15/01/2014 3:09:40 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Triển lãm tư liệu về vua Hàm Nghi
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của hoàng đế Hàm Nghi (14.01.1944 - 14.01.2014), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, tổ chức triển lãm tư liệu về vua Hàm Nghi tại số 03 Lê Trực, Huế.

Hàm Nghi là vị hoàng đế thứ tám của triều Nguyễn. Ngày 02.8.1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi khi mới 13 tuổi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Nhà vua lên ngôi trong giai đoạn lịch sử hết sức cam go khi mà chủ quyền đất nước đã bị đặt dưới ách thực dân. Có tư tưởng phản kháng chính quyền thực dân, nhà vua đã trở thành người đứng đầu phong trào Cần Vương, tuyên chiếu kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập dân tộc. Đêm 26.8.1888, nhà vua bị Pháp bắt, khi đó mới 17 tuổi và phong trào Cần Vương mới được 3 năm. Phong trào Cần Vương diễn ra vào cuối thế ký 19 do vua Hàm Nghi cùng đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết khởi xướng nhằm chống lại sự xâm lượt của Thực dân Pháp.

Ngoài khởi nghĩa Cần Vương của Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn, hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi còn có đến 10 cuộc khởi nghĩa của các chí sĩ, văn thân như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Công Tráng, Nguyễn Quang Bích v.v. diễn ra trên khắp cả nước. 

Phong trào Cần vương thực chất đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang sâu rộng hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, kéo dài từ 1885 cho đến 1896.

Ngày 13.12.1888, con tàu Biên Hoà chở vua Hàm Nghi đi đày ở Bắc Phi. Ngày 13.01.1889, nhà vua đến thủ đô Alger (Algérie), bắt đầu cuộc sống lưu đày. Năm 1904, ông kết hôn với cô con gái của Chánh tòa Thượng thẩm Alger, cô dâu 20 tuổi là Marcelle Laloe. Đám cưới của nhà vua đã trở thành một sự kiện xã hội. Sau đám cưới, họ sinh được ba người con: hoàng nữ Như Mai (1905); hoàng nữ Như Lý (1908) và hoàng nam Minh Đức (1910). Ngày 14.01.1944, vua Hàm Nghi qua đời tại biệt thự Gia Long ở thủ đô Alger vì căn bệnh ung thư dạ dày.

Tất cả những nội dung trên được khái quát qua hơn 30 tư liệu tranh ảnh; 30 tài liệu sách báo, tạp chí. Đặc biệt với 2 bản sao hai bức tranh của vua Hàm Nghi, trong đó có bức “Chiều tà” nổi tiếng được trưng bày cũng góp phần khái quát lên phần nào về vua Hàm Nghi với tư cách là một họa sĩ. Trong thực tế, họa sĩ Hàm Nghi đã trở thành nguồn cảm hứng cho nữ văn sĩ kiêm kịch tác gia của Nga là bà Sepkina Kibernik viết nên tác phẩm truyện ký “Hoàng tử Lý Tông”. Đây là  một tác phẩm viết về Hàm Nghi, một nhà vua, họa sĩ luôn lạc quan trong cảnh huống éo le của mình.

Hải Trung
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>