Đến đời Vua Minh Mệnh (1820–1839), vua sai viện Hàn lâm sửa lại vũ khúc này đề múa vào các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ và lễ cúng Mụ, gọi là khúc Lục cúng hoa đăng.
Vũ khúc Lục Cúng có từ đời cổ, do các vị sư Ấn Độ truyền sang nước ta từ rất lâu đời. Khi múa thường múa để dâng hương, hoa, đèn, trà, quả và thực lên Tam Bảo.
Lục Cúng có nghĩa là 6 lần cúng, vì vũ khúc này chia ra làm 6 lần múa. Ngày xưa, vũ khúc này thường do hai vị tăng mặc áo cà sa vàng, đội mũ thất phật trình diễn. Khi múa, hai vị tăng chỉ cử động hai bàn tay như bắt ấn, hai chân khẽ rê đi, dàn ra theo hình các chữ, nên gọi là chân đàn tay ấn. Cách múa rất hoa mỹ, nghiêm trang. Mỗi lần múa là một lần dâng các thứ đồ cúng.
Múa dâng bình hương, chân đi theo kiểu chữ Nhật 日.
Múa dâng bình hoa, chân đi theo kiểu hoa hồi bốn cánh.
Múa dâng đăng, chân đi theo kiểu chữ Á 亞
Múa dâng trà, chân đi theo kiểu chữ Thủy 水
Múa dâng quả, chân đi theo kiểu chữ Vạn 卍
Múa dâng thực, chân đi theo kiểu chữ Điền 田.
Về sau có khi các tăng không múa, mà lại dùng bốn hoặc tám em nhỏ hóa trang làm Kim đồng Ngọc nữ múa thay. Các em đội mũ trang kim, mặc áo màu, chân đi tất trắng, chỗ trên hai khuỷu tay, vắt một mảnh lụa màu vàng nhạt, hoặc đỏ cánh sen dài ước 1m, lúc múa thỉnh thoảng lại tung mảnh lụa lên. Cách thức múa cũng như hai vị tăng, nhưng vì những bài hát cổ đều bằng chữ Hán, các em nhỏ học khó nhớ, nên trước đây một số cao tăng đặt ra những bài hát quốc âm cho các em dễ thuộc.
Đến đời Vua Minh Mệnh (1820–1839), vua sai viện Hàn lâm sửa lại vũ khúc này đề múa vào các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ và lễ cúng Mụ, gọi là khúc Lục cúng hoa đăng. Cách mua chế biến có 48 vũ sinh vừa nam vừa nữ mà phấn môi son hóa trang làm Kim đồng Ngọc nữ. Vũ sinh đội mũ hoa sen, thắt dây kết bông, trong mặc áo lót màu lục, tay đính võ lừa (cổ tay áo lật lên, dày hơn tay áo và khác màu với thân áo) ngoài mặc áo mã tiên, xiêm trường, quần giáp giải quần màu hồng, chân quấn sà cạp, tất trắng, hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen, vừa múa vừa hát.
(Theo Những Đại lễ và Vũ khúc của Vua Chúa Việt Nam của Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề)