03/01/2015 9:21:11 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
NĂM CỦA DI SẢN
Vậy là năm 2014 đã khép lại. Một năm nhiều khó khăn đối với nền kinh tế chung của cả nước và của tỉnh nhà. Nhưng trong bức tranh nhiều gam trầm mặc ấy, di tích Huế vẫn là một điểm sáng, được nhiều người quan tâm và dành cho những tình cảm đặc biệt. Đó là sự động viên, là niềm tự hào rất lớn đối với những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa tại cố đô.

 Phối cảnh công trình bảo tồn trùng tu Ngọ Môn

Năm 2014, dù nguồn kinh phí đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn các di tích trong cả nước rất khó khăn do chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa bị cắt giảm hơn 60% so với năm trước, nhưng tổng nguồn đầu tư cho công tác trùng tu di tích ở Huế vẫn tăng do có được nguồn đầu tư từ Chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ (theo Quyết định 1880TTg) và đầu tư của địa phương (lấy từ nguồn thu từ vé tham quan di tích. Với hơn 90 tỷ đồng dành cho công tác trùng tu di tích, 22 hạng mục công trình đã được triển khai, trong đó có 15 công trình chuyển tiếp từ trước và 7 công trình khởi công mới. Những công trình trùng tu trọng điểm ở Hoàng cung, Kinh thành, các lăng tẩm như dự án trùng tu Ngọ Môn, Triệu Miếu, vườn Thiệu Phương, Tả Trà, Tả Tùng Tự - Thế Miếu, lầu Tàng Thơ, lăng Đồng Khánh, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Gia Long…đang được triển khai rất tốt với chất lượng trùng tu tiêu chuẩn, được các nhà nghiên cứu chuyên ngành và dư luận đánh giá cao. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa và vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cho trùng tu, bảo tồn di sản cũng đã đạt được những kết quả khả quan. Bà Monie Phương, một Việt Kiều đã được hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất để tôn tạo khu vườn Ngự Viên ngay trong Tử Cấm Thành, hay trùng tu lăng mộ vua Thành Thái bằng số tiền hàng trăm triệu của bản thân; Ngân hàng Vietcombank đã tài trợ cho việc quảng bá hình ảnh gắn liền với di sản trị giá 1,5 tỷ đồng trong 3 năm (2014-2016); hay mới đây nhất là việc Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo tài trợ 700 ngàn USD cho việc trùng tu công trình Triệu Miếu…

Tả trà sau khi được trùng tu
Công tác trùng tu lăng Thiên Thọ Hữu

Năm 2014 cũng là năm đáng nhớ của công tác nghiên cứu khoa học và bảo tàng, triển lãm. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, thú vị của hàng trăm nghìn du khách sau khi ghé thăm hoàng cung. Các cuộc triển lãm về lịch sử, văn hóa Huế mà tiêu biểu là 2 cuộc triển lãm về Châu bản triều Nguyễn do Bảo tàng phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức vào tháng 5 và tháng 11 đã thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo giới nghiên cứu và du khách. Đây cũng là cách hữu hiệu để quảng bá Di sản ký ức thế giới vừa được UNESCO công nhận vào tháng 5/2014. Một sự kiện khác cũng tạo nên sự chú ý đặc biệt của cộng đồng là việc Trung tâm tham gia đấu giá thành công chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh tại Pháp. Cuộc đấu giá này đã có sự tham gia hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng bà con kiều Việt kiều tại Pháp và một số doanh nghiệp trong nước. Sự thành công của cuộc đấu giá còn là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, mà trực tiếp là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh tại Pháp

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, cả 3 đề tài nghiên cứu ứng dụng của Trung tâm đều đoạt Giải thưởng khoa học công nghệ của Tỉnh (1 giải Nhất và 2 giải Ba), góp phần khẳng định vị thế của đơn vị trên lĩnh vực này. Trong số đó, đề tài "Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý quần thể di tích Cố đô Huế (trường hợp di tích lăng Minh Mạng)" đã được đánh giá rất cao và sau khi đề cử tiếp tục tham dự xét giải cấp quốc gia (Vifotec) đã đạt giải Khuyến khích. Đây cũng là đề tài khoa học quan trọng nằm trong đề án xây dựng kho dữ liệu tổng thể về di sản văn hóa Huế mà Trung tâm đang tiến hành.

Năm 2014, hoạt động du lịch và dịch vụ ở khu di sản Huế vẫn có bước phát triển vững chắc và đúng hướng. Các hoạt động dịch vụ được quy hoạch và mở rộng cùng với sự ra đời của Trung tâm Phát triển Dịch vụ để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch trong địa bàn khu di sản. Ngay trong Festival Huế 2014, một số sản phẩm đặc trưng cung đình đã được giới thiệu sau một quá trình nghiên cứu công phu, đó là sản phẩm tiệc cung đình Huế với 6 món ăn cao cấp và rượu Hoàng Triều Ngự Tửu. Bên cạnh đó, Không gian diễn xướng Tứ Phương Vô Sự và Ngự thuyền sông Hương đi vào hoạt động cũng tạo nên những điểm du lịch văn hóa mới khá hấp dẫn. Năm 2014 đã có hơn 2,1 triệu lượt du khách đến thăm khu di sản Huế, đưa lại nguồn doanh thu trực tiếp từ vé tham quan đạt 139,8 tỷ đồng. Lãi ròng từ hoạt động dịch vụ đạt 18 tỷ đồng (từ doanh thu khoảng hơn 100 tỷ đồng). Ngày 30/12/2014, di tích Huế đã tổ chức lễ đón du khách thứ 30 triệu sau 21 năm trở thành Di sản thế giới. Đây là sự kiện được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Có thể khẳng định, di sản văn hóa ngày càng thể hiện vai trò là nền tảng cho sự phát triển của du lịch, dịch vụ của cố đô Huế. Theo thống kê, năm 2014 đã có 2,9 triệu du khách đến thăm Thừa Thiên Huế, tổng doanh thu của ngành dịch vụ đạt hơn 2.700 tỷ đồng, riêng doanh thu của hệ thống khách sạn đã đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Đó là một con số thật sự ấn tượng khi biết rằng tổng nguồn thu của cả tỉnh năm 2014 chỉ đạt khoảng 4.650 tỷ đồng.

Lễ đón và trao thưởng lượt du khách thứ 30 triệu tham quan di tích Huế giai đoạn 1994 - 2014

Khép lại năm 2014, niềm vui của những người làm công tác bảo tồn càng được nhân lên gấp bội khi biết nguồn vốn đầu tư cho công tác trùng tu di sản trong năm 2015 sẽ được tăng lên rất nhiều, cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh, của các bộ ngành trung ương và sự ủng hộ nhiệt thành của cộng đồng nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Di sản Huế thực sự đã sẵn sàng để bước vào một mùa xuân mới./.

TS. Phan Thanh Hải