Cửu đỉnh (九鼎) của triều Nguyễn là chín cái đỉnh (vạc) bằng đồng, đặt ở trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành Huế. Theo Đại Nam thực lục chính biên, tháng 10 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Cửu đỉnh được nhà vua ra lệnh cho khởi công: “Bắt đầu đúc 9 cái đỉnh. Vua dụ Nội các rằng:‘Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà Tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam Đại [Hạ, Thương, Chu], lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc 9 cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa; đúc 9 cái đỉnh để ở nhà Thế Miếu: Chính giữa: Cao đỉnh; Tả nhất: Nhân đỉnh; Hữu nhất: Chương đỉnh; Tả nhị: Anh đỉnh; Hữu nhị: Nghị đỉnh; Tả tam: Thuần đỉnh; Hữu tam: Tuyên đỉnh; Tả tứ: Dụ đỉnh; Hữu tứ: Huyền đỉnh.
Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc’. Rồi phái hai viên khoa đạo và 2 viên quản vệ kiểm soát đôn đốc việc làm; đường quan bộ Công cũng đến xem xét. Lại bảo bộ Công: ‘Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật’.[1]
Bấy giờ, vua Minh Mạng cho dựng lên một công trường chế tác, đúc đồng ở khu vực thuộc Sở Võ khố và rất đông người tham gia thực hiện công trình. Ngoài những viên quan am tường dịch lý, kỹ thuật, mỹ thuật trực tiếp chịu lệnh vua, những quân binh cơ khí chuyên nghiệp của Bộ Công, những thợ khéo tay của phường nghề đúc đồng Kinh Nhơn của phủ Thừa Thiên được trưng dụng, triều đình ban bố lệnh chiêu mộ nhân tài, vật lực, tập trung công sức trí tuệ của cả nước, triệu về Kinh đô Huế để phục vụ cho việc đúc Cửu đỉnh.
Cũng như Cửu đỉnh của triều đại nhà Hạ, để đúc nên những vật phẩm bằng đồng theo mẫu tạo, người thợ đúc của triều Nguyễn phải làm ra những chiếc khuôn; tùy theo kích cỡ, mẫu mã, ký tự, hoa lá, chim muông, cảnh vật…của từng hình và từng chủ đề. Trước tiên các nghệ nhân phải họa ra giấy những hình ảnh, hoặc đắp thành hình tượng mẫu với những hoa văn cần thiết có độ chuẩn xác về đường nét của từng hình tượng sẽ được đúc tạo. Mỗi hình vẽ được tính toán và bố cục hài hòa theo một tỷ lệ chuẩn nhất định. Tiếp đó người thợ phải dựa vào đó mà làm ra những chiếc khuôn, chuyển tải đầy đủ nội dung, hình thức của hình tượng. Công việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Trên mỗi đỉnh, người ta đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí[2]...tập hợp thành bức tranh toàn cảnh đặc sắc của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn. Những chi tiết này đều được hoàng đế đích thân tuyển chọn hết sức cẩn thận.
Sử sách không ghi rõ về quá trình thiết kế, vẽ kiểu Cửu đỉnh nhà Nguyễn nên rất khó để xác định xem hình dáng của Cửu đỉnh bây giờ có phải được giữ nguyên như thiết kế ban đầu hay đã bị sửa đổi trong quá trình chế tạo.
Nhìn chung, cả chín chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có ba chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là “Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” có nghĩa là năm Minh Mạng thứ 16 (1835).
Nhưng, bên cạnh nét tương đồng thể hiện sự đồng điệu về phong cách thể hiện thống nhất của vương triều Nguyễn do vua Minh Mạng sắc lệnh thi hành, thì mỗi đỉnh cũng có nét riêng, tạo ra các điểm nhấn thú vị.
Chẳng hạn như: cũng là quai đỉnh hình chữ U úp, nhưng góc đáy của nó ở các đỉnh Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh thì vuông góc, còn ở các đỉnh khác lại uốn cong. Mặt quai thì tùy đỉnh mà bện thừng, cong vỏ măng, cong lòng máng, phẳng bẹt hay có gờ, triện hoặc để trơn. Phần lớn cổ các đỉnh có hình lòng máng, nhưng ở Cao đỉnh, Dụ đỉnh lại để thẳng. Vành miệng của Thuần đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh đều cong nửa vỏ măng, còn ở các đỉnh khác thì thẳng đứng với gờ vuông. Vai nhiều đỉnh có gờ đơn hoặc gờ kép, nhưng một số đỉnh để trơn. Đáy bầu đỉnh phần lớn cong một phần của khối cầu, nhưng ở một số đỉnh khác lại bằng và hơi lõm lên. Chỉ có chân Dụ đỉnh là được tạo đáy thẳng hơi chếch, còn ở các đỉnh khác đều cong dạng chân quỳ. Các mảng hình được chạm trên bầu của đỉnh, mỗi đỉnh có 18 mảng hình.
Nguyên liệu đúc Cửu đỉnh do triều đình cung cấp, gồm hai nguyên liệu chính là đồng và kẽm, có thể thêm chì, thiếc… lấy từ trong kho hoặc các phế khí hay những vật phẩm bằng đồng không cần dùng nữa. Tổng khối lượng đồng để đúc Cửu đỉnh là 22.473 kg nhưng cũng có tài liệu ghi số liệu là 22.088 kg.
Tháng 5 (âm lịch) năm Bính Thân niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836), phần thô của chín đỉnh đúc xong, vua xuống lệnh chọn thợ khéo chạm khắc các hình trang trí chạm nổi vào mỗi đỉnh. Nhân đó, nhà vua thưởng cho người Đốc biện và binh lính trông coi một tháng tiền lương, thợ và người làm thưởng chung cho 300 quan tiền. Đồng thời, vua cũng sai bộ Lễ sắm sửa lễ vật tạ ơn thần linh giúp đỡ cho việc đúc Cửu đỉnh được thành công. Sách Đại Nam thực lục chép: “Đúc xong chín cái đỉnh. Sai chọn thợ khéo chạm khắc hình tượng vào đỉnh. Trước hãy thưởng từ Đốc biện đến biền binh 1 tháng tiền lương. Thợ và người làm, thưởng chung cho 300 quan tiền. Vua bảo Nội các rằng: “Việc đúc, cố nhiên là ở nhân công, nhưng đồ quý trọng mà làm được, không phải không có thần giúp sức”. Vậy sai bộ Lễ sửa lễ tạ”.[3]
Tuy vậy, công việc gắn hình chạm nổi mất khá nhiều thời gian. Nhưng phải mất gần 8 tháng sau, Cửu đỉnh mới được chính thức hoàn thành.
Việc đúc các hình ảnh trên Cửu đỉnh được ghi chép lại rất tỉ mỉ trong Châu bản triều Nguyễn về cách nung đồng đỏ và về việc luyện tay nghề cho các thợ, cách pha chế đồng để đúc ra từng tấm đúng với khối lượng quy định đối với các hình ảnh.
|
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quôc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nhước |
"Bề tôi ở Đốc Công thuộc Vũ Khố kính dâng tờ Phiến: 莊烈
Việc là, ngày tốt tháng 4 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Nha (Đốc công) của thần lược trình về việc trước đây, thợ đúc tài năng là Lương Đức Tựu, Dương Hữu Đản, Võ Công Lượng - Ba người đến dạy dỗ hướng dẫn phương pháp luyện đúc đồng đỏ cho các thợ đúc Nguyễn Văn Bành, thợ Mậu Tài là Trần Văn Nhiêu – tất thảy là 12 người học tập cho thuần thục cách đúc đồng ấy. Bọn Lương Đức Tựu ba người xin Bộ được cấp bằng trở về quê cũ, lại tuần tự ứng theo đó. Tiếp đó, lãnh hội 6 khối đồng để xử trí, nấu thành đồng đỏ. Nhân đó, ghi chép đầy đủ. Phụng chỉ, trong đó có 1 khoản: Lương Đức Tựu, Dương Hữu Đản, Võ Công Lượng 3 người vẫn cho trở về quê cũ, Thợ đúc đồng Nguyễn Văn Bành cho đến Trần Văn Đệ gồm 12 người vẫn chuẩn cho tiếp tục lĩnh làm theo phương pháp đúc đồng đỏ. Khâm thử!
Đến tháng 6 năm này (1836), phụng chỉ dụ của Thánh thượng rằng: phát ra 6 khối đồng đỏ từ trong kho, sức cho đốc công nấu chảy thành đồng đỏ đẹp. Lại nấu chảy thành từng miếng, đợi theo tính toán trước đây cho đủ 10 vạn cân , vẫn giao 1 phái viên đúc đỉnh xem xét. Nếu có tiến trình hạn định, chẳng được nhận lãnh việc đúc đồng gây trì hoãn kéo dài. Khâm thử! Khâm tuân (kính tuân theo lời vua) các việc đã xét rõ. Nha của thần lần lượt lãnh việc xuất ra các khối đồng, sức cho thợ đúc nấu chảy đẹp đồng đỏ, lại đúc thành từng miếng. Hiện số là 99734 cân 8 lạng, nhận lãnh đầy đủ. Đưa vào lời tâu, nay chúng thần trộm chiếu xét từ các khối đồng đã lưu trữ, trong đó đa số đã được ứng vậy. Tiếp đó, lãnh việc nấu chảy thành đồng đỏ, vẫn đúc thành 215 cân 8 lạng. Trình tâu đầy đủ các loại đồng là khoảng 10 vạn, lại sức cho bọn thợ đúc y theo phép luyện đồng để đúc đồng đỏ cho đẹp, đưa vào vũ khố để đủ cần cho sử dụng. Chúng thần ngu muội chẳng dám tự tiện suất biện, kính phụng mệnh dâng phiến đầy đủ, chờ lĩnh thánh chỉ. Kính tâu!
Ngày tháng này (tháng 06 năm 1836), Đương trực, thần, Lê Đăng Doanh, Nội các thần Lâm Duy Nghĩa kính duyệt!
Ngày 28 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 19 (1838) đề.
Châu phê: nên đầy đủ 10 vạn cân (Ấn: ngự tiền chi bảo)
Thần: Nguyễn Văn Nghi ký”.[4]
Sau hơn 1 năm dốc công thực hiện việc chú tạo Cửu đỉnh, vào ngày Quý Mão, tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Cửu đỉnh được hoàn thành và vua Minh Mạng đích thân chủ trì đại lễ khánh thành và đặt Cửu đỉnh ở sân Thế Miếu. Sách Đại Nam thực lục (Chính biên, Đệ nhị kỷ, Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế) chép rằng: “Đinh Dậu, Minh Mệnh năm thứ 18 [1837] (Thanh, Đạo Quang năm thứ 17). Mùa xuân, tháng Giêng...ngày Quý Mão, đặt 9 cái đỉnh ở trước sân Thế Miếu. Trước đây đúc 9 cái đỉnh to (cao hơn 5 thước, đến hơn 6 thước, vòng lưng to 11 thước 6 tấc đến hơn 8 tấc, nặng 4.100 cân hay 4.200 cân có lẻ). Phàm các thứ chim cá, giống thú cây cỏ cùng đồ binh khí, xe, thuyền cho đến thiên văn địa lý trong nước, lớn nhỏ đều đủ, đều theo hình ấy mà đúc.
1. Cao đỉnh, khắc các hình: Mặt Trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, con hổ, con ba ba, con rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.
2. Nhân đỉnh, khắc các hình: Mặt Trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phả Lợi, chim công, con báo, con đồi mồi, con cá voi, hoa sen, quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.
3. Chương đỉnh, khắc các hình: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, sông Lợi Nông, con gà, con tê, con rùa, con cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông, súng điểu thương.
4. Anh đỉnh, khắc các hình: sao Bắc đẩu, sông Ngân Hán, núi Hồng Sơn, sông Mã, sông Lô, con hạc, con ngựa, con ve, con rắn, hoa văn côi, cây cau, cây dâu, cây tô hợp, cây thị, cây nghệ, lá cờ, đạn bươm bướm.
5. Nghị đỉnh, khắc các hình: sao Nam đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bươm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.
6. Thuần đỉnh, khắc các hình: gió, cửa biển Cần Giờ, núi Tản Viên, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, chim hoàng oanh, con bò lang, con trai, cá rô, hoa quỳ, cây đào, cây đậu vàng, cây túc sa, cây gỗ táu, cây hương nhu, cái thuyền, bài đao.
7. Tuyên đỉnh, khắc các hình: mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim yểng, con lợn, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền lê, cái nỏ.
8. Dụ đỉnh, khắc các hình: sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, sông Vĩnh Điện, con vẹt, con dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền ô, dao phác.
9. Huyền đỉnh, khắc các hình: mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái ”[5].
Sau một năm đúc xong cửu đỉnh, vua Minh Mạng ra lệnh cho quan Bộ Lễ chọn ngày tốt để đặt đỉnh và dưới được kê bằng tảng đá thanh. Bắt đầu buổi lễ, nhà vua cùng quần thần đến miếu tế cáo. Lễ xong, nhà vua dụ bảo các quan rằng: “Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ truyền lại còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là hình dạng của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam Đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và thành Trấn Tây đều được biết”[6].
Hôm sau, đúng vào ngày Bính Ngọ, vua Minh Mạng ngự điện Thái Hòa làm lễ lạy mừng và ban yến tiệc: "Ban yến cho quần thần, văn tự tứ phẩm và ngũ phẩm trở lên, không cứ dưới tên có bị xử phân hay không, đều được dự. Thường hậu cho các viên đốc biện, giám tu, chuyên biện cùng các thợ đúc cấp, kỳ, áo quần và tiền. Các quan địa phương đều dâng biểu chúc mừng"[7].
Trái với Cửu đỉnh của Trung Quốc được vua Vũ nhà Hạ đúc tượng trưng cho chín châu của vùng lãnh thổ của Trung Nguyên lúc ban đầu (mỗi đỉnh mang tên mỗi châu gồm Ký Châu, Duyệt Châu, Thanh Châu, Từ Châu, Dương Châu, Kinh Châu, Dự Châu, Nhiễm Châu và Ung Châu) thì Cửu đỉnh nhà Nguyễn đúc để biểu hiện sự trường tồn và uy quyền của triều đại. Cửu đỉnh triều Nguyễn lại có tên riêng trùng với một số thụy hiệu của các vị hoàng đế triều Nguyễn gồm: Cao đỉnh (Thế tổ Cao Hoàng đế - vua Gia Long), Nhân đỉnh (Thánh tổ Nhân Hoàng đế - vua Minh Mạng), Chương đỉnh (Hiến tổ Chương Hoàng đế - vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (Dực Tông Anh Hoàng đế - vua Tự Đức), Nghị đỉnh (Giản Tông Nghị Hoàng đế - vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (Cảnh Tông Thuần Hoàng đế - vua Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế - vua Khải Định), Dụ đỉnh và Huyền đỉnh.
Về vấn đề này, xem xét ý nghĩa cụ thể về cách sắp đặt ứng với thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế là đỉnh hiệu (tên đỉnh) ở mỗi đỉnh đồng thuộc Cửu đỉnh, thì sử sách triều Nguyễn (như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí…) đều không đề cập trực tiếp. Đó hẳn nhiên là điều hợp lý, bởi lẽ Cửu đỉnh được chính hoàng đế Minh Mạng đích thân đặt tên, cho đúc và hoàn thành vào triều vua Minh Mạng, tên của 9 đỉnh (hay còn gọi là đỉnh hiệu) là do vua Minh Mạng bấy giờ ngự ban. Vì thế, ngoài Cao đỉnh [ứng với thụy hiệu Cao hoàng đế của vị Thế tổ - vua Gia Long khai sáng vương triều Nguyễn], những đỉnh hiệu còn lại chắc chắn chưa thể xác định có sự gắn liền với thụy hiệu của các vị vua triều Nguyễn về sau hay không (mà thực tế, không phải đỉnh hiệu nào cũng ứng với thụy hiệu của các vị hoàng đế triều Nguyễn, như Dụ đỉnh và Huyền đỉnh là chứng lý cụ thể).
So với sách Đại Nam thực lục thì Minh Mạng Ngự chế văn (Dụ văn) khi ghi chép bản Thánh dụ cho bộ Lễ nhân dịp khánh thành Cửu đỉnh vào ngày 25 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 18 (1837), đã có thêm phần ý nghĩa cụ thể, bổ sung hơn. Tại đây, Thánh tổ Nhân Hoàng đế của nhà Nguyễn đã bảo rằng: “Dụ: Trẫm nghiên cứu hình tứ linh (lân, phượng, rùa, rồng) trên các đỉnh đúc thời thượng cổ, nhưng cổ vật nay còn rất ít, mà các nhà làm sách truyền lại cũng sai lạc sự thật. Phần lớn các ghi chép đều là đỉnh nấu ăn, còn như các đỉnh cao, to, nặng không những các đời gần đây không có mà của đời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu) cũng ít thấy. Nay trẫm tự thêm bớt theo ý cổ cho đúc thành 9 đỉnh lớn lấy tên là: Đỉnh Cao, Đỉnh Nhân, Đỉnh Chương, Đỉnh Anh, Đỉnh Nghị, Đỉnh Thuần, Đỉnh Tuyên, Đỉnh Dụ và Đỉnh Huyền. Đo bằng thước ngày nay thì đỉnh có chiều cao từ trên 5 thước, đến trên 6 thước, bụng đỉnh to từ 11 thước 6 tấc tới trên 8 tấc. So với trước thời Chu thì đã cao to hơn tầm hơn trượng. Đỉnh nặng từ 4100 đến 4200 cân khác nhau. Lại đúc vào đó hình các động thực vật trên cạn dưới nước, các đồ binh khí, xe thuyền mà bản triều có, cho đến các hiện tượng thiên văn địa lý, các vật lớn nhỏ đều đầy đủ. Công việc đúc được khởi công vào tháng 12 năm Minh Mệnh [Mạng] 16, Ất Mùi. Qua 1 năm sau, đến tháng 12 năm Minh Mệnh [Mạng] 17 thì đúc xong. Năm nay vào ngày 25 tháng Giêng đã đặt vào trước sân Thế Miếu. Trẫm cung kính tới làm lễ, lễ xong lại đích thân xem xét kỹ, thấy 9 đỉnh sừng sững, nguy nga, to nặng, vững chắc, hoàn hảo không chút khiếm khuyết, đáng là vật báu truyền đời để con con cháu cháu giữ gìn mãi mãi. Trong lòng trẫm rất vui mừng. Vậy với các viên chuyên trách trông coi và các thợ thuyền đều truyền gia ân, giao cho bộ Lại đặc cách bàn xét ban thưởng ưu đãi. Còn các quan và binh lính vận chuyển đỉnh báu ngày hôm trước như Đô thống Phạm Hữu Tâm, truyền thưởng cho 3 cuộn sa và kỷ lục 1 lần, thưởng cho các viên quản vệ mỗi người 1 cuộn sa; hơn 2000 người từ suất đội đến binh lính, trừ vệ Cẩm Y đã có thưởng riêng ra, còn lại truyền thưởng cho 1000 quan tiền, giao cho Phạm Hữu Tâm công tâm phân loại ban phát, để tỏ rõ sự ban thưởng ưu hậu. Lại truyền cho bộ Lễ ban truyền đại ý dụ này cho 31 trực tỉnh và thành Trấn Tây để mọi người đều biết và vui mừng. Hãy kính theo dụ này. Ngày 25 tháng 01 năm Minh Mệnh 18.”[8]
