Múa cung đình Huế là một giá trị di sản được các thế hệ vũ sư cung đình xây dựng dựa trên tính triết lý và thẩm mỹ của văn hóa phương Đông, mỗi điệu múa đều gắn với một chủ đề và nội dung tư tưởng riêng. Nhân dịp đón xuân Bính Thân (2016), Ban Biên tập trang thông tin điện tử Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp trong vũ khúc cung đình Đấu chiến thắng Phật” của tác giả Trọng Bình. Đây cũng là cách để bạn đọc tiệp cận và hiểu hơn về nội dung của các điệu múa cung đình Huế.
Những vũ khúc cung đình Huế luôn mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Ở đó, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt. Dưới triều Nguyễn, chỉ còn lại 11 vũ khúc, lời hát được viết hoàn toàn bằng chữ Hán. Khi trình diễn, các vũ sinh miệng ca, tay múa theo điệu nhạc hòa tấu. Điển hình là các điệu: Lục cúng hoa đăng, Trình tường tập khánh, Phụng vũ, Tứ linh, Vũ phiến, Đấu chiến thắng Phật... vũ khúc cung đình Đấu chiến thắng Phật thường được múa vào các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ và cúng mụ. Đây là vũ khúc cung đình nói về Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp, nên nó mang hơi thở của đời sống văn hóa nghệ thuật đã từng ngày thổi vào đây những sắc thái mới và trở thành một vũ khúc cung đình hoàn thiện nơi chốn cung vua, phủ chúa.
Theo Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề trong “Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam”, đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ xem kinh Phật đặt ra vũ khúc này, chủ ý trừ yêu ma quỷ chướng. Vì điệu múa có hai vị thần là Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp nên còn có tên gọi là múa Song Quang.
Có thể nói, những vũ khúc cung đình của Huế là một bước chuyển tiếp của múa cung đình các triều đại trước đó để đi tới sự hoàn mỹ. Và bắt đầu bằng sự kiện dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Đào Duy Từ vì xuất thân con nhà xướng hát không được đi thi nên đã phẩn chí, quyết vào Nam phò giúp chúa Nguyễn. Chính Đào Duy Từ là người đầu tiên tạo tiền đề cho múa hát cung đình Huế. Ông đã lập ra Hòa Thanh Thự, luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Đào Duy Từ là người có công sửa lại các điệu múa cung đình cổ trước đó và sáng tác ra một số điệu múa khác. Đặc biệt ông đã dựa theo tích truyện để sáng tác nên vũ khúc cung đình Đấu chiến thắng Phật. Chính những yếu tố này đã làm nên một nét riêng biệt trong chốn Hoàng cung.
Nghệ nhân La Hùng (con trai cố nghệ nhân La Cháu – Nghệ nhân tuồng và múa hát cung đình cuối cùng của triều Nguyễn) cho biết, Tề Thiên Đại Thánh sau khi thỉnh xong kinh Phật, thành chính quả, được phong danh hiệu Đấu chiến thắng Phật. Trong điệu múa nhân vật Tề Thên Đại Thánh đầu đội mũ đầu đông (theo các nghệ nhân múa cung đình ở Huế, Tề Thiên Đại Thánh đội mũ thất Phật mới đúng), khuôn mặt được vẽ như mặt khỉ, mặc áo giáp, xiêm trường quần giáp, chân đi giày nịt dây, lưng giắt bửu bối, tay cầm kim côn; Hộ Pháp mặt trắng, môi đỏ, đầu đội mũ kim khôi, mặc áo giáp, chân đi hia nịt dây, lưng thắt thần thông bửu bối, tay cầm bửu chử. Và khi âm nhạc vừa cất lên. lần lượt hai nhân vật cùng bước ra sân khấu. Tề Thiên Đại Thánh tay múa kim côn, cúi mình chào khán giả, tiếp đến nhân vật Hộ Pháp tiến lên sân khấu, bộ điệu oai nghiêm, làm động tác khai (một động tác thường được sử dụng trong nghệ thuật tuồng - NV) để chào khán giả. Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp chào nhau, cùng biểu diễn những chiêu thức rồi dàn trận đánh nhau. Hai nhân vật vờn qua, vờn lại hô phong, hoán vũ với nhiều điệu bộ là những động tác của vũ đạo tuồng cung đình Huế như: Khấu nhị hiệp bán, xoan, xỏ, ký, cầu, xoay, cất bản,... Tuy nhiên, dù trận đánh được miêu tả đến long trời, lỡ đất, nhưng Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp đã không ai thắng ai, bởi mục đích và ý nghĩa của vũ khúc này là nhằm nói đến cái đạo giúp đời. Do đó, trong vũ khúc này, hai nhân vật Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp đã đọc 4 câu kệ để khử trừ yêu quái, mong đem lại hạnh phúc cho muôn dân.
Kình thiên bửu chử hàng ma chướng
Dốc hải kim côn ngộ tịnh duyên
Cộng chuyển pháp luân quang phổ chiếu
Quang minh thế giới khánh Nam thiên
(Dịch nghĩa):
Chọc trời chày báu hàng phục ma chướng
Góc biển gậy vàng tỉnh ngộ tịnh duyên
Cùng quay bánh xe pháp soi sáng khắp nơi
Mừng trời Nam cỏi đời sáng sủa
Theo các nghệ nhân múa cung đình Huế, khi dựa vào kinh Phật để xây dựng nên điệu múa Đấu Chiến Thắng Phật, với nhân vật là Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp, giới quan liêu triều Nguyễn mong muốn một thế giới hòa bình, mục đích chung là phục vụ cho triều đại, cho giai cấp chính thống. Chính việc miêu tả trận chiến không phân thắng bại, nhưng cuối cùng vẫn vui vẻ với nhau, giữ hòa khí cùng nhau giữa hai nhân vật Tề Thiên Đại Thánh và Hộ Pháp, là mục đích nhắc nhở cuộc đời chẳng bao giừ có kẻ thắng người bại, mà hãy cùng nhau đánh tan đi cái ác, cái xấu xa, đang hiện diện trong xã hội để hướng đến một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.