30/12/2022 10:48:51 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
LỄ BAN SÓC (BAN LỊCH) QUA MẤY BÀI THƠ CỦA VUA NGUYỄN & LỄ BAN SÓC TÁI HIỆN TẠI NGỌ MÔN
Nước Đại Nam: Lấy việc khuyến nông làm trọng, Cái ăn của dân ví lớn đất trời. Dưới trên tất thảy như sau, xem lịch số tính thời tiết canh nông; Gần xa đều cùng một mối, cày ruộng nuôi tằm siêng năng đồng áng. Lệ Phát lịch từ trên xuống dưới; Điển Ban Sóc nay cử tiến tại Ngọ Môn. Bá quan tỉnh thành thay dân lĩnh lịch; Muôn họ trong ngoài biết để thi hành. Chép thành lệ ghi lâu dài mãi mãi. Bá cáo xa gần, tất thảy đều nghe.
Tái hiện sân khấu hóa Lễ Ban sóc thời Nguyễn, năm 2022
Tái hiện sân khấu hóa Lễ Ban sóc thời Nguyễn, năm 2022
Từ thơ vua đến lễ Ban sóc thời Nguyễn
Ban Sóc là lễ ban lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của các viên ở bộ Hộ, bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng; lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Bài “Gia bình ban sóc tác” của vua Thiệu Trị in trong Ngự chế thi sơ tập (quyển 13, tờ 18a - 19a)
  Các vua Nguyễn rất xem trọng cuộc lễ này, xem đây là một trong các lễ lớn trong năm. Sách Đại Nam thực lục có chép, từ những năm đầu thời Gia Long, thời Minh Mạng đã đặt lễ Ban Sóc. Năm 1821, “Tháng 12, ngày mồng 1, vua mặc thường phục ngự ở điện trước cửa hành tại. Khâm thiên giám đem lịch năm nhâm Ngọ dâng lên (…) Lại truyền dụ cho ở Kinh hôm ấy phải thiết triều ở điện Thái Hoà, Hoàng trưởng tử và các quan lưu Kinh làm lễ bái vọng, rồi lấy sách lịch chia cấp cho trong ngoài”. Các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có ngự chế thơ về lễ ban sóc. Dưới đây xin giới thiệu mấy bài tiêu biểu.
1. Thơ vua Minh Mạng:
Phiên âm:
Gia bình sóc tác
Nguyệt trị gia bình hân cát đán,       
Thị triều ban sóc tỉ minh thì.            
Cổ chung ti trúc hòa âm nhạc,         
Kiếm bội quan thường túc lễ nghi.   
Trung ngoại phụng hành thần hữu chuẩn,
Âm dương phán định tuế vô si.         
Điều quân ngũ nhược hoàn doanh lại,       
Phú tái chiêu lâm vĩnh bất tư.          
Dịch thơ [1]:
Viết vào ngày Ban sóc tháng Chạp
Tháng chạp đúng lúc ngày tốt gặp,
Triều đình ban lịch rõ thời gian.       
Trống chuông đàn sáo hòa âm nhạc,
Kiếm bội xiêm y cờ đủ lớp lang.
Hành lễ trong ngoài giờ đúng chuẩn,
Âm dương năm xét thật không nhầm.
Điều hòa năm hướng cùng muôn cõi, 
Đất chở trời che mãi vĩnh hằng.
Ở bài thơ này của vua Minh Mạng, nhà vua đã miêu tả cảnh lễ ban sóc do triều đình tổ chức bằng các hình thức nghi lễ long trọng, đầy đủ nhạc lễ cả đại nhạc (chuông, trống) lẫn tiểu nhạc (đàn, sáo) với y quan áo mão rực rỡ, đầy đủ nghi tiết. Kết thúc bài thơ, nhà vua còn khẳng định những chính sách công bằng của triều đình đối với muôn dân. Nhà vua viết Phú tái chiêu lâm vĩnh bất tư (Che chở soi rọi mãi mãi không riêng gì cho ai), chỉ sự công bằng xã hội. Thành ngữ Thiên phú địa tái (trời che đất chở) rút gọn trong câu thơ được hàm ngôn là triều đình có một chế độ chính trị tốt đẹp, không thiên vị, thực thi công bằng xã hội và mọi thần dân đều có quyền được hưởng ân trạch của nhà vua, như việc ban lịch ở trường hợp này được ví là điển hình.
