19/10/2015 3:29:44 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Khai trương Không gian Văn hóa tại cung Trường Sanh
Với mục đích nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, đồng thời làm phong phú thêm hệ thống dịch vụ tại di tích Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tại cung Trường Sanh một không gian văn hóa để trưng bày triển lãm về đời sống cung đình Huế và giới thiệu một số hoạt động dịch vụ văn hóa liên quan.

Phần trưng bày triển lãm do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thực hiện với các hiện vật gắn liền với đời sống của các bà trong cung Nguyễn như áo đại triều của Hoàng Thái hậu, hộp đựng khăn vành, hài thêu chim phụng, gương soi, hộp đựng đồ dùng trang điểm. Ngoài ra, còn có phần giới thiệu hình ảnh các hoa văn họa tiết trên trang phục cung đình cùng hệ thống hoành phi, câu đối, tranh gương phục chế sẽ đem đến cho du khách một cái nhìn tổng quan về đời sống của các bà trong nội cung Nguyễn cũng như hình bóng của cung Trường Ninh xưa từ thời vua Minh Mạng đến đầu thời vua Khải Định.

  Cung Trường Sanh được xây dựng vào năm 1822, đưới thời vua Minh Mạng, với tên gọi ban đầu là cung Trường Ninh, nằm ở phía Tây Bắc Hoàng thành với chức năng là một hoa viên hoàng gia, nơi dành cho các bà hoàng thái hậu triều Nguyễn đến thăm thú, thưởng ngoạn cảnh đẹp.

  Đến 1846, dưới thời vua Thiệu Trị, cung Trường Ninh được đại trùng tu với quy mô lớn cả về không gian và kiến trúc. Đến năm 1886, dưới thời vua Đồng Khánh, cung Trường Ninh tiếp tục được sửa sang, nâng cấp, chuyển công năng từ một hoa viên thành cung điện dành cho Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) và các bà Hoàng Thái hậu: Lệ Thiên Anh (vợ vua Tự Đức), Từ Minh (vợ vua Dục Đức) và Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh). Năm 1923, dưới thời vua Khải Định, cung Trường Ninh được đổi tên thành cung Trường Sanh, tiếp tục được trùng tu và vẫn là ăn ở sinh hoạt của các bà Thái hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu.

  Sau hơn 80 năm, kể từ lần trùng tu đó, cung Trường Sanh gần như không được quan tâm, dần bị xuống cấp và hoang phế.

  Cung Trường Sanh đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trùng tu tôn tạo từ năm 2005 đến 2007 và đã được trả lại vẻ đẹp vốn có của nó với các điện, đường xinh xắn, lạch Đào Nguyên và hồ Tân Nguyệt thơ mộng, hệ thống hòn non bộ tinh tế, vườn cảnh, sân lát gạch, tường thành, cổng tam quan hoàn chỉnh, để đưa vào tuyến tham quan phục vụ du khách.

Không gian dịch vụ văn hóa tại cung Trường Sanh do Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế thực hiện bao gồm không gian giới thiệu về đời sống các Nữ cung thời xưa của triều Nguyễn, phần giới thiệu bằng hình ảnh về lịch sử  chiếc  áo dài Huế. Tiếp đó, du khách sẽ tham quan và trải nghiệm các kỹ thuật truyền thống về thêu, vẽ trên chất liệu vải lụa, chiêm ngưỡng những sản phẩm áo dài được các nhà thiết kế nổi tiếng của Huế thực hiện. Tại đây, du khách còn có thể đặt may, đo các loại áo dài Huế với chất lượng tuyệt hảo. Cũng tại không gian này, du khách còn được nghe giới thiệu, thưởng thức và tự chọn mua một số sản phẩm đặc biệt mang dấu ấn riêng Hoàng cung Huế xưa như: ngự trà Tịnh Tâm Liên hoa, ngự tửu Hoàng Triều Ngự Tửu và Liên Hoa Huyết Tửu cùng các loại thảo dược làm nên thang thuốc nổi tiếng Minh Mạng thang.

Với nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ du khách, trong thời gian vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành triển khai các hoạt động trưng bày và phát huy giá trị cụm di tích cung Diên Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đại Nôi. Tiếp theo đó, kể từ ngày 20/10/2015, cung Trường Sanh cũng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn mới với một không gian trưng bày và hoạt động dịch vụ văn hóa đặc sắc, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị mới khi tham quan di tích Huế. 

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế