9/15/2014 3:53:28 PM
view font
Đọc bài viết:
Công văn trả lời báo Thời Nay
Ngày 12 tháng 9 năm 2014. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đã có Công văn số 928/BTDT-VP, gửi Ban biên tập Tòa soạn báo Thời Nay về việc trao đổi về một số ý kiến trong bài báo “Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cần quyết liệt hơn với những sai phạm” của tác giả Hà Việt Nguyễn đăng trên báo Thời Nay. Trung tâm xin đăng toàn văn nội dung công văn như sau:

Di tích Chùa Thiên Mụ sau khi được tu bổ

Ngày 08 tháng 9 năm 2014, trên báo Thời Nay có bài viết “Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cần quyết liệt hơn với những sai phạm” của tác giả Hà Việt Nguyễn.

Bài báo phản ánh về việc “chưa quan tâm tới một giải pháp mang tính tổng thể để cứu nguy cho những di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt đang xuống cấp”, “dịch vụ lấn bảo tồn” và “mới “chèn ép” cũ” trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích ở Cố đô Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cám ơn sự phản ánh của tác giả bài viết trên và sự quan tâm của Ban biên tập đã cho đăng tải bài báo này. Bên cạnh đó, thông qua Ban Biên tập của Báo Thời Nay, chúng tôi xin được trao đổi một số vấn đề như sau:

Quần thể di tích Cố đô Huế với nhiều loại hình kiến trúc phong phú, đa dạng đã tồn tại hàng trăm năm, nhiều công trình đã trở thành phế tích, các công trình còn lại đang ở trong tình trạng hư hỏng nặng nề, trong số đó có không ít di tích đã qua nhiều lần tu sửa.

 Cửa Đông Ba, trước và sau bảo tồn, tu bổ

Thời gian vừa qua, những nỗ lực trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đã làm cho di sản văn hóa Huế từng bước được hồi sinh với diện mạo vốn có trong lịch sử. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, bất cập như:

- Huế là thành phố di sản với hệ thống di tích phân bố trên diện rộng, đồng thời tổng thể hệ thống di tích Cố đô tồn tại trong lòng đô thị, vì vậy vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đô thị là một yêu cầu khó khăn.

- Khả năng huy động nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp: Để thực hiện các nhiệm vụ của Quyết định số 818/QĐ-TTg trong thời gian 10 năm từ năm 2010 đến năm 2020 nguồn lực đầu tư cần huy động là rất lớn; trong đó, riêng nhu cầu đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích tiêu biểu khoảng 3.540 tỷ đồng, bình quân hàng năm cần huy động khoảng 300 tỷ đồng; song, thực tế các năm qua chỉ huy động được một khoản đầu tư có tỷ lệ khiêm tốn so với nhu cầu thực tế (trong các năm 2011, 2012, mỗi năm khoảng 60 tỉ đồng; các năm 2013, 2014 khoảng 80-90 tỉ đồng).

- Do di tích Huế có số lượng công trình rất lớn, lại trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, các tư liệu viết, hình ảnh cũ về các công trình tản mác, không đầy đủ, do vậy, rất khó khăn cho công tác sưu tầm tư liệu để phục hồi di tích.

- Công tác bảo tồn di tích ở Cố đô Huế nói riêng và cả nước nói chung là một lĩnh vực khoa học còn rất mới. Đây là một công việc vô cùng phức tạp quan hệ đa ngành: lịch sử, mỹ thuật, văn hóa, ngôn ngữ học, khảo cổ, kiến trúc, môi trường, sinh vật cảnh...; có sự đa dạng về chủng loại vật liệu truyền thống như vôi, vữa, sơn thếp, pháp lam...; và các ngành nghề thủ công truyền thống như mộc, chạm khắc, khảm, cẩn, nề ngõa... Bên cạnh đó, công tác thiết kế, lập dự án trùng tu di tích vốn là một công tác mang tính chất hết sức đặc thù. Đây là công sức trí tuệ của cả một tập thể bao gồm các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu mỹ thuật ,các kiến trúc sư, kỹ sư... do vậy các giải pháp trùng tu di tích khi được đưa ra đã được cân nhắc, phân tích một cách kỹ lưỡng. Cho nên đến nay, nhiều công trình di tích Huế đã được tiến hành bảo tồn tu bổ đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo tồn và tính chân xác của các công trình. Các công trình này đã làm tăng thêm sự bền vững và trả lại dáng vẻ nguyên xưa, góp phần khép lại không gian hoang phế, đổ nát ở Kinh Thành, Hoàng Thành, các đàn miếu và một số lăng vua triều Nguyễn. Các di tích còn lại chưa có điều kiện được tu bổ một cách quy mô đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa.

 
 Di tích Tả Tùng Tự, lăng Minh Mạng sau khi được bảo tồn, trùng tu

Về những vấn đề chi tiết mà tác giả đã nêu trong bài báo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin có những trao đổi cụ thể như sau:

-  Vấn đề tồn đọng dai dẳng:

 Trong bài viết của mình tác giả đã viết:” các nhà nghiên cứu văn hóa đã cảnh báo về tình trạng người ta chỉ quan tâm đến những di tích dễ trùng tu hoặc những di tích thuận lợi cho  việc bán vé khai thác du lịch mà chưa quan tâm một giải pháp tổng thể để cứu nguy cho những di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt đang bị xuống cấp”. Trong đó có đưa trường hợp hai công trình Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình làm minh chứng. Theo chúng tôi, trên thực tế, kế hoạch bảo tồn, tu bổ một cách tổng thể, toàn diện nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã được cụ thể hóa bởi các Quyết định số 105/TTg ngày 12 tháng 2 năm 1996 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 1996 – 2010 và Quyết định số 818/QĐ - TTg của Thủ tướng  ngày 7 tháng 6 năm 2010 về việc phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020, Quyết định số 1880/QĐ-TTg về Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị cho khu di tích Huế. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế còn có Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2011  của  Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 818/QĐ - TTg, kèm theo danh mục các công trình di tích trọng điểm cần phải được tiến hành bảo tồn tu bổ trong giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, trên cơ sở mức độ hư hại của từng công trình, kế hoạch bảo tồn tổng thể  quần thể di tích Huế đã được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và lập kế hoạch chi tiết, có ưu tiên những công trình trọng điểm. Tới thời điểm hiện nay, hàng loạt công trình như hệ thống 10 cổng Kinh thành, di tích Quan Tượng Đài, đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao, Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài, tổng thể chùa Thiên Mụ, cung An Định… đã được tu bổ thành công, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà và nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân. Đặc biệt những công trình này đều không bán vé tham quan. Cũng xin nói thêm, đến nay, trong 29 cụm di tích thuộc quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế được giao cho Trung tâm trực tiếp quản lý, chỉ có 7/29 điểm di tích có bán vé tham quan (Đại Nội, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, điện Hòn Chén, 4 khu lăng vua: lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và lăng Khải Định). Bên cạnh đó, trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế và trong nước tiến hành nghiên cứu và trùng tu một số công trình kiến trúc quy mô, có tính chất phức tạp cao như Thế Tổ Miếu, Hiển Lâm Các, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Ngọ Môn, Kỳ Đài, hệ thống 10 cổng thành (tại khu vực Kinh thành- Hoàng thành), điện Đại Hùng, tháp Phước Duyên, điện Di Lặc (chùa Thiên Mụ), Hiển Đức Môn, Minh Lâu (lăng Minh Mạng)… hoặc chuẩn bị tiến hành trùng tu phục hồi điện Cần Chánh, điện Kiến Trung, vườn Cơ Hạ…Như vậy, tác giả bài báo cho rằng, tại cố đô Huế, người ta chỉ lựa chọn” những di tích dễ trùng tu hoặc những di tích thuận lợi cho  việc bán vé khai thác du lịch” là thiếu căn cứ và chưa chính xác.

Đối với trường hợp công trình Nghinh Lương Đình: Trong tháng 3 năm 2013, thực hiện chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về đề án Phát triển Dịch vụ trên địa bàn quần thể di tích Cố đô Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có ký kết hợp đồng với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giải pháp Vàng nhằm khai thác dịch vụ văn hóa thuyền cung đình Long Quang. Qua thương thảo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đồng ý cho Công ty TNHH Giải Pháp Vàng ký kết hợp đồng tổ chức khai thác dịch vụ thuyền Cung đình và khu vực Nghinh Lương Đình một cách phù hợp, vào ngày 14/3/2013. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do quá nóng vội, Công ty TNHH Giải Pháp Vàng đã xây dựng khu nhà bổ trợ cho hoạt động dịch vụ thuyền Cung đình không đúng theo yêu cầu của Trung tâm; từ vị trí xây dựng, kết cấu nền móng hoàn toàn không phù hợp, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc của khu vực Nghinh Lương Đình. Ngày 28/3/2013, sau khi kiểm tra phát hiện sự việc vi phạm như trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã yêu cầu Công ty TNHH Giải Pháp Vàng kịp thời tiến hành tháo dỡ phần móng đã thi công, trả lại nguyên trạng ban đầu của di tích Nghinh Lương Đình (công việc này đã thực hiện hoàn tất vào chiều ngày 30/3/2013).