2. Thơ vua Thiệu Trị:
Đối với vua Thiệu Trị, dường như cảm hứng thi phú về lễ ban sóc là rất dồi dào. Chỉ một nhan đề Gia bình ban sóc tác (Viết khi ban lịch vào tháng chạp) mà có đến 3 bài thơ viết ở ba thời điểm khác nhau và 1 bài nhan đề là Gia bình ban Ất tỵ lịch tác (Viết khi ban lịch Ất tỵ vào tháng chạp). Trong đó, có 3 bài được chọn khắc trên điện Long An, ở đây xin giới thiệu 2 bài.
Phiên âm bài 1:
Gia bình ban sóc tác
Trinh nguyên hội hợp hưu tường ứng,                  
Đán phục đán hề chính thể Nghiêu.           
Thiên địa âm dương hàm định phán,          
Đế vương thống kỷ vĩnh tuyên chiêu.          
Thời đinh gia cát tam quang lãng,             
Vận tế ung hy tứ tự điều.                                     
Thiệu trị niên niên tăng bửu lịch,               
Quần phương phụng sóc Đại Nam triều.    
Dịch thơ:
Viết khi Ban lịch vào tháng Chạp
Ngôi cao hòa với điềm lành ứng,
Chính thể tựa Nghiêu nối tiếp ngày.
Trời đất âm dương phân định rõ,
Kỷ cương phép tắc đế vương xây.
Được thời tươi đẹp tầng không sáng,
Gặp vận ôn hòa tiết vận xoay.
Kế trị hàng năm ban lịch quý,
Muôn nơi tuân phụng Đại Nam này.
Phiên âm bài 2:
Gia bình ban sóc tác
Võ liệt văn mô phó tí long,
Thiên chi lịch số tại dư cung.
Thể nguyên cư chính duy tinh nhất,
Đạo thống tương truyền doãn chấp trung.
Khởi tự Giáp Thìn nguyên sáng thủy,
Tự thừa Tân Sửu dũ khôi hồng.
Vạn phương phụng sóc Đại Nam quốc,
Thiệu trị miên trường đế nghiệp sùng.
Dịch thơ:
Viết khi Ban lịch vào tháng Chạp
Hiển văn hách võ tốt lành thay,
Lịch số đất trời thân tại đây.
Đế nghiệp ngôi cao  tường tỏ nhất, 
Truyền trao đạo trị nắm trong tay.
Giáp thìn[2] khai mở bắt đầu ấy, 
Tân sửu[3] kế thừa rạng rỡ thay.
Khắp cõi Đại Nam cùng lịch số,  
Lâu dài trị nước vẻ vang dày.
Ở cả hai bài thơ trên, dù là nói về lễ Ban sóc, nhưng vua Thiệu Trị chủ yếu nhấn mạnh về triều đại, khẳng định ngôi vị, khẳng định về pháp chế, kỷ cương và trên hết là khẳng định sự hưng thịnh vững bền của đất nước.
Ở bài sau, vua Thiệu Trị có nhắc đến 2 năm, năm Giáp thìn (trong trường hợp này là 1844) và Tân sửu (trong trường hợp này là 1841). Vì sao lại nhắc đến hai năm này ?
Lễ Ban sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Vào năm 1840, lần đầu tiên, lễ Ban sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, lễ này ban cuốn lịch năm mới Tân sửu (1841). Sự thay đổi về địa điểm này về sau đã trở thành điển lệ được duy trì liên tục. Sách Đại Nam Hội điển sự lệ ghi nhận, đến thời vua Tự Đức, điều này vẫn còn được nhấn mạnh lại: “Tự Đức năm thứ 2 (1849), đình nghị tâu lên được chỉ chuẩn: về lễ ban sóc, chiếu theo lệ năm Minh Mạng thứ 21 mà làm. Việc này đặt làm thành lệ lâu dài”.
