17/11/2022 3:17:36 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Quan niệm nghệ thuật của con người với vũ trụ qua bài bản Nhã nhạc “Tam luân cửu chuyển”
Bài bản Nhã nhạc “Tam luân cửu chuyển” nằm trong hệ thống Đại nhạc thường được các nghệ nhân sử dụng theo một quy trình nhất định khi thực hiện trong các lễ tế, cụ thể là lễ Hưng Tác , bao gồm: Tam luân cửu chuyển (phần mở đầu), Phát (phần giữa), Hiệp (phần kết). Sau khi Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh, bài bản này cũng đã được đưa lên sân khấu để trình diễn giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước (môi trường cụ thể là Nhà hát Duyệt Thị Đường và Thế Miếu). Tại các buổi trình diễn này, bài bản “Tam luân cửu chuyển” thường được sử dụng làm tiết mục mở đầu.

Đối với các nhà nghiên cứu và các nghệ nhân Nhã nhạc “Tam luân cửu chuyển” còn là sợ dây gắn kết con người với vũ trụ.

Các nhạc công Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế trình diễn bài bản Nhã nhạc "Tam luân cửu chuyển" tại đàn Nam Giao

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng cho rằng: “Trong tất cả những quan điểm đã khảo cứu về Tam luân, thì Tam luân có nghĩa là, chỉ cho 3 lớp vật chất cấu tạo thành khí thế giới, đó là: Phong luân (Phạm: Vàyumaịđala), cũng gọi phong giới; Thủy luân (Phạm: Jala-maịđala), cũng gọi Thủy giới; Kim luân (Phạm: Kàĩcanamaịđala), cũng gọi Kim tính địa luân, Địa luân, Địa giới: Do sức nghiệp của hữu tình va đập vào thủy luân mà kết thành vàng (kim) trên thủy luân. Và vì ý nghĩa tương sinh tương khắc trong Ngũ hành, cũng như ý nghĩa là Vũ trụ luân trong Phật giáo, nên Tam luân Cửu chuyển luôn là khúc nhạc mở đầu như chuyển vận hợp nhất con người với trời đất. Tùy vào lễ nghi mà có thể đưa bài bản này vào, song ý nghĩa chung là vậy”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung: “Thời trung đại, với quan niệm Thiên nhân hợp nhất, bài bản này đã trở thành chiếc cầu nối tâm linh giữa trời đất và con người gắn với quan niệm về tam tài và thuyết thiên mệnh một cách sâu sắc.

Quan niệm Vua là thiên tử, con trời thừa mệnh trời để cai trị thiên hạ nên ý nghĩa của bài bản là thể hiện sự tương thông trong ý thức của hoàng đế với mệnh trời.

Tiết tấu bài bản có ba hồi (Tam luân) với chín lần chuyển tiết tấu (cửu chuyển) cũng gắn với quan niệm tam tài cũng như ngôi cửu ngũ, cửu trùng trong thuyết chính danh theo quan điểm Nho giáo ngày xưa. Ngoài ra cửu chuyển còn gắn với số 9, con số theo quan niệm thời bấy giờ là ứng với ngai thiên tử, là địa vị độc tôn (Cửu ngũ cư tôn) một quan niệm bao trùm của thuyết thiên mệnh”.

Các nghệ nhân Nhã nhạc CLB Phú Xuân trình diễn bài bản Nhã nhạc "Tam luân cửu chuyển"

          Theo các nghệ nhân Nhã nhạc “Tam luân cửu chuyển” có nội dung được đề cập đó là: luân 1, ba chuyển; luân 2, ba chuyển; luân 3, ba chuyển... thể hiện rất rõ tính “luân hồi”[1] theo quan niệm của Phật giáo.

Khi trình diễn bài bản Nhã nhạc này, các nghệ nhân Nhã nhạc cũng đã có quan niệm về ý nghĩa của các Roi trống đôi (sau đây viết tắc là: T2), đó là số lượng T2 được thay đổi tuỳ lúc, tuỳ theo thời kỳ[2],nên ý nghĩa của chúng cũng bị thay đổi theo:

          Ba T2: Tam cương, theo quan niệm của Nho giáo là ba mối quan hệ rường cột cơ bản: Vua – Tôi, Cha – Con, Chồng - Vợ. Trong đó, vua là rường cột của bề tôi, cha là rường cột của con, chồng là rường cột của vợ. Thật ra, suy cho cùng “Tam cương” đề đạt mục đích cao nhất là “Trung quân” (trung thành tuyệt đối với vua), thể hiện tính tập trung, tính chuyên chế của chế động phong kiến. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo, ý nói chúng sanh đều do ba nghiệp (thân, khẩu, ý) tạo ác sau đoạ vào ba đường khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Ba T2 cũng có nghĩa là trừ tam độc (tham, sân, si), để chứng tam đức (pháp thân, bát nhã, giải thoát)

          Năm T2: Ngũ thường theo quan niệm của Nho giáo, là năm cái thường lý, thường tình của con người: Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí – Tín. Con người phải có đủ “Ngũ thường” để thực hiện đạo “Tam cương”. “Tam cương”, “Ngũ thường” gọi tắc là “Cương Thường”, là cái hình thành nên chuẩn mực đạo đức và mô hình con người của chế độ phong kiến. Năm T2 còn là năm mối quan hệ cơ bản giữa người và người trong xã hội: vua – tôi; cha – con; chồng – vợ; anh – em; bạn – bạn (Ngũ luân: quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu). Theo các nghệ nhân, 5 T2  còn có nghĩa là tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ).

           Bảy T2: Theo quan niệm Phật giáo, là tiêu biểu “thất chi tội” (thân có ba tội: sát, đạo, dâm; miệng (khẩu) có bốn tội: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu. Bảy T2  còn là để chứng “thất giác chi” (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, trừ, định, xã)[3]

          Chín T2: Theo các nghệ nhân khi thực hiện chín T2, chính là thể hiện ý nghĩa của sự trường cửu, vĩnh hằng, may mắn. Đây còn là sự thể hiện quyền lực “chí cao vô thượng” của bậc đế vương trong xã hội xưa.

          Như vậy, ngoài quan niệm của các nhà nghiên cứu, thì các nghệ nhân khi trình diễn bài bản Nhã nhạc này cũng có quan niệm riêng. Quan niệm đó là số lượng roi trống (T2) được thay đổi tuỳ lúc, tuỳ theo thời kỳ[4], nên ý nghĩa của chúng cũng bị thay đổi theo.

Cũng như ở các quốc gia Châu Á khác, dưới thời quân chủ ở Việt Nam, các bài bản Nhã nhạc nói chung, bài bản Nhã nhạc “Tam luân cửu chuyển” nói riêng được xem là âm nhạc chính thống của quốc gia, của chính quyền nhà nước và đã trở thành điển chế văn hoá của các triều đại. Nhã nhạc vốn được tạo ra để để phục vụ cho triều đình, nên nó đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống cung đình. Các qui định về dàn nhạc, cách thức trình tấu, kết cấu từng bài bản cụ thể đều rất chặt chẽ, phản ánh tính chuyên nghiệp cao và được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, cùng với sự thoái trào của chế độ quân chủ, Nhã nhạc cũng mất đi môi trường diễn xướng và vai trò trong đời sống xã hội và bài bản Nhã nhạc “Tam luân cửu chuyển” cũng nằm trong hoàn cảnh đó.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Thiều Chửu (1942), Từ điển Hán – Việt, Nxb. Thành phố Hồ Chí Mình.
  2. 2. Nguyễn Hoàng Hiệp Nguyễn Mạnh Linh (?), Lịch vạn niên thực dụng 1898-2018, Nxb. Văn hóa thông tin.
  3. 3. Phạm Đình Hổ (1989), Vũ Trung tùy bút 雨 中 隨 筆, bản dịch  tiếng Việt của Đông châu Nguyễn Hữu Tiến, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. 4. Trần Hồng (1997), Nhạc Tuồng, Nxb. Đà Nẵng.
  5. 5. Văn Minh Hương (2003), Gagaku và Nhã nhạc, Nxb. Thanh Niên.
  6. 6. Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt Sử ký Toàn thư  大 越  史 記 全  書, bản dịch tiếng Việt của Ngô Đức Thọ, Nxb. Khoa học Xã Hội, Hà Nội.
  7. 7. Võ Ngọc Huy (1994), Đại cương lịch sử triết học phương Đông, phần I, Tài liệu lưu hành nội bộ Đại học Huế.
  8. 8. Huỳnh Đình Kết (1998), Tục thờ thần ở Huế, Nxb. Thuận Hóa.
  9. 10. Trần Văn Khê (?), Court Music – The Case of  Vietnam, Speech in 4th Conference of Asia – Pacific Society of Ethnomusicologists, Taiwan, March 1998.
  10.  11. Trần Văn Khê (2000), Trần Văn Khê và Âm nhạc dân tộc, Nxb. Trẻ.
  11.  12. Trần Văn Khê (2002), Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb.Trẻ.
  12.  13. Trần Trọng Kim (2018), Việt Nam sử lược, Nxb.Tân Việt, Sài Gòn, in lần thứ 7.
  13. 14. Vũ văn Kính (2005), Đại từ điển chữ Nôm, Nxb.Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
  14. 15. Thụy Loan (1983), Lược sử âm nhạc Việt Nam- Nhạc viện Hà Nội, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.
  15. 16. Nguyễn Thị Nhung (1998), Nhạc khí gõ trống Đế trong Chèo truyền thống,  Nxb. Âm nhạc.
  16. 17. Nội các triều Nguyễn (2007), Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ,  bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học Việt Nam, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
  17. 18. Trần Hữu Pháp (1996), Âm nhạc cổ truyền Huế, Nxb. Thuận Hóa Huế.
  18. 19. Quốc Sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục 欽 定 越 史 通 鑑 綱 目, bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  19. 20. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục, bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học Việt Nam, Nxb. Khoa học và Xã hội, Hà Nội.
  20. 21. Phạm Công Sơn, Gia lễ xưa và nay, Nxb. Thanh niên.
  21. 22. Lê Mạnh Thát (1970), Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh.
  22. 23. Tô Ngọc Thanh (1999), Tư liệu Âm nhạc Cung đình Việt nam, Nxb. Âm nhạc, Viện Âm nhạc.
  23. 24. Vũ Nhật Thăng (1998), Thang âm nhạc Cải lương – Tài tử, Nxb. Âm nhạc, Viện Âm nhạc.
  24. 25. Thích Diệu Tánh (2011), Nghi lễ Phật giáo, tài liệu ban hành nội bộ.
  25. 26. Trương Thìn (2004), Nghi lễ thờ cúng Tổ tiên, Đền chùa, Miếu truyền thống và hiện đại, Nxb Hà Nội.
  26. 27. Hồ Đức Thọ (2002), Nghi lễ thờ cúng truyền thồng, Nxb VHDT.
  27. 28. Kiều Kiến Trung (?), Âm nhạc Trung Quốc, Nxb. Thế Giới.
  28. 29. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam (2002), Âm nhạc Cung đình Huế- Kỷ yếu hội thảo.
  29. 30. Thân Văn (2005), Các phương thức hòa nhạc Cung đình Huế, Nxb.Thuận Hóa, Huế.
  30. 31. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt nam, Viện Ngôn Ngữ (1976), Bảng tra chữ Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  31. 32. Viện Nghiên cứu Âm nhạc, sở Văn hóa thông tin – Hội văn học Nghệ thuật Quảng Trị (1997), Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị, Xí nghiệp in Quảng Trị.
  32. 33. Viện ngôn ngữ học (2001), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.
  33. 34. Tô Vũ (1995), Sức sống của âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb. Âm nhạc.
  34. 35. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Viện Âm nhạc.

 

 


[1] Bánh xe quay tròn.

[2] Trước đây ở Luân 1, các nghệ nhân thực hiện 3T2; ở Luân 2, các nghệ nhân thực hiện 5T2; ở Luân 3, các nghệ nhân thực hiện 7T2.; Luân bổ sung các nghệ nhân thực hiện khi thì 7T2, có lúc lại thực hiện 9 T2. Ở ba hồi trống tế, thường bắt đầu bằng 9 T2.

[3] Đó là Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi. Như bảy Giác chi này chẳng che kín, chẳng bao phủ, chẳng phiền não nơi tâm, tăng trưởng trí tuệ, là minh, là chánh giác, chuyển hướng Niết-bàn.”

[4] Trước đây ở Luân 1, các nghệ nhân thực hiện 3T2; ở Luân 2, các nghệ nhân thực hiện 5T2; ở Luân 3, các nghệ nhân thực hiện 7T2.; Luân bổ sung các nghệ nhân thực hiện khi thì 7T2, có  lúc lại thực hiện 9 T2. Ở ba hồi trống tế, thường bắt đầu bằng 9 T2..

Trọng Bình
Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế