sống khó khăn nơi biên giới của tổ quốc.

Anh Hoàng Trọng Cương – Bí thư đoàn cơ sở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn xã A Roàng

Đêm văn nghệ đã kết thúc, khoảng sân trống của ủy ban xã vẫn còn chật kín người, hình như bà con không muốn về, họ vẫn râm ran nói chuyện với nhau, cho đến khi phong màn sân khấu được thu dọn họ mới lục đục lũ lược kéo nhau về ra nhà. Trời đã về khuya, trên những con đường đi sâu vào các bản làng, ánh đèn pin của đoàn người đi xem văn nghệ trở về huơ huơ chập chùng, rồi thỉnh thoảng biến mất sau màn đêm khiến chúng tôi thật sự tò mò, có lẽ trong bóng đêm đằng sau cánh rừng trên những đường mòn trở về bản, họ vẫn còn bán tán xôn xao về đêm biểu diễn văn nghệ nơi khoảng sân cỏ của ủy ban xã. 

Trên chuyến xe về thị trấn A Lưới để nghỉ lại qua đêm, chúng tôi đã nghe nhiều chuyện kể về những con người nơi đây. Họ cũng đơn sơ như cuộc sống núi rừng, bộ đội biên phòng vừa làm người lính gìn giữ biên cương, vừa phải biết tập hợp đồng bào, tập cho đồng bào từ cách ăn nếp ở thế nào để bảo đảm sức khỏe, động viên những đứa trẻ đến trường để học cái chữ... nhưng để làm được điều đó, trước hết họ phải học cách chào hỏi từ đồng bào, rồi cùng trải nghiệm cuộc sống của đồng bào nơi đây vậy.

Trọng Bình