Tái hiện sân khấu hóa Lễ Ban sóc thời Nguyễn, năm 2022
Về năm Giáp thìn (1844) trong bài thơ, có lẽ vua Thiệu Trị muốn nhắc đến sự kiện lần đầu tiên ban lịch cho hai nước Hỏa Xá và Thủy Xá. Theo Đại Nam thực lục thì nước Thủy Xá và Hỏa Xá xưa gọi là Nam Bàn, là dòng dõi Chiêm Thành ở phía tây núi Thạch Bi. Thời kỳ đầu, triều Nguyễn cho là địa giới giáp Phú Yên, nên 5 năm một lần sai người đến nước đó ban cho các phẩm vật. Sách Đại Nam thực lục có nêu, năm 1844, vua Thiệu Trị có ban dụ: "Nước Đại Nam ta, đức hóa thấm khắp, thanh giáo rộng ban (…) Nay 2 nước đã theo lễ chư hầu, đòi làm phiên thần, lịch của triều đình đã ban cho, nên coi như dân một nước. Chuẩn cho từ nay trở đi, hằng năm phát cho một bản quan lịch, 50 bản dân lịch, giao cho tỉnh Phú Yên chuyển cấp, bắt đầu từ năm Thiệu Trị thứ 5".   
Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Khâm Thiên Giám phụ trách soạn lịch và ban lịch dưới thời Nguyễn. Theo quy định, từ tháng 2 âm lịch, Khâm Thiên Giám đã bắt đầu tính toán để tiến hành làm lịch cho năm đến. Vào tháng 5, bản thảo sẽ được hoàn thành. Khâm Thiên Giám sẽ trực tiếp in và cấp phát lịch ở Kinh đô cùng các tỉnh phía nam đến Khánh Hoà, phía bắc đến Thanh Hoá. Còn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, từ Bình Thuận trở vào sẽ do hai tỉnh Nam Định, Hà Nội phụ trách in ấn và cấp phát lịch. Cũng có giai đoạn, các quan địa phương chỉ tiếp nhận lịch mẫu và tổ chức in ấn phát cho dân ở các tỉnh thành trong thời gian sau đó. Mẫu lịch do Khâm Thiên Giám cung cấp, khi in xong Khâm Thiên Giám duyệt lại mới được cấp phát, lưu hành. Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch để phát cho thần dân.
Lễ Ban sóc dưới thời Nguyễn gắn với việc biên soạn, in ấn lịch và ban cho toàn quốc vào thời Nguyễn có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta, nhất là phục vụ cho công việc đồng áng hàng ngày, gắn với nền kinh tế trọng nông thuở trước. Sự quan tâm của các hoàng đế thể hiện qua những bài thơ về chủ đề Ban Sóc đã góp phần chứng thực điều đó. 
Lễ Ban Sóc tại hiện tại Ngọ Môn ngày nay
Từ năm 2021, lễ Ban sóc do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện được dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa do chính tác giả viết sách này làm kịch bản nội dung chi tiết và chỉ huy dàn dựng với mục tiêu giới thiệu những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản; phát huy giá trị gắn liền với chức năng của Ngọ Môn; tạo nên không khí vui tươi, có ý nghĩa trong dịp năm mới; góp phần quảng bá hình ảnh khu di sản cố đô  Huế.
Trên cơ sở nghiên cứu những tài liệu lịch sử, một số nghi tiết đã được bổ sung nhằm làm tăng tính hấp dẫn, bổ sung những diễn giải thông tin và nghi tiết của lễ để có thể đưa lại cho người xem những nội dung ý nghĩa về một nghi lễ cung đình giàu tính nhân văn xưa.
