18/03/2014 2:26:46 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Lễ tế Xã Tắc 2014 – nguyện vọng tâm linh của cộng đồng
Lúc 1h00 sáng 18.3.2014 (nhằm ngày 18.2 năm Giáp Ngọ), lễ tế Xã Tắc năm 2014 đã chính thức diễn ra tại đàn Xã Tắc Huế. Mặc dù lễ tế năm nay được tổ chức giản lược một số nghi thức biểu diễn múa, nhạc nhưng vẫn theo đúng bài bản vào giờ Sửu, ngày Mậu Tý, tháng hai Âm lịch với các trình tự nghi thức dâng hương và cúng tam sinh, đảm bảo sự trang nghiêm, thành kính của một nghi lễ.

Lễ tế Xã Tắc là lễ tế thần Đất và thần Lúa, một trong những nghi lễ Cung đình tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập đàn Xã Tắc và tổ chức Lễ tế Xã Tắc hàng năm (vào tháng 2 và tháng 8 Âm lịch), nhằm tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong “quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

Trải qua những biến động lịch sử, hiện nay đàn Xã Tắc tại Cố đô Huế vẫn còn bảo tồn được nguyên vẹn. Từ năm 2008 đến nay, lễ tế Xã Tắc được phục hồi và luôn luôn được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sau một thời gian được phục dựng dưới dạng sân khấu hóa nhằm giới thiệu đầy đủ các nghi thức của lễ tế Xã Tắc xưa cùng những trình thức diễn tấu các bài bản nhạc và múa cung đình, các hình thức trang phục cung đình và nghi thức tế tự, lễ tế Xã Tắc do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện đã dành được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo công chúng và du khách.

Năm nay, trước thềm Festival 2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được Thường vụ Đảng ủy tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ tiếp tục tổ chức lễ tế Xã Tắc với sự chú trọng đặc biệt vào phần lễ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng tâm linh của cộng đồng, thông qua đó bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống cung đình Huế.

Tiếp theo lễ tế Xã Tắc, dự kiến lễ tế Giao cũng sẽ được thực hiện trong dịp Festival 2014, vào ngày 18 tháng 4 năm 2014 tại đàn Nam Giao. Đây là những hoạt động phục hồi lễ nghi cung đình rất có ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập và phát triển, góp phần giới thiệu và khẳng định bản sắc văn hóa Huế và những giá trị nhân văn của người Việt Nam, đồng thời thể hiện ước nguyện cầu cho “Quốc thái, Dân an" của cả cộng đồng./  

Thanh Phúc