Mùa xuân, tháng 3 năm 1838 tức năm Minh Mạng thứ 19, Hoàng đế Minh Mạng ban chỉ dụ đổi tên nước là Đại Nam: “…Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng, đều thuộc vào trong đồ bản, bãi biển xó rừng khắp nơi theo về cả, trước gọi là Việt nam, nay gọi là Đại Nam, càng tỏ nghĩa lớn, mà chữ Việt cũng vẫn ở đó. Kinh Thi có nói: “Nước nhà Chu dẫu cũ, mệnh vận đổi mới!” để cho đúng với tên và sự thực. Chuẩn cho từ nay trở đi, quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô, phải chiếu theo đó tuân hành, gián hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam, về lẽ vẫn phải, quyết không được lại nói 2 chữ Đại Việt, còn hiệp kỷ lịch năm nay, trót đã ban hành, không phải thay đổi hết thảy, nhưng nên in lại 3.000 tờ nhãn lịch trình dâng, chờ ban cho các quan viên ở Kinh và tỉnh ngoài, cho rõ hiệu lớn, còn thì phải lấy năm Minh Mạng thứ 20 làm bắt đầu đổi chép chữ Đại Nam ban hành, để chính tên hiệu và khắp các nơi xa gần”.
Năm 1837 tức Minh Mạng thứ 18, Vua dụ Nội các rằng: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc 9 cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa; đúc 9 cái đỉnh để ở nhà Thế miếu:
- Chính giữa: Cao đỉnh,
- Tả nhất: Nhân đỉnh,
- Hữu nhất: Chương đỉnh,
- Tả nhị: Anh đỉnh,
- Hữu nhị: Nghị đỉnh,
- Tả tam: Thuần đỉnh,
- Hữu tam: Tuyên đỉnh,
- Tả tứ: Dụ đỉnh,
- Hữu tứ: Huyền đỉnh,
Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc”. Rồi phái hai viên khoa đạo và 2 viên quản vệ kiểm soát đôn đốc việc làm; đường quan bộ Công cũng đến xem xét. Lại bảo bộ Công: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”.
Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837 đặt ở trước Hiển Lâm các theo một hàng ngang, đối diện với Thế Miếu, phía nam hoàng thành Huế, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Cao đỉnh được đặt ở trên đường thần đạo chạy từ Miếu Môn qua Hiển Lâm Các đến gian giữa của Thế Miếu - nơi đặt án và khám thờ vua Gia Long. Cao đỉnh kê ở chính giữa trong số Cửu Đỉnh và là đỉnh duy nhất được nhích về phía trước 3 mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều đại. Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Minh Mạng, Chương đỉnh dối diện với án thờ vua Thiệu Trị, Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Tự Đức, Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Kiến Phúc, Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Khải Định, Dụ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi, Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.
Trên mỗi đỉnh, người ta đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,...tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời Nhà Nguyễn.
Đại lễ khánh thành và đặt Cửu Đỉnh diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1837 tức ngày Quý Mão tháng giêng âm lịch năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 18. Đích thân hoàng đế Minh Mạng đứng ra chủ trì buổi lễ.
“Ngày Quý Mão, đặt 9 cái đỉnh ở trước sân Thế miếu. Trước đây đúc 9 cái đỉnh to (cao hơn 5 thước, đến hơn 6 thước, vòng lưng to 11 thước 6 tấc đến hơn 8 tấc, nặng 4.100 cân hay 4.200 cân có lẻ). Phàm các thứ chim cá, giống thú cây cỏ cùng đồ binh khí, xe, thuyền cho đến thiên văn địa lý trong nước, lớn nhỏ đều đủ, đều theo hình ấy mà đúc.
1. Cao đỉnh, khắc các hình: Mặt Trời, biển Đông, núi Thiên Tôn, sông Ngưu Chử, sông Vĩnh Tế, chim trĩ, con hổ, con ba ba, con rồng, hoa tử vi, quả mít, hạt thóc tẻ, trầm hương, gỗ thiết, cây hành, thuyền nhiều dây, súng lớn.
2. Nhân đỉnh, khắc các hình: Mặt Trăng biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, sông Phả Lợi, chim công, con báo, con đồi mồi, con cá voi, hoa sen, quả nam trân, hạt thóc nếp, cây kỳ nam, cây ngô đồng, cây hẹ, thuyền nhỏ, súng luân xa.
3. Chương đỉnh, khắc các hình: 5 sao, biển Tây, núi Thương Sơn, sông Linh Giang, sông Lợi Nông, con gà, con tê, con rùa, con cá sấu, hoa nhài, quả xoài, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây gỗ thuận, cây kiệu, thuyền đồng mông, súng điểu thương.
4. Anh đỉnh, khắc các hình: sao Bắc đẩu, sông Ngân Hán, núi Hồng Sơn, sông Mã, sông Lô, con hạc, con ngựa, con ve, con rắn, hoa văn côi, cây cau, cây dâu, cây tô hợp, cây thị, cây nghệ, lá cờ, đạn bươm bướm.
5. Nghị đỉnh, khắc các hình: sao Nam đẩu, cửa biển Thuận An, cửa quan Quảng Bình, sông Bạch Đằng, sông Cửu An, chim uyên ương, con voi, con bướm bướm, cá hoa xanh, hoa hải đường, cây mai, cây biển đậu, cây quế, cây gỗ đàn, cây vải, thuyền Hải đạo, súng trường.
6. Thuần đỉnh, khắc các hình: gió, cửa biển Cần Giờ, núi Tản Viên, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, chim hoàng oanh, con bò lang, con trai, cá rô, hoa quỳ, cây đào, cây đậu vàng, cây túc sa, cây gỗ táu, cây hương nhu, cái thuyền, bài đạo.
7. Tuyên đỉnh, khắc các hình: mây, núi Duệ Sơn, núi Đại Lãnh, sông Lam Giang, sông Nhị Hà, chim yểng, con lợn, con giải, cá hậu ngư, hoa trân châu, quả long nhãn, củ lạc, tổ yến, cây trắc, cây gừng, thuyền Lê, cái nỏ.
8. Dụ đỉnh, khắc các hình: sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, sông Vĩnh Điện, con vẹt, con dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền Ô, dao phác.
9. Huyền đỉnh, khắc các hình: mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con trăn, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại, mỗi loại đều 9 cái.
Hơn một năm đúc xong, sai quan có trách nhiệm chọn ngày tốt đặt đỉnh (dưới đỉnh kê bằng tảng đá). Đến ngày hôm ấy, vua thân đến miếu tế cáo. Lễ xong. Dụ rằng: Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ còn ít, nhà biên chép truyền nói không đúng, chép ra đều là vạc nấu ăn, còn như đỉnh to cao và nặng, không những gần đây không có, dẫu 3 đời (Hạ, Thượng Chu) cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành 9 đỉnh to, sừng sững đứng cao, to lớn nặng vững, không vết mẻ chút nào, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi đến không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và thành Trấn Tây đều biết.”
Cửu Đỉnh có thể coi là một cuộc “triển lãm” những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước Đại Nam và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 162 mảng hình trên Cửu Đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hoá dân gian và văn hoá bác học, là bách khoa thư về thiên nhiên, cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX. Cửu Đỉnh là di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hóa Huế nói riêng, Việt Nam nói chung. Ngược dòng về quá khứ nhìn lại hành trình mà Cửu đỉnh Huế được hình thành. Trải qua hơn 180 năm biến động, Cửu Đỉnh vẫn không hề thay đổi vị trí cũng như đã vượt qua mọi thách thức của thời gian và thời cuộc để tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Giá trị của bảo vật quốc gia này đã vượt khỏi tầm vóc của quốc gia, của thời đại, xứng đáng trở thành di sản của nhân loại.
Cửu đỉnh được công nhận bảo vật Quốc gia năm 2012. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành hồ sơ Cửu đỉnh Huế - Hoàng cung Huế trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét phê duyệt để đệ trình UNESCO ghi danh công nhận Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.
————
Đại Nam thực lục quyển IV trang 793, 794; quyển V trang 21,22, 276
Hình vẽ Cửu Đỉnh triều Nguyễn trên tập san Bulletin des amis du vieux Hué (BAVH, tạm dịch: "Những người bạn của Cố đô Huế") năm 1914