Đặc biệt là yếu tố người dẫn chuyện đã tham gia vào diễn giải tại không gian lịch sử này như một “chứng nhân” và kể lại câu chuyện.  Mở đầu Người dẫn chuyện (trang phục truyền thống gợi nên hình ảnh cung tần) giới thiệu về nội dung ý nghĩa của lễ Ban Sóc dưới thời Nguyễn:
"Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.
Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng; lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
  Lễ Ban Sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Vào năm Tân Sửu 1841, lần đầu tiên, lễ Ban Sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn. Sau 180 năm, năm nay, cũng đúng vào năm Tân Sửu, lễ Ban Sóc ngày ấy đã được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa"...
Tiếp đó, lễ diễn ra theo trình tự với các nội dung của kịch bản. Trên tầng 2 ở hai bên Ngọ Môn, 08 lính đội nón cầm Kèn đại đối xứng thổi 3 hồi.  Viên bộ Lễ (ở trên Ngọ Môn) xướng Ban Sóc Lễ cử tiến; 03 hồi chiêng; 09 hồi trống trổi lên; Viên bộ Lễ xướng: Bài ban (các quan vào hàng ở sân). Tất cả các đội hình đi ra từ các cửa hai bên Ngọ Môn ngay sau lời xướng. Các cửa mặt ngoài Ngọ Môn: mỗi cửa 2 lính cầm Nghi trượng Lễ Ban Sóc; 06 lính đứng cạnh Long đình sẵn sàng để gánh Long đình (đựng Ngự lịch), 01 viên Khâm Thiên Giám đứng trực; 02 lính đứng cạnh bàn án để chuyển lịch; 01 viên Khâm Thiên Giám đứng trực; 10 lính cầm búa đứng quanh thành hồ Ngoại Kim Thủy trước Ngọ  Môn; 06 lính cầm Cờ phan đứng trước đội cầm búa; 04 lính kéo 02 hỏa pháo đứng cạnh 02 thần công ở hai bên Ngọ Môn; 09 tiểu nhạc đứng đối xứng với đội Cờ Phan; 10 vị Thân công, Hoàng tử, Các tước công mặc triều phục; 30 vị quan văn võ từ tam phẩm trở xuống mặc triều phục. Tất cả uy nghi hàng ngũ chuẩn bị diễn ra lễ.
Vào lễ, viên bộ Lễ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Hỏa lệnh; Quan hỏa pháo phất cờ; Lính hỏa pháo mỗi bên bắn 02 phát thần công. Từ trong cửa Tả Dịch môn, 2 viên Khâm Thiên Giám nghiêm trang bưng 02 hòm Ngự lịch tiến ra chỗ Long Đình đứng đợi. Từ trong cửa Hữu Dịch môn, 2 viên Khâm Thiên Giám nghiêm trang bưng 02 tráp lịch tiến ra chỗ bàn vàng đứng đợi). Viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Cử lễ dâng lịch.
Hai viên Khâm Thiên Giám quỳ xuống, nâng hòm Ngự Lịch ngang trán, trao cho viên Khâm Thiên Giám1 (viên đứng cạnh Long Đình); Viên Khâm Thiên Giám 1 nhận lịch, xếp đặt vào Long Đình, nghiêm trang đứng đợi; 02 viên Khâm Thiên Giám quỳ xuống, nâng Tráp lịch ngang trán, trao cho viên Khâm Thiên Giám 2; Viên Khâm Thiên Giám2 nhận lịch, xếp đặt lên bàn vàng nghiêm trang đứng đợi; Viên bộ Lễ (ở trên Ngọ Môn) xướng:  Bách quan giai quỳ.
Tất cả các quan có mặt ở sân Ngọ Môn đều quỳ; Viên bộ Lễ (ở trên Ngọ Môn) xướng:  Bái … Hưng. Tất cả các quan có mặt ở sân Ngọ Môn đều hành lễ 5 lạy.  Viên bộ Lễ (ở trên Ngọ Môn) xướng:  Bình thân.