Mặc dầu vậy, trong ý tứ sâu xa, cách đặt để vị trí 9 đỉnh ứng với 9 gian thờ chính tại Thế Miếu của Thánh tổ Nhân hoàng đế rõ ràng có dụng ý. Đấy là việc đặt để Cao đỉnh ở trung tâm sân Thế Miếu, chính giữa gian thờ của Thế tổ Cao hoàng đế. Rồi theo đó, với quy luật “tả chiêu hữu mục”, ứng với mỗi án thờ sau này của các hoàng đế triều Nguyễn sẽ là một chiếc đỉnh đồng có đỉnh hiệu tương đối trùng với thụy hiệu của các vị hoàng đế triều Nguyễn (như Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh…).
Ngay từ ngày đầu đúc đỉnh, vua Minh Mạng đã ghi rõ vị trí đặt đỉnh là trước tôn miếu (Thế Tổ Miếu), mục đích của nhà vua là thể hiện quyền uy và sức mạnh của vua chúa và của cả triều đại kế tiếp.
|
Ảnh tư liệu: Nguồn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế |
Bàn về vấn đề này, tác giả L. Sogny trong bài “Những đỉnh triều đại ở Đại Nội Huế” (B.A.V.H, 1914) cho rằng:
“Ngoài nhiều nghĩa khác nhau, các đỉnh ấy, theo chúng tôi nhờ sự khảo cứu của những vị có quyền phép hơn chúng tôi thì chính những đỉnh ấy trước tiên là tượng trưng cho uy quyền vua chúa của một đời vua mới. Do nhiều hình chạm ở hai bên hông để tượng hình các triều đại và do nặng quá không gì lay chuyển hay đem đi nơi khác được và hình thù lớn, các đỉnh ấy tượng trưng cho quyền lực vô hạn và sự bền vững của ngôi báu nhà Nguyễn……
Cần phải lưu ý là những mô típ về trời đều con số 9 và mỗi đỉnh đều đặt một chỗ riêng. Người ta có thể kết luận rằng có những điểm tương đồng giữa chúng cũng như các con vật chạm trên các đỉnh ấy. Như đỉnh thờ vua Gia Long (Cao đỉnh, đỉnh của ngôi cao) có hình mặt trời ý nói vĩ đại. Con cọp cũng đặt ở trên đỉnh ấy để tăng vẻ hùng vĩ của uy quyền. Đỉnh thờ vua Minh Mạng [Nhân đỉnh], đỉnh nhân ái và đức độ) có hình mặt trăng để nói lên uy thế nhưng có vẻ khiêm tốn hơn với thân phụ và tiên đế của vua Minh Mạng. Con báo cũng có vai trò như con hổ của đỉnh trước. Và cứ như vậy cho cả nhóm đỉnh khác. Của Thiệu Trị [Chương đỉnh], có 5 hành tinh và con tê giác. Của Tự Đức [Anh đỉnh] có Đại hùng tinh và con ngựa. Của Kiến Phước [Nghị đỉnh] Tiểu hùng tinh và con voi. Của Đồng Khánh [Thuần đỉnh], gió và con bò rừng. Còn ba đỉnh cuối không có tượng trưng, chỉ có mây, heo, chớp và con dê, mưa và con mê đi lên”[9].
|
Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương rồi chiến tranh Việt Nam, Cửu đỉnh vẫn được đặt ở chỗ cũ không di chuyển và còn nguyên vẹn tới ngày nay.
Ảnh tư liệu: Nguồn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
|
Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương rồi chiến tranh Việt Nam, tiếp đó là suy thoái của thời kỳ bao cấp (1945 - 1981), Cửu đỉnh vẫn được đặt ở chỗ cũ không di chuyển và còn nguyên vẹn tới ngày nay.
|
Ảnh tư liệu: Nguồn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế |
Chín chiếc đỉnh lần lượt được đặt ở sau Hiển Lâm Các theo một hàng ngang, đối diện với Thế Miếu, phía nam hoàng thành Huế. Cao đỉnh được đặt ở trên đường thần đạo chạy từ Miếu Môn qua Hiển Lâm Các đến gian giữa của Thế Miếu - nơi đặt án và khám thờ vua Gia Long. Cao đỉnh kê ở chính giữa trong số Cửu đỉnh và là đỉnh duy nhất được nhích về phía trước ba mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều đại.
