Sáng ngày 08/3/2023, Đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến thăm và làm việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Báo cáo tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Trung tâm, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế Hoàng Việt Trung đã báo cáo tổng quát qua các mặt công tác: kiện toàn bộ máy; nhân sự và thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tình hình hoạt thực hiện nhiệm vụ trong thời gian vừa qua của Trung tâm:
Báo cáo cho biết, thực hiện Quyết định số 2290/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Trung tâm. Hiện, tổng số người lao động là 699 người, tuy nhiên, số này vẫn chưa đủ so với nhu cầu công việc phát sinh. Thực trạng cán bộ, viên chức trong đơn vị đa phần đều lớn tuổi trong khi tại nhiều vị trí công tác đặc thù cần lao động trẻ, có sức khỏe như lực lượng chăm sóc cảnh quan môi trường, bảo vệ di tích, lực lượng diễn viên, vũ đạo múa… Ngoài ra nguồn nhân lực có chất lượng cao trong một số lĩnh vực trọng tâm đang rất thiếu nhất là về nghiên cứu khoa học và quản lý dự án…
Trong năm 2023, dự kiến khởi công 10 dự án và hoàn thành 6 dự án về trùng tu di tích. Tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các di tích; phối hợp UBND thành phố chuẩn bị triển khai ngay việc khoanh vùng, cắm mốc các khu vực di tích để thực hiện tiếp dự án GPMB, tái định cư các hộ dân sống trong khu vực di tích còn lại. Trung tâm đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Báo cáo cũng cho biết thêm, tổng lượt khách đến tham quan di tích tháng 1 và tháng 2 năm 2023 là 315.000 lượt khách, trong đó: khách quốc tế 158.000 và khách trong nước 157.000, doanh thu đạt 50 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2019 là 608.000 lượt, trong đó: khách quốc tế 497.000 và khách trong nước 111.000, doanh thu đạt 68 tỷ đồng). Trung tâm đã triển khai đồng bộ hệ thống bán vé điện tử, quét mã QR code thay cho thẻ từ trước đây nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý; lắp đặt hệ thống camera giám sát chặt chẽ.
Đến nay, đã kiện toàn lại bộ máy làm công tác khai thác dịch vụ, xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ giai đoạn 2023-2025 trình UBND tỉnh xin chủ trương để thực hiện. Trong đó tập trung đổi mới cơ bản từ loại hình, nội dung đến phương thức kinh doanh dịch vụ theo hướng chất lượng, hiệu quả và có bản sắc, triển khai các thủ tục pháp lý theo đúng quy định. Thời gian qua, ký kết hợp tác với 18 đơn vị trong và ngoài nước trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trùng tu di tích, sưu tầm tư liệu, giao lưu văn hoá…
Trong dịp này, Trung tâm cũng đề xuất và kiến nghị với Đoàn công tác về một số vấn đề cụ thể như: giá vé, chế độ cho các tour lữ hành, các công tác triển khai hoạt động dịch vụ, quản lý khu vực di tích, các vấn nạn môi trường tham quan du lịch: cò mối, xích lô tranh dành khách, … và vấn đề sưu tầm tư liệu phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét chế độ đãi ngộ, cho phép trích một phần tỉ lệ doanh thu từ dịch vụ của đơn vị để cải thiện thu nhập cho người lao động, nhằm khuyến khích toàn thể người lao động của Trung tâm trong công việc.
Nghe qua báo cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị Trung tâm BTDT Cố đô Huế phải rà soát lại cơ chế tự chủ, vừa bảo đảm chế độ vừa thực hiện đúng quy định, nâng cao thu nhập cho người lao động; Cải tiến các dịch vụ như mẫu vé vào cổng; việc tổ chức sự kiện cho Trung tâm cần hướng tới xã hội hóa, trung tâm chỉ quản lý; phối hợp chặt chẻ với Sở Văn hóa thể thao, Sở Du lịch với UBND thành phố tổ chức hiệu quả phố Đêm Hoàng Thành; nghiên cứu mở các dịch vụ kinh tế đêm tại các tuyến đường Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm. Liên quan về biên chế, tổ chức bộ máy, Trung tâm cần nghiên cứu dịch vụ cho một số vị trí và thực hiện cơ chế tự chủ giảm biên chế; đánh giá lại tổng giá trị các cổ vật bảo tồn...
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh cần kiểm tra, xem xét, đánh giá lại hiện trạng các di sản để bảo tồn trước mắt và lâu dài. Đồng thời, nghiên cứu, kiểm kê và bổ sung khung chính sách các hộ giải tỏa liên quan đến khu vực di tích; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch theo đúng quy định khai thác được giá trị di tích; tranh thủ các nhà đầu tư, tài trợ...
Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác cũng đã tham quan 02 công trình đang xây dựng là Điện Kiến Trung và Điện Thái Hòa. Đoàn công tác cũng đánh giá cao nỗ lực trong công tác tu bổ, phục hồi và tôn tạo các công trình di tích mà Trung tâm đang quản lý. Mong rằng đây là những công trình tạo điểm nhấn để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức về văn hóa nghệ thuật, kiến trúc và nơi tổ chức các sự kiện văn hóa tiêu biểu đặc trưng, góp phần từng bước hoàn thiện mục tiêu phục hồi và hoàn chỉnh diện mạo của Tử Cấm Thành – Đại Nội Huế. Một điểm di tích có ý nghĩa sâu rộng và quan trọng bậc nhất của di sản văn hóa thế giới.