Tiếp theo là nghi thức Tiến lịch vào Cung Điện, viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Tiến lịch; Đội Tiểu nhạc tầu bài Đăng đàn cung; 05 viên Khâm Thiên Giám ở Long Đình cùng Lính gánh Long đình, 02 Lọng vàng tiến vào cửa giữa Ngọ Môn đi thẳng đến điện Thái Hòa.
Đến đây, người dẫn chuyện lại xuất hiện và thuyết trình lại nghi tiết vừa diễn ra, nói về việc dâng Ngự Lịch vào các cung điện: "Đội Tiến lịch do một quan viên Khâm Thiên Giám dẫn đầu đã tiến các hòm Ngự lịch, Loan lịch vào cung. Đội sẽ đi thẳng qua cầu Trung Đạo, rẽ về hướng đông, vào cửa Nhật Tinh, đến Đại Cung Môn để tiến lịch vào Tử Cấm Thành. Sau đó chuyển qua hướng tây để vào tiến lịch ở cung Diên Thọ.
Sau khi nghi thức Tiến Lịch vào cung xong, nghi thức Ban lịch ở Ngọ Môn tiếp tục"....
Tiếp theo là nghi tiết tuyên Chỉ ban lịch, bài dụ được viết theo lối văn biền ngẫu trên cơ sở nghiên cứu thông tin lịch sử, khái quát nên ý chỉ của nhà vua đối với việc ban lịch. Viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Tuyên chỉ; Viên bộ Lễ (ở trên Ngọ Môn) đọc bản Dụ [4]
Hoàng đế chỉ rằng:
Noi theo điển cổ,
Gần độ xuân về, quẻ Thái càn khôn đã mở;
Sắp sửa hết năm, Mệnh Trời thiên phú chở che, 
(Chiêng)
Âm dương điều hòa phép tắc;
Chính sự hanh thông nhàn hạ.
Trẫm chăm lo triều chính
ngưỡng vọng Quốc Thái Dân An;
Triều định ngày Ban lịch
hằng mong Phong Điều Vũ Thuận.
(Trống)
Long Lịch, Vạn Niên điều hòa đông- tây- nam- bắc;
Hiệp Kỷ, Vạn Toàn sáng soi trăng- trời- gió- mây.
(Chiêng)
Nước Đại Nam:
Lấy việc khuyến nông làm trọng,
Cái ăn của dân ví lớn đất trời.
Dưới trên tất thảy như sau,
xem lịch số tính thời tiết canh nông;
Gần xa đều cùng một mối,
cày ruộng nuôi tằm siêng năng đồng áng.
(Chiêng)
Lệ Phát lịch từ trên xuống dưới;
Điển Ban Sóc nay cử tiến tại Ngọ Môn.
Bá quan tỉnh thành thay dân lĩnh lịch;
Muôn họ trong ngoài biết để thi hành.
Chép thành lệ ghi lâu dài mãi mãi.
Bá cáo xa gần, tất thảy đều nghe.
(Trống đổ hồi)
Tất các các quan quỳ lạy.
Tiếp theo là nghi thức ban lịch cho Thân Công, Hoàng Tử, Viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Có chỉ. Tất cả các quan có mặt ở sân Ngọ Môn đều quỳ; Viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Lịch năm Tân Sửu đã xong, nay ban cho trong Kinh và các Tỉnh; Viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ xướng: Thân công, Hoàng tử lĩnh lịch. Đội tiểu nhạc tấu nhạc; 10 viên Thân công, Hoàng tử đứng lên, bước lên hàng trước đều nhau, quỳ xuống; 03 viên Khâm Thiên Giám (đang quỳ ở bàn vàng) đứng lên, lấy lịch ở bàn vàng (lịch Vạn niên thọ) trao cho các vị Thân công, Hoàng Tử; tất cả các Thân Công, Hoàng Tử nhận lịch, nâng ngang trán, lạy 1 lạy, cùng hô: Tạ ơn Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế, xong tiến về chỗ.
