19/04/2014 11:00:26 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Lễ thếp vàng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và cung thỉnh lên thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Sáng ngày 19 tháng 4 năm 2014, tại không gian “Làng Bát Tràng giữa lòng Cố đô” ở Phủ Nội Vụ (Hoàng Thành Huế), nghệ nhân Trần Độ cùng nhân dân làng Bát Tràng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ thếp vàng và cung thỉnh tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lên thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Sáng ngày 19 tháng 4 năm 2014, tại không gian “Làng Bát Tràng giữa lòng Cố đô” ở Phủ Nội Vụ (Hoàng Thành Huế), nghệ nhân Trần Độ cùng nhân dân làng Bát Tràng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ thếp vàng và cung thỉnh tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lên thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Tham dự và thực hiện nghi thức thếp vàng có ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh TTH; ông Phan Công Tuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế; Thượng tọa Thích Huệ Phước, Phó Trưởng ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế; Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, Trú trì Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Đây cũng là pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông thứ ba được nghệ nhân Trần Độ thực hiện để hiến tặng. Pho thứ nhất được cung thỉnh đến Viện Trần Nhân Tông thuộc Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Pho thứ hai được cung thỉnh đến Nhà Tổ (thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông) trong khuôn viên chùa Trường Sa.

Lễ thếp vàng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước vuaTrần Anh Tông) ở ngôi 15 năm (1278 -1293)  và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2  thứ 3.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, các sử gia thời Hậu Lê nhận định về Trần Nhân Tông như sau: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.   

Trần Nhân Tông là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là phái Thiền Trúc Lâm hay Trúc Lâm Tam tổ), lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà).

Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là dòng Thiền nổi bật nhất trong tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây chính là dòng Thiền do người Việt Nam sáng lập, mang đậm bản sắc dân tộc. Trần Nhân Tông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này và do vậy về sau ông được gọi một cách cung kính là “Phật Hoàng”.

Trần Nhân Tông viên tịch ngày 3 tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (tức 16 tháng 12 năm 1308), được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân.

Đối với Thừa Thiên Huế, cách đây trên 708 năm, vào năm 1306, khi vua Trần Nhân Tông quyết định gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa, bờ cõi Đại Việt được mở rộng. Hai châu Ô, Lý được vua Chế Mân cắt để làm sính lễ dâng vua Đại Việt. Sau đó, hai châu này được đổi thành châu Thuận và châu Hóa. Thuận Hóa được hình thành từ cơ sở đó để hình thành Kinh đô Phú Xuân sau này.

Phần nghi thức thếp vàng hoàn thiện trong hơn một giờ đồng hồ và pho tượng đã được trao cho Thượng tọa Thích Tâm Hạnh để cung thỉnh lên Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Lễ thếp vàng và cung thỉnh tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lên Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một hoạt động ý nghĩa trong những ngày Festival Huế 2014, cũng là một hoạt động hết sức ý nghĩa chào đón mùa Phật Đản (Phật lịch 2558).

 
Phước Hải