 - Về ý kiến “Dịch vụ “lấn” bảo tồn”:

Quyết định số 2295/QĐ- UBND ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích cố đô Huế đến năm 2020, cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức các hoạt động dịch vụ trong quần thể di tích Cố đô Huế từ năm 2013 trở đi, nhằm tạo nên không gian sống động trong quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu để góp phần tái đầu tư vào công tác bảo tồn trùng tu cho các công trình di tích. Trong đề án, đơn vị hướng đến việc khai thác và quảng bá khu di sản văn hoá Huế là điểm đến tham quan hấp dẫn, thể hiện tính văn minh, tiện ích trong chuỗi di sản của khu vực miền Trung và cả nước. Trong đó, có những việc đã làm, có hiệu quả như việc đưa Nhà hát Duyệt Thị Đường và sau đó là nhà hát Minh Khiêm Đường vào hoạt động với các chương trình biểu diễn Nhã nhạc Cung đình phuc vụ du khách trong và ngoài nước. Các dịp Festival Huế, các hoạt động tái tạo lại không gian sống trong các lễ hội của chốn cung đình xưa, trưng bày, triển lãm cổ vật cung đình, việc nghiên cứu và trải nghiệm của du khách đối với giá trị di sản Huế được tăng lên rất nhiều.

Dịch vụ văn hóa, dịch vụ phục vụ du lịch và lễ hội, bảo tồn kết hợp phát huy các giá trị di tích vật thể và phi vật thể gắn liền với giá trị di tích là giải pháp tốt nhất tạo ra sản phẩm du lịch hiệu quả để bảo tồn di tích làm cho di tích sống động, hòa mình vào cuộc sống của xã hội đương đại có tác dụng giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân góp phần phát triển kinh tế và tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích. Vấn đề tổ chức các hoạt động dịch vụ để vừa đảm bảo mỹ quan, lại không ảnh hưởng đến môi trường văn hoá tại các điểm di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Trung tâm đã và đang  nghiên cứu để từng bước tìm ra các giải pháp hợp lý nhất.

Đối với những trường hợp cụ thể mà tác giả nêu lên trong bài báo như việc sử dụng không gian “hậu chính điện” cung Diên Thọ và Trường Du Tạ, hay không gian lầu Tứ Phương Vô Sự để làm dịch vụ là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi các điểm khai thác dịch vụ tại khu vực Đại Nội cũng như các điểm tham quan khác trong quần thể di tích cố đô hiện nay đều đã được nghiên cứu và bố trí khá hợp lý, và đã được đưa vào quy hoạch phát triển dịch vụ. Trong cung Diên Thọ rộng 1,8 héc-ta với gần 20 công trình kiến trúc, chỉ sử dụng chái phía đông của phần hậu điện và một phần tòa Trường Du Tạ để khai thác dịch vụ, không gian chính điện và toàn bộ các công trình còn lại đều được dùng để trưng bày, phục vụ khách tham quan. Đối với công trình lầu Tứ Phương Vô Sự, hiện nay Trung tâm đang phối hợp với đạo diễn Lê Qúy Dương tổ chức Không gian diễn xướng Tứ Phương Vô Sự, để xây dựng nơi đây thành một “điểm hẹn” văn hóa, phục vụ cho du khách và nhân dân địa phương cả ban ngày và ban đêm. 

- Về nội dung “Mới “chèn ép” cũ”:

Việc lập kế hoạch tu bổ di tích Huế được căn cứ theo các quyết định, chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ và Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh đã phê duyệt. Đối với một số khu vực di tích đã có dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể được phê duyệt, cần phải phân chia giai đoạn, ưu tiên tu bổ các công trình có giá trị quan trọng đang ở trong tình trạng xuống cấp, có thể gây nguy hiểm đối với du khách tham quan, việc triển khai các kế hoạch cụ thể còn phụ thuộc vào khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư. Đến nay, mặc dù nhiều công trình đã được tu bổ, tuy nhiên do di tích Huế có số lượng công trình rất lớn, hư hại với nhiều mức độ khác nhau, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Do đó, hiện tượng một công trình mới được tu bổ đứng bên cạnh một công trình đang ở trong tình trạng hư hại là một thực tế hiện nay.

- Đối với nhận định“...việc tu bổ phục hồi mang tính chắp vá” mà tác giả bài báo lấy ví dụ ở công trình Tả Trà ở cung Diên Thọ chúng tôi xin được trình bày như sau: Tả Trà là di tích nằm trong danh mục các công trình cần được bảo tồn, tu bổ Giai đoạn 2010 -2012 tại Đề án điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế giai đoạn 2010-2020, tuy nhiên phải đến năm 2013, dự án Bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích Tả Trà mới được triển khai, đây là một công trình di tích quan trọng, trải qua nhiều lần tu sửa vì vậy trong quá trình lập dự án đã có sự tranh luận về thời điểm cần phục hồi của công trình. Với sự góp ý của dư luận và các nhà nghiên cứu, căn cứ kết luận của Hội đồng Khoa học Trung tâm. công trình đã được tu bổ đúng với hình thức nguyên gốc của di tích (xem hai bức ảnh so sánh công trình Tả Trà năm 1924 và Tả Trà mới được phục hồi năm 2014). Đối với các bức tường và cổng Thụy Quang ở bên cạnh mặc dù cũng bị hư hại do thời gian, khí hậu khắc nghiệt, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia vẫn chưa ở trong tình trạng nguy hiểm,do vậy, chưa thật sự cần thiết phải đầu tư tu bổ trong giai đoạn này.

Di tích Tả Trà, Cung Diên Thọ, ảnh tư liệu và sau khi được trùng tu

- Về công tác tu bổ ở Lăng Đồng Khánh và Lăng Gia Long: Dựa trên các kết quả khảo sát hiện trạng, nghiên cứu tư liệu, các giải pháp tu bổ gạch ngói, màu sơn, các kiểu cách trang trí được lựa chọn tại Lăng Đồng Khánh và Lăng Gia Long đã được sự đồng thuận của Hội đồng Khoa học Trung tâm và được Bộ VH, TT&DL thông qua trước khi triển khai tại công trường.

- Về di tích Dực Lang: Dực Lang thuộc hệ thống trường lang với chức năng kết nối giữa các cụm kiến trúc chính trong khu vực Tử Cấm Thành và phân chia các cụm không gian với những chức năng riêng, đồng thời vẫn tạo sự liên kết về mặt tổng thể mang tính thẩm mỹ cao về mặt không gian. Hệ thống các Trường lang, Hồi lang, Dực lang trong khu vực Đại Nội đã và đang được phục hồi, nhằm thu hẹp không gian hoang phế, kết nối giao thông và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách là hết sức cần thiết. Sau khi được trùng tu phục hồi, hệ thống Trường lang đã được phát huy rất hiệu quả, trở thành nơi tổ chức thường xuyên các hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ du khách, tiêu biểu như triển lãm về Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn, triển lãm về truyền thống giáo dục, khoa cử Việt Nam, triển lãm các hình ảnh tư liệu về triều Nguyễn và Huế xưa, triển lãm bộ tranh 20 thắng cảnh đất Thần kinh, triển lãm hình ảnh các di sản thế giới ở Việt Nam...

Triển lãm bút phê trên Châu bản của các Hoàng đế triều Nguyễn (1802 - 1945) do Trung tâm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức

 

Sau hơn 20 năm ngày Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ di tích Cố đô Huế đã có những bước phát triển. Điều quan trọng là các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của luật pháp Việt Nam cũng như các Công ước và Hiến chương quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngày càng khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trong tương lai gần, chắc chắn Quần thể Di tích Cố đô Huế là một quần thể di tích được bảo tồn một cách khoa học, phát huy giá trị một cách hợp lý nhằm xứng đáng là tài sản Văn hóa quí báu của Nhân loại

Trung tâm BTDT Cố đô Huế rât mong quý Báo sẽ tích cực giới thiệu quảng bá nhiều hơn về di sản Huế và kêu gọi các độc giả và cộng đồng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mỗi người nhằm góp phần bảo vệ và gìn giữ di sản Huế nói riêng và các di sản ở Việt Nam nói chung ngày càng bền vững hơn với thời gian ./.

Tập tin đính kèm:
cv_tra_loi_bao_thoi_nay_1.pdf

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế