01/06/2022 9:31:57 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
NGÔ ĐỒNG Ở HOÀNG CUNG HUẾ VÀ SỰ KẾT NỐI HOÀNG THÀNH THĂNG LONG
Sáng ngày 01/6/2022, nhân dịp Lễ Trồng Cây và Khai mạc Tết Đoan Ngọ do Trung tâm BTDS Thăng Long tổ chức, KTS. Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng đoàn công tác của Trung tâm đã trao tặng Trung tâm BTDS Thăng Long 04 cây ngô đồng mà Trung tâm đã nhân giống. Sự kiện có sự tham gia của ông Chữ Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm BTDS Thăng Long-Hà Nội cùng một số đại biểu đến từ Viện Khảo cổ, các Ban quản lý/ Trung tâm quản lý của các CLB các khu di sản Thế giới tại Việt Nam: Phong Nha- Kẻ Bàng, Hội An,…
Hoạt động trao tặng cây Ngô đồng và trồng cây tại di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
Hoạt động trao tặng cây Ngô đồng và trồng cây tại di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Ngô đồng xứ Huế thường nở vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, với những chùm hoa nho nhỏ mang sắc hồng phấn dịu nhẹ. Đặc trưng của loài cây này là thân cây thẳng đứng, cao vút, lên đến tầm 16m, bởi thế khi ngô đồng nở hoa đã tạo ra một điểm nhấn đặc trưng, tô điểm nên những nét riêng có cho Kinh thành Huế.

Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nỗ lực nghiên cứu cách nhân giống loài cây ngô đồng độc đáo này. Và hiện nay Trung tâm đã nhân giống thành công trong các vườn ươm của đơn vị.

Vừa qua, thông qua kế hoạch hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, hai bên đã có những chia sẻ, phối hợp khăng khít vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử của đất nước. Căn cứ vào đặc trưng của cây ngô đồng, loại cây thường được trồng trong cung điện, vườn cung đình của hoàng gia (có từ đời Hán).

Việc làm này sẽ góp phần kết nối khăng khít, phát huy hơn nữa tiềm năng và các giá trị di sản của Hoàng cung Huế và Hoàng Thành Thăng Long trong thời gian tới.

Ngô đồng (梧桐), còn gọi là cây thanh đồng 青桐, từ lâu đã là loài cây nổi tiếng trân quý, là một trong những hình ảnh biểu tượng đặc sắc trong nền văn hóa Á Đông.

Tương truyền, loài cây này là nơi chim phượng hoàng (loài chim biểu tượng cho điềm lành và sự cao quý) cư trú. Thiên Thu thủy 秋水ở sách Trang tử 庄子 có câu: “Phương Nam có loài chim tên gọi Uyên sồ (Phượng hoàng)... Chim Phượng hoàng từ Nam hải, bay lên Bắc hải, không phải cây ngô đồng thì Phượng hoàng không đậu...” [1]. Sách Kinh Thi cũng có câu: “chim Phượng Hoàng hót, trên ngọn núi cao kia/ Cây ngô đồng mọc, trong buổi sớm kia[2].

Từ triều Hán ở Trung Quốc, cây Ngô đồng đã được trồng phổ biến và khá nhiều trong cung điện của triều đình và vườn tược của hoàng gia. Sách Tây Kinh tạp ký 西京雜記 cho biết: “[thời Hán], trong các vườn thượng uyển của hoàng gia có ba loại cây “đồng ” là cây y đồng 椅桐, ngô đồng 梧桐 và kinh đồng 荊桐[3]. Bên cạnh đó, cây ngô đồng cũng được dân gian thời xưa ưa chuộng, trồng khá nhiều nơi khác như trong sân vườn nhà, bên vệ đường hay bên sông bên núi.

Hình tượng Ngô đồng cũng in dấu sâu đậm vào thơ ca xưa nay, điển hình là ở thơ Đường với nhiều tác gia nổi tiếng như Trần Tử Ngang, Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Thôi Thự, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Sầm Tham... chẳng hạn trong bài Cổ phong 古風 của Lý Bạch có câu : “Ngô đồng sào yến tước, chỉ cức tê uyên loan” 梧桐巢燕雀,枳棘棲鴛鸞 (ngô đồng là tổ của chim sẻ, chim én; cây chỉ cây gai là nơi đậu của chim uyên ương, chim loan phượng). Tại Việt Nam, thi nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du trong các tác phẩm của mình đều có nhắc đến cây Ngô đồng. Điển hình như bài thơ Nôm Ngôn chí 言志của Nguyễn Trãi có câu: “Mấy người ngày nọ thi đỗ, lá ngô đồng thuở mạt thu” 𠇍𠊚𣈜怒詩杜, 蘿梧桐課末秋. Hay câu thứ 1594 của Truyện Kiều: “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô” 汫鐄㐌用𠬠𠄽𦲿梧. Cũng bởi ý nghĩa biểu tượng gắn với phượng hoàng, với điềm lành và thường được trồng trong cung điện như thế, triều Nguyễn đã cho trồng cây ngô đồng ở nhiều nơi trong và ngoài Đại Nội. Đặc biệt, vào triều vua Minh Mạng, nhà vua đã cho khắc hình ảnh cây Ngô đồng lên Nhân đỉnh 仁鼎 đặt tại Thế Miếu.

Sách Đại Nam nhất thống chí, mục Thừa Thiên Phủ cho biết: “Các tỉnh ven núi đều có. Kính xét: đời Minh Mệnh [Mạng] được từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên gốc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được đem trồng ở các góc điện[4].

 

[1] Nguyên văn: “南方有鳥,其名為鵷鶵,子知之乎?夫鵷鶵,發於南海而飛於北海,非梧桐不止” (Nam phương hữu điểu, kỳ danh vi uyên sồ, tử tri chi hồ? Phù uyên sồ, phát ư nam hải nhi phi ư bắc hải, phi ngô đồng bất chỉ)

[2] Nguyên văn: “鳳凰鳴矣,于彼高岡。 梧桐生矣,于彼朝陽” Phượng Hoàng minh hĩ, vu bỉ cao cương, ngô đồng sinh hĩ, vu bi triêu dương (theo Kinh Thi 詩經, Đại Nhã 大雅, thiên Quyển A 卷 阿)

[3] Nguyên văn: “上林苑桐三,椅桐、梧桐、荊桐” (thượng lâm uyển đồng tam, y đồng, ngô đồng, kinh đồng)

[4]Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí tập 1 (bản dịch Viện Sử học, tái bản lần thứ hai), Nxb Thuận Hóa, tr.426

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế