14/04/2016 10:21:44 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được bình chọn là Bảo tàng yêu thích nhất Việt Nam năm 2015
Vừa qua, tại lễ khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM-Hà Nội năm 2016 tổ chức tại khách sạn Daewoo (Hà Nội) ngày 13/4/2016, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải Bảo tàng yêu thích nhất Việt Nam năm 2015. Trong danh sách này còn có Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

VITM là hội chợ giới thiệu, quảng bá các hoạt động du lịch được tổ chức thường niên từ năm 2013. Chủ đề của Hội chợ năm nay là “Việt Nam-Thiên đường Du lịch biển-đảo” với hơn 500 gian hàng, trong đó có 115 gian hàng của các doanh nghiệp quốc tế của 25 nước và vùng lãnh thổ.

Đây là lần đầu tiên Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức bình chọn và trao giải thưởng cho các điểm đến thuộc 5 hạng mục: Resort hấp dẫn nhất, Khu vui chơi giải trí hấp dẫn nhất, Làng nghề được yêu thích nhất, Bảo tàng được yêu thích nhất và Bãi biển được yêu thích nhất; trong mỗi hạng mục có 3 diểm đến được bình chọn. Việc bình chọn được thực hiện dựa trên ý kiến của người tiêu dùng, các nhà báo du lịch và của Hội đồng chuyên môn với các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, chất lượng, cơ sở hạ tầng, an ninh-an toàn, sự chuyên nghiệp, tính đa dạng và chất lượng các dịch vụ.

Được thành lập năm 1923, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong những bảo tàng ra đời sớm nhất ở Việt Nam với tên gọi đầu tiên là Musée Khải Định, nơi lưu giữ, trưng bày hơn 10 ngàn cổ vật liên quan đến đời sống của chốn Hoàng cung xưa.

Nhà trưng bày của bảo tàng hiện nay là điện Long An, nguyên là ngôi điện chính trong hành cung Bảo Định được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1845 ở bờ Bắc sông Ngự Hà. Năm 1908, vua Duy Tân cho dời điện Lọng An về vị trí hiện nay để làm thư viện của trường Quốc Tử Giám.

Năm 1913, Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập và đặt trụ sở tại điện Long An. Từ năm 1914 - 1944, Hội đã xuất bản 122 số ấn phẩm của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH), tập san có nhiều giá trị học thuật trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật. Những nỗ lực lớn lao trong hoạt động nghiên cứu, sưu tầm của Hội Đô Thành Hiếu Cổ cũng đã đem lại nhiều sưu tập cổ vật vô giá được lưu giữ, trưng bày tại điện Long An.

Năm 1923, vua Khải Định ký chỉ dụ thành lập Musée Khải Định với mục tiêu “sưu tầm và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”.  Điện Long An trở thành nơi trưng bày chính của Musée Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Được đánh giá là ngôi điện đẹp nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình Nguyễn, điện Long An là sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Ngôi điện có kiểu kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” (nhà kép), mái lợp ngói hoàng lưu ly. Tám bộ vì kèo tiền điện chạm lộng đề tài lưỡng long tranh châu, hổ phù (mặt rồng ngang) và hệ thống conxơn giả thủ được chạm trổ cực kỳ tinh xảo khiến người xem cảm nhận đó là các tác phẩm nghệ thuật hơn là những kết cấu chịu lực. Nội thất ngôi điện hội tụ nhiều đồ án trang trí với các kỹ thuật và chất liệu như chạm nổi, sơn thếp, khảm xương, ngà, xà cừ được bài trí rất tinh tế, hài hòa. Điều này còn thể hiện trên các ô hộc theo lối “nhất thi nhất họa” (một bài thơ xen kẽ một bức tranh) hay “nhất họa nhất tự” (một ô tranh xen kẽ một ô chữ) trên các liên ba đố bản. Với sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật kiến trúc và trang trí, điện Long An là một tuyệt tác nghệ thuật, là một cổ vật lớn nhất và có giá trị nhất của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây cũng là ngôi điện đẹp nhất hiện nay ở Việt Nam, xứng đáng là Di sản Văn hóa Thế giới.

Hơn 10 ngàn cổ vật quý giá với đầy đủ chất liệu, chủng loại đã làm nên các bộ sưu tập hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày của Bảo tàng, bao gồm các sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, sưu tập đồ sứ Trung Hoa thời Minh – Thanh, sưu tập đồ sứ Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, sưu tập gốm men Việt Nam thế kỷ XIV – thế kỷ XIX, sưu tập đồ pháp lam Việt Nam thời Nguyễn và pháp lam Trung Hoa, sưu tập trang phục cung đình thời Nguyễn, sưu tập hiện vật bằng kim khí quý thời Nguyễn, sưu tập ấn triện thời Nguyễn, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn thời Nguyễn, sưu tập đồ đồng Việt Nam thời Nguyễn và đồ đồng của Pháp, sưu tập nhạc khí dùng trong nghi lễ, sưu tập trấn phong thời Nguyễn, sưu tập tranh gương (chủ yếu được thực hiện dưới thời Thiệu Trị), sưu tập chuông, vạc, đỉnh và nồi đồng với kích thước lớn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn, sưu tập bia và tượng đá thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn, sưu tập Champa…

Với lịch sử lâu đời, từ Bảo tàng Khải Định (1923), Tàng Cổ Viện (1947), Viện Bảo tàng Huế (1958),Bảo tàng Cổ vật Huế (1979), Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (1995) rồi đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (2007 đến nay), đây không chỉ là nơi lưu giữ các tinh hoa cổ vật của triều Nguyễn và Huế xưa, mà còn là nơi gìn giữ, phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của quần thể di tích cố đô Huế-Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên ở Việt Nam.

Với những nỗ lực đổi mới phương pháp trưng bày, cung cách phục vụ, nội dung trưng bày...v.v, năm 2015, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (bao gồm cả 2 cơ sở là điện Long An và cung An Định) đã đón 118.946 lượt khách (trong đó có 58.946 lượt khách Việt Nam;60.508 lượt khách nước ngoài), tăng hơn năm trước 8.307 lượt khách, đặt biệt tháng 12/2015 là tháng cao nhất trong năm với lượng khách trên 14.000 người. Thống kê về lượng khách trên chưa tính lượng khách đến xem các điểm trưng bày chuyên đề thường xuyên mà Bảo tàng thực hiện tại các điểm di tích như Đại Nội và các lăng thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Tính toàn bộ lượng khách năm 2015, di tích Huế (trong đó có Bảo tàng) đã đón 2,3 triệu lượt khách, trong đó có 2.046.955 lượt khách bán vé (971.442 lượt khách Việt Nam và 1.075.513 lượt khách quốc tế). Đây cũng là năm đầu tiên di tích Huế có lượng khách quốc tế vượt ngưỡng 1 triệu lượt.

Trong sự gắn kết giữa bảo tàng và toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế - nơi ghi dấu những thăng trầm của một thuở vàng son triều Nguyễn, có thể nói mỗi di tích trong Đại Nội Huế hay mỗi cụm lăng vua Nguyễn cũng đều là một bảo tàng thu nhỏ, góp phần làm phong phú thêm những hành trình khám phá cố đô Huế trong mắt du khách.

Sự ghi nhận của cộng đồng đối với Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng chính là sự ghi nhận thành quả của nhiều hoạt động mà Trung tâm Bảo tồn Di tích đã và đang tích cực thực hiện để đẩy mạnh việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, tăng cường đầu tư để đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, không ngừng cải thiện cảnh quan và môi trường du lịch trong địa bàn di tích, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách, xứng đáng là lá cờ đầu trong ngành bảo tồn di sản ở Việt Nam.  

Nam Giao
Các bài khác