Giới thiệu
03/03/2017 9:41:53 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
QUAN HỆ HỢP TÁC VIỆT- NHẬT TRONG NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA HUẾ
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Việt Nam kể từ ngày 28/02 đến 05/3. Đây là một sự kiện lịch sử đối với mối quan hệ ngoại giao của hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này, Nhật hoàng cùng Hoàng hậu sẽ đến thăm hai thành phố là Hà Nội và Huế. Ngoài Hà Nội là trung tâm chính trị của Việt Nam thì việc Nhật Hoàng chọn Huế làm điểm đến thứ hai và cũng là điểm đến cuối cùng trong chuyến thăm lịch sử lần này đó là một niềm vinh dự đối với Huế. Đến với Huế, Nhật hoàng cùng Hoàng hậu sẽ tham quan Đại Nội Huế và thưởng thức Nhã nhạc cung đình ở đây. Nhân sự kiện trọng đại này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin điểm qua đôi nét về mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản với T
Nhà vua cùng Hoàng hậu Nhật Bản sẽ đến thăm Thừa - Thiên Huế - Ảnh: Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản

Có thể nói, trong những năm vừa qua mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Nhật Bản tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như: phòng chống thiên tai, bảo tồn di sản văn hóa, giao thông, cấp thoát nước, giáo dục, y tế. Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam nói chung và cho Thừa Thiên Huế nói riêng. Công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Huế đã có những bước phát triển vượt trội. Cố đô Huế đang dần hồi sinh hình ảnh một kinh đô phong kiến cuối cùng trên đất nước Việt Nam với sự uy nghi, đầy tráng lệ. Thành quả đó về mặt chủ quan là nhờ nỗ lực của những đơn vị, tổ chức có liên quan, nhưng về mặt khách quan thành tựu đó có công không nhỏ của các đối tác nước ngoài. Một trong những đối tác lớn nhất của Huế nói chung và Di tích Huế nói riêng không ai khác đó là Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức phi chính phủ đến từ Nhật Bản.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vốn có từ lâu đời. Hơn 400 năm trước, người Nhật đã tìm tới Thuận Hóa buôn bán qua những Châu Ấn thuyền (Shuinsen) được Mạc phủ Đức Xuyên gửi đi. Dần dần, người Nhật đến Thuận Hóa ngày càng nhiều hơn. Khi các chúa Nguyễn có những chính sách rộng mở về ngoại thương và cư trú, những người Nhật đã đến đây buôn bán, lập phố và sinh sống lâu dài. Chính sự giao lưu buôn bán này đã khiến văn hóa Nhật Bản, kể cả phong tục tập quán, kiến trúc, nghệ thuật đã trở nên không còn xa lạ với người Việt Nam. Cách đây hơn trăm năm, phong trào Đông Du do Phan Bội Châu cùng những người đồng chí của ông khởi xướng cũng nhằm vào mục đích thắt chặt mối quan hệ giữa hai dân tộc và đào tạo cho Việt Nam những lực lượng ưu tú để trở về chấn hưng đất nước, đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp. Lịch sử chính là chiếc cầu nối vững chắc để hai dân tộc Việt-Nhật vượt qua những rào cản, tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác đương đại. Đối với Huế, người Nhật đã có sự trở lại khá sớm, ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới và Mở cửa.

Chuyên gia Nhật Bản tại dự án phục hồi Ngọ Môn năm 1994, dự án do Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO

Nhật Bản bắt đầu tài trợ cho công tác trùng tu, bảo tồn Di sản Huế kể từ năm 1990. Dự án quy mô đầu tiên mà Nhật Bản tài trợ cho Huế chính là dự án trùng tu Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng thành, công trình được xem là biểu tượng về cố đô Huế. Từ năm 1990, Quỹ uỷ thác của Chính phủ Nhật Bản thông qua UNESCO (Japan Trust Fund via UNESCO) đã tài trợ cho dự án trùng tu cửa Ngọ Môn với tổng số tiền là 100.000 USD tương đương khoảng 1 tỷ đồng Việt Nam lúc bấy giờ. Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, công trình Ngọ Môn đã ở trong tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng. Dự án trùng tu phục hồi công trình này là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, việc tài trợ cho dự án trùng tu công trình Ngọ Môn của Chính phủ Nhật Bản trong thời điểm ấy là việc làm rất có ý nghĩa. Sự thành công của dự án đã được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Người đóng vai trò giám sát về mặt kỹ thuật của dự án này là Giáo sư Takeshi Nakagawa của Đại học Waseda. Chính từ dự án tu bổ Ngọ Môn, Giáo sư Nakagawa đã có sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa Huế. Hai năm sau đó, từ năm 1994, dưới sự lãnh đạo của Giáo sư, Xưởng Nghiên cứu kiến trúc châu Á -Đại học Waseda (viết tắt là Waral-Waseda, từ năm 2001 đổi tên thành Viện Nghiên cứu di sản Thế giới UNESCO-Đại học Waseda, gọi tắt là Heritage Waseda) đã bắt đầu hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Huế. Với mục tiêu nghiên cứu để bảo tồn và trùng tu chân xác các di tích thuộc triều Nguyễn, mà trọng tâm là nghiên cứu để tái thiết di tích điện Cần Chánh - một công trình quan trọng bậc nhất của kiến trúc cung đình Huế nhưng đã bị chiến tranh thiêu huỷ từ năm 1947. Đây là công trình đang trong đề nghị đăng ký nguồn viện trợ ODA từ chính phủ Nhật Bản cho dự án phục nguyên Điện Cần Chánh.

Cùng với các quỹ tài trợ, các nhà nghiên cứu và cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản cũng đã đến Huế để tiến hành các chương trình nghiên cứu và hợp tác về di sản văn hóa Huế. Cũng từ thời điểm này, Nhật Bản liên tiếp tài trợ cho Di tích Huế ở các dự án bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị của Di sản Huế, tuy kinh phí không lớn lắm nhưng đều là những tài trợ kịp thời và có ý nghĩa, như tài trợ cho trùng tu Ngọ Môn, Hữu Tùng Tự (lăng Minh Mạng), điện Long Đức, điện Chiêu Kính- thuộc khu vực Thái Miếu (Đại Nội Huế_… Đặc biệt, gắn liền với công việc trùng tu còn có công tác đào tạo chuyên môn và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho Việt Nam. Một số cán bộ chuyên gia của Trung tâm BTDTCĐ Huế đã được gửi đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản và đã đào tạo được đội ngũ cán bộ nghiên cứu bảo tồn có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn có thể thực hành tốt tại di tích Huế.

Tương tự như lĩnh vực bảo tồn văn hóa vật thể, những dự án tài trợ cho hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể về Xây dựng kế hoạch hoạt động cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy Nhã nhạc- Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng luôn gắn liền giữa công tác hỗ trợ bảo tồn trực tiếp và công tác nghiên cứu đào tạo. Cả hai dự án lớn tài trợ cho việc bảo tồn Âm nhạc cung đình Huế đều có mục đích đào tạo các nghệ nhân, nghệ sĩ cho tương lai. Dự án đã xây dựng những nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy các kỹ năng về Nhã nhạc cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản này ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.

Trên một phương diện khác, để tăng cường mối giao lưu quan hệ quốc tế và nâng cao kiến thức về quy hoạch và bảo tồn bền vững môi trường sinh thái cho các nhà quản lý cùng các nhà chuyên môn của Huế, hai bên đã tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về bảo tồn bền vững môi trường nông thôn và đô thị lịch sử dọc theo sông Hương. Hội thảo đã có những kết luận và kiến nghị mang tính đột phá nhằm bảo tồn khu vực Huế gắn với sông Hương như một chỉnh thể thống nhất và phát triển một cách bền vững. Những kết quả nghiên cứu này sẽ là một trong những nội dung tham khảo hữu ích cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích Huế, đặc biệt là việc xây dựng Hồ sơ tái đề cử cảnh quan văn hóa thế giới mà Trung tâm đang thực hiện. Cùng với đó, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến nhất vào công cuộc phục hồi, trùng tu, bảo vệ những công trình kiến trúc hư hỏng nặng thông qua chương trình tài trợ thiết bị hỗ trợ nghiên cứu – trùng tu di tích.

Giáo sư Nakagawa Takeshi Đại học WASEDA-UNESCO tại hội thảo phục nguyên điện Cần Chánh

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Đại học Waseda thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu về tái tạo cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái lịch sử tại lưu vực sông Hương, giai đoạn 2016-2018; phối hợp với Hội Kiến trúc sư toàn Nhật Bản tổ chức hội thảo chuyên đề về bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi vật thể Quốc tế tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (IRCI) để nghiên cứu và tăng cường các giải pháp cụ thể giúp bảo tồn bền vững di sản văn hóa phi vật thể ứng phó với các thiên tai, thảm họa.

Như vậy, qua gần 30 năm trao đổi hợp tác kể từ khi mối quan hệ giữa đôi bên được thiết lập, có thể khẳng định rằng quan hệ hợp tác trao đổi về văn hóa giữa Nhật Bản với Huế đã có những bước phát triển rất lớn. Nhìn chung, các lĩnh vực hoạt động hợp tác và nghiên cứu giữa Nhật Bản và Huế đã diễn ra khá đa dạng, bao gồm cả về nghiên cứu sưu tầm, tổ chức hội thảo khoa học, đào tạo nghiệp vụ kỹ năng chuyên môn, trùng tu bảo tồn di tích và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Tổng kinh phí tài trợ từ phía Nhật Bản, theo thống kê, khoảng hơn 4,6 triệu USD. So với khoảng thời gian gần 30 năm thì đây không phải là nguồn kinh phí quá lớn nhưng so với tổng kinh phí quốc tế đã tài trợ về văn hóa cho Huế trong thời gian trên (khoảng gần 10 triệu USD) thì có thể nói Nhật Bản là nước có sự tài trợ lớn nhất và quan trọng nhất.

Với những gì đã đạt được trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong suốt chiều dài gần 30 năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tài trợ từ phía Nhật Bản trong những năm sau này. Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: “Đơn vị rất mong muốn được đẩy mạnh hợp tác và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản”. Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong muốn phía Nhật Bản tăng cường xúc tiến các khoản viện trợ ODA cho các công trình kiến trúc đang cần được phục hồi phục vụ cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích Huế.

Về khía cạnh thương mại, du lịch mong rằng phía Nhật Bản sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá về hình ảnh Việt Nam nói chung và Cố đô Huế nói riêng để đưa lượng khách du lịch Nhật Bản đến với Di tích Huế ngày càng nhiều hơn nhằm tạo bước đột phá Huế trở thành thành phố “di sản” theo nguyên lý cốt lõi là sự kết hợp hài hòa giữa cái xưa và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại, nâng đẳng cấp quốc tế của thương hiệu “Điểm đến của Năm di sản”. Theo số liệu thống kê, trong thời gian qua, hợp tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thúc đẩy trao đổi khách du lịch hai nước. Trên nền tảng đó, thị trường khách du lịch Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 2010 - 2015, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên Huế có sự tăng trưởng ổn định. Năm 2016, trong 10 tháng đã có hơn 25.118 lượt khách Nhật Bản đến Huế (chiếm 4,14%), xếp thứ 8 trong top 10 của lượng du khách quốc tế đến Huế. Tóm lại, có thể khẳng định, quan hệ hợp tác về lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn văn hóa giữa Huế và Nhật Bản trong hơn 30 năm qua đã có những bước phát triển cả về quy mô và chiều sâu. Thành quả của mối quan hệ này đã và đang góp phần đáng kể cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế thực hiện được nhiều chương trình nghiên cứu để chuyên môn hóa công tác bảo tồn và thực thi nhiều dự án trùng tu tái thiết di sản. Bên cạnh đó, trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, nhiều đối tác Nhật Bản đã đến với di tích Huế và có những chương trình hợp tác dài hạn mà chúng ta có thể tranh thủ được nguồn tài trợ quốc tế, thụ hưởng công nghệ, thiết bị và phương pháp luận bảo tồn tân tiến kết hợp đào tạo được đội ngũ cán bộ nghiên cứu bảo tồn có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, đây là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ cho công cuộc bảo tồn hiện nay và chiến lược phát triển về sau.

Bối cảnh quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay và trong thời gian tới ngày càng thuận lợi, thông qua các chuyến viếng thăm làm việc và ký kết nhiều chương trình trao đổi hợp tác song phương cũng như cam kết duy trì các nguồn ODA. Trong đó, lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa luôn được quan tâm đưa vào chương trình hợp tác của hai bên. Có thể nói, Nhật Bản là đối tác, là người bạn trân quý của Việt Nam nói chung và của Huế nói riêng. Cố đô Huế có được những thành tựu như ngày nay có một phần đóng góp của người bạn Nhật Bản. Với những gì đã đạt được giữa hai bên, hy vọng rằng trong tương lai Nhật Bản và Việt Nam nói chung và Huế nói riêng sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hơn nữa. Công tác trùng tu và bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Huế vẫn mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Nhật Bản.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Các bài khác