Lấy Cao đỉnh làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh; bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh. Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Minh Mạng, Chương đỉnh đối diện với án thờ vua Thiệu Trị, Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Tự Đức, Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Kiến Phúc, Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Khải Định, Dụ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi, Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.
Tổng cộng có 162 tấm họa tiết chạm nổi tinh xảo trên bầu của tất cả chín đỉnh, 162 hình tượng đặc trưng này có một số hình ảnh ẩn dụ rất thâm sâu mang đậm yếu tố tâm linh dựa trên nguyên tắc của Dịch học và Ngũ hành thường được dùng nhiều trong việc thờ phụng. Mỗi đỉnh gồm 18 hình, chia làm ba tầng, mỗi tầng có 6 hình xen kẽ với 6 mảng trống, trong đó tầng trên và tầng dưới bố trí lệch đi một khoảng so với tầng giữa. Mảng hình chính ở mặt trước thuộc tầng giữa được khắc tên đỉnh với lối chữ chân phương, từng nét mạch lạc, khối chữ vuông vức.
Có thể thấy, các hình chạm nổi trên Cửu đỉnh được sắp xếp theo trật tự trang trí chặt chẽ. Nhìn chung tầng giữa tập trung những hình quan trọng nhất: lấy tên đỉnh làm nội dung trang trí chính, đối lại phía sau là các mô hình thể hiện vũ trụ như các tinh cầu hay các biểu tượng thiên nhiên mạnh mẽ và thần bí, hai bên trên đỉnh là hình các núi cao hùng vĩ, trập trùng và đối lại bên kia là biển cả mênh mông hay cửa sông rộng mở, rồi tiếp theo cả hai bên là những con sông lớn của Việt Nam. Tầng trên và tầng dưới không có hình ở hai phía trước và sau, mà dàn sang hai bên nhưng vẫn mang tính đăng đối. Ở tầng trên, thứ tự từ trước ra sau là những cây to quý (riêng ở Cao đỉnh thay bằng hình rồng, ở Anh đỉnh là ve sầu và ở Tuyên đỉnh là tổ yến) đối xứng với những cây ăn quả lưu niên. Tiếp theo là hình những con chim đẹp, quý hiếm (riêng ở Nghị đỉnh thay bằng hình con sâu dừa) đối xứng với cây lương thực. Cuối cùng là những loài hoa đăng đối với ngũ cốc.
Tầng dưới đăng đối hai nửa từ trước ra sau là cặp đôi gồm những cây gỗ lớn và cây gia vị với loài thủy hải sản và cây quý (riêng ở Nghị đỉnh thay bằng cặp chim uyên ương). Tiếp đến là những loài hải vật nhỏ đăng đối với thuyền bè, xe cộ (riêng ở Anh đỉnh thay bằng lá cờ). Sau cùng là các linh thú đăng đối với các kiểu vũ khí chiến trận[10].
Nghệ nhân khi thể hiện hình chạm trên Cửu đỉnh đã không phụ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể, cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà họ sáng tạo bằng sự sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau trên bầu của đỉnh. Vì thế có những vật thể thu nhỏ nhiều, nhưng lại có những vật thể thu lại không đáng kể; có hình rất khái quát, nhưng lại có hình khá chi tiết, hình nào cũng được nhìn rất động với những chi tiết đặc thù. Có thể xem 162 hình chạm khắc trên Cửu đỉnh như một bộ “Dư địa chí”, bộ bách khoa thư về nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX bằng phương pháp tạo hình; tuy không đầy đủ nhưng điển hình, đúng như yêu cầu của vua Minh Mạng:“Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét”[11].
Với chức năng là trọng khí đặt ở trước sân tông miếu của Nhà Nguyễn, là báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của triều Nguyễn, tên gọi của mỗi đỉnh đang mang hàm ý của vua Minh Mạng: là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. Chẳng hạn như Cao đỉnh chính là thụy hiệu của vua Gia Long (1802–1819), Nhân đỉnh là thụy hiệu của chính vua Minh Mạng (1820–1841), Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị (1841–1847), Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức (1847–1883), Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc (1883–1884), Thuần đỉnh là thụy hiệu của vua Đồng Khánh (1885–1889), Tuyên đỉnh là thụy hiệu của vua Khải Định (1916–1925). Tất nhiên các vua Dục Đức, Hiệp Hòa (1883) bị Tôn Thất Thuyết phế truất và giết chết; vua Hàm Nghi (1884–1885) lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp; hai cha con vua Thành Thái, Duy Tân bị người Pháp phế truất và lưu đày; vua Bảo Đại thoái vị...đều không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu. Do đó, tên của Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kì vị vua nào triều Nguyễn.
Sau khi hoàn thành đúc 9 đỉnh đổng và đặt ở vị trí tôn miếu, vua Minh Mạng cho làm lễ cáo và khánh thành … Vua Minh Mạng đã làm bài thơ ca thất ngôn bát cú đường luật để ngợi ca công lao của các nghệ nhân đúc đỉnh. Đồng thời, qua bài thơ để nói rõ nguyên nhân đúc đỉnh, và cách đặt tên đỉnh, vị trí đặt đỉnh, các hình ảnh trên đỉnh, kích thước và đơn vị để dùng trong đúc đỉnh… tất cả ý nguyện về Cửu đỉnh được nhà vua gói gọn trong tập Minh Mệnh Ngự chế thi tập, nói về việc đúc xong Cửu đỉnh[12].
Phiên âm:
Phỏng cổ chú thành Cửu đỉnh, an thiết vu Thế Miếu đình tiền, Cung nghệ Tế cáo, lễ thành thi dĩ chí sự:
Viện dụng cống kim phỏng cổ tiên,
Chú thành Cửu đỉnh trí đình tiền.
(Pháp cổ chú đại đỉnh giả Cửu, phụng an vu, Thế Miếu đình tiền, chính trung Cao đỉnh, tả nhất Nhân đỉnh, hữu nhất Chương đỉnh, tả nhị Anh đỉnh, hữu nhị Nghị đỉnh, tả tam Thuần đỉnh, hữu tam Tuyên đỉnh, tả tứ Dụ đỉnh, hữu tứ Huyền đỉnh.)
Tam tài cự tế giai thành tượng,
Vạn vật hình dung tận thủ yên.
(Nhật Nguyệt Tinh Vân Phong Lôi Hồng Vũ, danh sơn, cự xuyên, đại hà, thương hải, dĩ chí bản triều sở hữu phi tiềm động thực chi thuộc, cập thương bác, chu xa chi loại giai thủ kỳ hình nhi chú yên. Dụng bản triều xích cao ngũ xích ngũ thốn dư chí lục xích nhất thốn dư, đại nhất trượng nhất xích dư, các hữu sai kỳ nhĩ, phân vi cao nhĩ trực nhĩ, viên nhĩ, cố nhĩ, đại nhĩ, phương nhĩ, kiên nhĩ, bình nhĩ, quảng nhĩ, phàm cửu. Vi trọng tứ thiên nhất nhị bách cân thượng hạ. Khởi công tự Minh Mệnh thập lục niên Ất Mùi, thập nhị nguyệt, chí thập thất niên Bính Thân thập nhị nguyệt cáo thành. Bản niên Đinh Dậu Chính nguyệt, cốc đán, đăng vu, miếu đình cao đại hoàn kiên, vô nhất hà khích. Thử Cửu đỉnh giai nhất chú nhi thành, duy điêu khắc tinh công, cố nhu thời nhật nhĩ. Án bản triều xích giảo Bắc triều, tắc Bắc triều xích đắc bản triều xích thất thốn ngũ phân nhi dĩ. Như thử chu xích tắc bội chi hỹ.)
Ký pháp Hạ hoàng tăng thức khuếch,
Khởi phương Tống chủ phí đào chân.
(Tuy phỏng Hạ Vũ cống kim chú đỉnh, nhi kim chi giảo cổ tắc kỳ cao đại hậu trọng dĩ du sổ bội hỹ. Chí như Tống Huy Tông sở chú Đế nãi Bửu đỉnh, Mẫu đỉnh, Thương đỉnh, Cương đỉnh, Đồng đỉnh, Phụ đỉnh, Hiểu đỉnh, Khôi đỉnh, cao đại ký hữu hạn. Thả vô thủ vu sự toàn phục phá hoại, tối vi khả bỉ đồ phí công liệu thành bất túc đạo hỹ.)
Nguy nga ngật lập an bàn thái,
Tử tử tôn tôn vĩnh bảo truyền.
(Ngã chi tử tôn nhược năng kính pháp Thiên pháp tổ, thân hiền, ái dân tắc vĩnh bảo vạn niên truyền chi bách thế, thùy cảm vấn ngã đỉnh tai.)
Dịch nghĩa:
Noi xưa cho đúc 9 đỉnh thiết ở trước sân Thế Miếu, đến làm lễ cáo thành, làm thơ để ghi nhớ việc[13].
Liền lấy kim khí dâng lên mà noi xưa đúc thành 9 đỉnh đặt trước sân. (Noi xưa đúc đỉnh lớn 9 cái kính an trước sân Thế Miếu. Chính giữa là Cao đỉnh, tả nhất là Nhân đỉnh, hữu nhất là Chương đỉnh, tả nhị là Anh đỉnh, hữu nhị là Nghị đỉnh, tả tam là Thuần đỉnh, hữu tam là Tuyên đỉnh, tả tứ là Dụ đỉnh, hữu tứ là Huyền đỉnh.)
Lớn nhỏ đã xong, đều hình dung hết thảy muôn vật. (Có đủ mặt trời, mặt trăng, sao, mây, gió, cầu vồng, mưa, núi nổi tiếng, sông lớn, biển cả cho đến các thú chim chóc, cây cối của bản triều, cùng các loại súng pháo, xe thuyền đều lấy hình ảnh mà đúc. Đều dùng kích thước của bản triều cao hơn 5 thước 5 tấc đến hơn 6 thước 1 tấc, rộng hơn 1 trượng 1 thước. Mỗi cái đều khác nhau. Về quai chia làm cao nhĩ, trực nhĩ, viên nhĩ, cố nhĩ, đại nhĩ, phương nhĩ, kiên nhĩ, bình nhĩ, quảng nhĩ, tất cả có 9 loại. Nặng trên 4 ngàn trên dưới một hai trăm cân. Khởi công từ tháng 12 năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 đến tháng 12 năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17 thì xong. Tháng giêng ngày tốt năm nay Đinh Dậu, đặt vào sân Thế Miếu, lớn lao chắc chắn không chút tì vết. Chín đỉnh này đều đúc một lúc mà xong, điêu khắc tinh xảo, cho nên là những vật dụng cần thiết cho mọi thời. Theo thước của bản triều so với thước của Bắc triều, thì thước của Bắc triều lớn hơn 7 tất 5 phân mà thôi, vì thế chu vi gấp bội vậy.)
Đã noi vua Hạ, thêm kích thước, Há phỏng Tống vương uổng nung hun. (Tuy noi theo vua Vũ nhà Hạ, lấy cống kim đúc thành đỉnh, mà nay so với xưa cao lớn dày nặng gấp bội. Đến như Tống Huy Tông đúc Đế đỉnh, Bửu đỉnh, Mẫu đỉnh, Thương đỉnh, Cương đỉnh, Đồng đỉnh, Phụ đỉnh, Hiểu đỉnh, Khôi đỉnh, cao lớn cũng có chừng. Mà không chú trọng việc, mà phá hoại khiến hao phí công và vật liệu, thật khỏi phải nói.)
Cao vút nguy nga như bàn thạch, Cháu cháu con con mãi giữ truyền. (Cháu con ta nếu biết kính Trời, noi Tổ, gần người hiền, yêu dân tức giữ mãi muôn năm truyền đến trăm đời. Thử ai dám hỏi đến Đỉnh của ta.).
Cửu đỉnh có niên đại 1835-1837, đánh dấu sự kiện nổi bật của giai đoạn lịch sử cực thịnh của nước Việt Nam thời vua Minh Mạng sau khi triều đình Huế bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc Thành và Gia Định thành (1832), quản lý trực tiếp tất cả các tỉnh trong cả nước và hoàn thành công cuộc xây dựng Kinh thành Huế (1805- 1832). Cửu đỉnh ra đời vào thời điểm triều đình Huế hoàn thành công cuộc lập Địa bạ trên cả nước (1805-1836) và khai thác, xác lập vững chắc chủ quyền biển đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa (1803-1836) đã tác động tích cực đến chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tập 4, tr. 792 - 793.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 2007, tập 5, tr. 22.
[3] Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.945
[4] Châu bản triều Nguyễn – Nguồn Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1. Bản dịch Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
[5] Đại Nam thực lục, tập 5, Sđd, tr.21-22.
[6] Đại Nam thực lục, tập 5, Sđd, tr. 23.
[7] Đại Nam thực lục, tập 5, Sđd, tr. 23.
[8] Minh Mệnh, Ngự Chế văn - Dụ văn, (Trần Văn Quyền dịch và chú giải), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 2000, tr.466-467
[9] L. Sogny, “Những đỉnh triều đại ở Đại Nội Huế”, BAVH 1914, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.49-51
[10] Đại Nam thực lục tập 5, Sđd, tr. 21 - 23.
[11] Đại Nam thực lục tập 4, Sđd, tr.801.
[12] Minh Mệnh ngự chế thi tập, Ngũ tập, Quyển 1, Tờ 11a, 11b, 12a, 12b. Được viết vào năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 18 (1837). Nguồn và bản dịch: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
[13]. Vua Vũ nhà Hạ ở Trung Quốc cho đúc 9 đỉnh, truyền qua nhà Thương đến Chu.
Phòng Nghiên cứu Khoa học