01/02/2016 9:19:53 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Lễ Thướng Tiêu tại Hoàng cung Huế – một nghi lễ đầy ý nghĩa trong đời sống văn hóa Huế
Nằm trong các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân - 2016, sáng ngày 01 tháng 02 năm 2016 (nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Ất Mùi), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại sân trước Hiển Lâm Các – Thế Miếu, Đại Nội Huế.
Lễ Thướng Tiêu (dân gian gọi là lễ dựng cây Nêu) là một nghi thức có nguồn gốc lâu đời trong đời sống tâm thức của người Việt, với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết, nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, theo từng địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc dựng cây Nêu ngày Tết đã trải rộng hơn và mỗi nơi mỗi khách.

Hiện nay, phong tục dựng cây Nêu ngày Tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt thời hiện đại, và được thay thế với tục chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết. Cây Nêu chỉ còn bắt gặp tại một số ít vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Dựng nêu ngày tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới an lành.

Dưới triều Nguyễn: các triều Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, lễ dựng nêu được tiến hành vào ngày 27 tháng Chạp hằng năm, các triều Vua Tự Đức về sau lễ dựng Nêu được bắt đầu vào ngày 30 tháng Chạp; cũng với mục đích như vậy, trong giai đoạn này, lễ dựng cây Nêu còn mang một ý nghĩa biểu trưng cho một vương quyền, cũng là biểu thị cho việc nghỉ ngơi, vui Tết. Vì thế mà ta tìm thấy các ấn triện cũng được cất đựng trong chiếc giỏ lồng treo ở đỉnh Nêu.

Ngoài ý nghĩa đó, trên cơ sở chất liệu Cung đình, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về lễ Thướng Tiêu trong chốn Cung đình, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn, tạo nên không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán.

Lễ dựng cây Nêu tại Hoàng Cung Huế, được tiến hành từ trục Hiển Nhơn – Thế Miếu. bao gồm 3 phần chính:

- Rước Nêu: Đội rước Nêu bao gồm: 6 quân lính cầm cờ cảnh, lồng đèn; 4 lính cầm cờ tứ phương; tiếp đến là 1 quan cầm lỗ bộ ghi chữ “Thướng Tiêu”; 1 lính bưng tráp cau, trầu, rượu, phướn; kế đến là 9 nhạc công tiểu nhạc; giữa đội rước là 10 lính đội nón, mặc áo màu vàng, vác cây Nêu; theo sau là 8 lính cầm lỗ bộ và cuối cùng là thành phần tham dự trong trang phục truyền thống.

Rước Nêu từ cửa Hiển Nhơn vào Hiển Lâm Các

- Dựng Nêu: Tại địa điểm được chọn dựng Nêu là Hiển Lâm Các – Thế Miếu, hương án được bày, Đại nhạc chờ sẵn; đội rước Nêu tập kết, Tiểu nhạc vừa dứt; Quan cầm lỗ bộ, xướng “ Thướng Tiêu …lễ”, “Đại nhạc…tác”. Cây nêu được đội lính dựng lên. Trong lúc cây nêu được dựng lên, Đại nhạc gồm song tấu trống kèn được tấu liên tục đến khi cây Nêu được dựng lên; tiếp đến Khánh lễ hạ; cuối cùng là lễ tất. Kết thúc lễ dựng Nêu.

Lễ dựng Nêu

- Lễ hạ Nêu, Khai ấn: được chọn là ngày Mồng Bảy tháng Giêng năm mới với lễ phẩm, hương án.

  Ngoài địa điểm dựng Nêu chính tại Hiển Lâm Các, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức dựng Nêu tại Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) và một số điểm di tích khác.

 

  Lễ dựng Nêu ngày Tết tại Hoàng cung Huế là nghi lễ truyền thống tốt đẹp trong đời sống tâm thức của người Việt Nam ta nói chung và trong Văn hóa Huế nói riêng. Chính vì vậy mà chúng ta cần khôi phục và phát huy như lời của Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế,  chia sẻ: “Trong tiến trình bảo tồn, phát huy giá trị Văn hóa Huế, ngoài việc bảo tồn các giá trị vật thể về các công trình kiến trúc thì việc khôi phục lễ hội, trong đó có lễ dựng cây Nêu ngày Tết cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô”

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>