Tiếp theo là nghi thức ban lịch cho các quan ở Kinh đô; các quan ở Tỉnh Thành. Nghi thức cũng tương tự như trên, nhưng ở đây ban lịch Thất chính.
Kế đến là nghi thức ban thơ Ngự chế cho Thân Công, Hoàng Tử, Viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) tuyên:
Đầu xuân năm nay, Hoàng đế có ngự chế thi, thơ rằng:
Xuân thủy nguyên lưu viễn,
Xuân sơn khí tượng hùng.
Đế vương hồi cựu chỉ,
Nam Bắc nhập tân phong [5].
Có Chỉ dụ sai cho in mực son để ban cho các Thân Công, Hoàng Tử.
Viên bộ Lễ xướng: Thân Công, Hoàng Tử lĩnh Ngự chế thi; Đội tiểu nhạc tấu nhạc; 10 viên Thân công, Hoàng tử đứng lên, bước lên hàng trước đều nhau, quỳ xuống; 03 viên Khâm Thiên Giám lấy 10 bản thơ mực son để sẵn trên bàn vàng trao cho 10 vị Thân công, Hoàng Tử; 10 viên Thân Công, Hoàng Tử nhân lịch, nâng ngang trán; lạy 1 lạy, cùng hô: Tạ ơn Hoàng thượng, xong tiến về chỗ; Viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Lễ tất.
Bấy giờ, tiếng vọng đọc thơ trong âm thanh nhã nhạc (đọc dịch nghĩa của bài thơ trên):
Vào xuân sông núi hòa ca,
Cao xanh hùng vĩ bao la khí trời.
Đế vương dựng nghiệp rạng ngời,
Nam Bắc hợp một muôn nơi Xuân về.
Trong âm thanh đó, các viên Thân Công, Hoàng Tử cầm các bài thơ Ngự chế mực son (là các tấm thư pháp) tạo hình trang nghiêm và tặng lại cho du khách.
Lính hỏa pháo mỗi bên bắn 03 phát thần công mừng lễ tất.
Người dẫn chuyện xuất hiện và dẫn: Chúng ta đã trải nghiệm cùng kiến trúc Ngọ Môn, một biểu tượng của Huế, qua lễ Ban Sóc được tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa. Tiếp theo sẽ là phần tặng các cuốn lịch năm Tân Sửu 2020 cho quý khách. Hy vọng, những cuốn lịch đầu năm mới mà du khách được nhận từ các quan viên trong lễ Ban Sóc sẽ đem lại những niềm vui cùng sự may mắn cho quý vị trong ngày đầu năm mới này.
Các viên quan còn lại trật tự di chuyển đến bàn vàng, mỗi người lấy 01 cuốn lịch 2020 (để sẵn ở bàn) phân ban hai bên sân Ngọ Môn rồi tặng cho du khách cùng người tham dự, đến đây kết thúc buổi lễ phục dựng.
Năm 2022, lễ Ban Sóc vẫn được tái hiện tại Ngọ Môn vào ngày 01.01, mở đầu cho một năm mới với những ước vọng nhân văn cùng những giá trị tinh thần thuở trước, trên hết là sức sống của mùa xuân với những cộng hưởng từ di sản…

[1] Tất cả các bản dịch thơ trong sách này đều là do tác giả sách (Nguyễn Phước Hải Trung) dịch, ngoại trừ các bản dịch có chú thích nguồn sử dụng.
[2] Giáp thìn: tương ứng với năm 1844.
[3] Tân sửu: tương ứng với năm 1841.  
[4] Bài Dụ này là do tác giả sách (là tác giả kịch bản lễ Ban Sóc phục dựng) soạn theo hình thức văn biền ngẫu.
[5] Đây là bài thơ chữ Hán được chạm khắc, sơn son thếp vàng trên ô hộc ở điện Thái Hòa.
Nguyễn Phước Hải Trung
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế