Giới thiệu
06/01/2019 12:06:03 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
LỄ BÀN GIAO: DỰ ÁN BẢO TỒN VÀ PHỤC HỒI CỔNG, BÌNH PHONG, NON BỘ KẾT HỢP VỚI ĐÀO TẠO KỸ THUẬT CHUYÊN SÂU TẠI ĐIỆN PHỤNG TIÊN, ĐẠI NỘI - HUẾ
Được sự cho phép của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) và Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi lợi nhuận, Fulda, Đức (GEKE) phối hợp tổ chức Lễ bàn giao Cổng, Bình phong, Non bộ tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế và kết thúc dự án hợp tác Bảo tồn và phục hồi Cổng, Bình phong và Non bộ kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ cùng với nguồn vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng ngân sách thực hiện dự án là 4.295.043.000 đồng (Bốn tỷ hai trăm chín mươi lăm triệu không trăm bốn mươi ba nghìn đồng), tương đương với 168.614,20 Euro. Trong đó, ngân sách tài trợ của Bộ Ngoại giao CHLB Đức là 3.461.043.000 đồng, tương đương 135.873,15 Euro và ngân sách đối ứng của tỉnh Thừa Thiên Huế là 834.000.000 đồng, tương đương 32.741,05 Euro.

Dự án chính thức được thực hiện tại khu vực Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế từ ngày 29 tháng 9 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 đã thành công tốt đẹp với sự hợp tác chặt chẽ giữa HMCC và GEKE, gồm 02 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (từ 29/9/2017- 29/10/2018) bao gồm hoạt động bảo tồn, phục hồi Cổng, Bình Phong tại Điện Phụng Tiên kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho 07 học viên, họ là những thợ kép, họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư và thợ nề ngõa truyền thống được tuyển chọn từ các công ty tu bổ di tích tại Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô và các địa phương. Dưới sự quản lý, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm của bà Andrea Teufel-chuyên gia bảo tồn GEKE, các công trình Cổng, Bình Phong đã được bảo tồn và phục hồi hoàn chỉnh với những hoa văn, họa tiết tinh tế bằng “kỹ thuật fresco” (kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi còn ẩm ướt), vữa màu và các kỹ thuật secco đã được sử dụng trong các công trình, kiến trúc triều Nguyễn.

- Giai đoạn 2 (từ 01/11-31/12/2018) bao gồm hoạt động phục hồi, tôn tạo Non bộ-Bể cạn tại Điện Phụng Tiên do các kỹ sư, kiến trúc sư, thợ nề ngõa, nghệ nhân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phụ trách. Công trình sắp đặt phong thủy có thiết kế đặc sắc này đã được phục hồi, tôn tạo hoàn chỉnh, đảm bảo tính nguyên gốc và sử dụng các phương pháp chống thấm an toàn.

 Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có diện tích khá rộng và quy mô. Điện Phụng Tiên là nơi thờ tự các Vua và Hoàng hậu của triều Nguyễn (từ vua Gia Long đến vua Khải Định), là nơi nữ giới trong Hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hàng ngày. Điện gồm có 5 công trình chính là chính điện, Đông Tây Phối điện, Tả Hữu Tòng Viện. Lối vào Điện nổi bật với hệ thống kiến trúc tinh xảo như cổng, bình phong, bể cạn-non bộ… Trải qua hơn 180 năm, Điện Phụng Tiên đã được tu bổ nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử. Trong thời kỳ chiến tranh, vào tháng 02 năm 1947, công trình này đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại hệ thống tường thành, cổng chính, bình phong, non bộ-bể cạn, năm cổng nhỏ phía bắc và bình phong phía sau của Điện nhưng trong tình trạng hư hại nhiều làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Tổn thất lớn này đã làm giảm đáng kể giá trị nghệ thuật của toàn bộ công trình và sự hoang phế qua nhiều năm đã đe dọa các cấu trúc còn lại của điện. Vì vậy, các phương pháp phục hồi là hết sức cần thiết để bảo tồn những vết tích còn lại của công trình cũng như phục hồi các giá trị vật thể và phi vật thể của công trình.

Mục tiêu quan trọng của dự án là phát triển và áp dụng phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi chân xác, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên bản trong xây dựng vữa màu và vẽ fresco. Dự án đã đạt được kết quả tốt và được ghi nhận bằng giải Ba tại Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế và giải Ba tại Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2018. Một điều đáng ghi nhận nữa là việc phát triển kỹ thuật tiên tiến để bảo tồn và phục hồi tại chỗ các bức tranh Pháp lam độc đáo. Các phương pháp can thiệp đã mang lại một cơ sở lý thuyết cơ bản, có thể được tham khảo để so sánh với các phương pháp phục hồi di tích. Đặc biệt, kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi tươi (thuật ngữ ‘Fresco’ bắt nguồn từ ‘fresh’ nghĩa là tươi), lần đầu tiên được sử dụng trong công tác bảo tồn và phục hồi, sẽ mang lại những lợi ích lớn cho các hoạt động bảo tồn sau này.  

Một mục tiêu khác của dự án là xây dựng năng lực cho công tác bảo tồn bền vững các công trình di sản của Việt Nam. Vì vậy, các phương pháp bảo tồn và phục hồi, bao gồm cả các kỹ thuật mới, đã được giảng dạy cho 07 học viên dự án. Thông qua việc kết hợp các bài học lý thuyết, thực hành và đào tạo chuyên sâu, việc chuyển tải công nghệ bền vững đã đạt được những kết quả tối ưu.

Sắp tới, các học viên dự án sẽ bảo tồn và phục hồi một chiếc cổng nhỏ của Điện Phụng Tiên để chứng minh năng lực áp dụng những kiến thức kỹ thuật họ đã học được. Công việc của họ sẽ được tiến hành với sự tư vấn của Trưởng nhóm dự án người Đức - bà Andrea Teufel và dưới sự giám sát của Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Những học viên hoàn thành sẽ được ban giám khảo chuyên môn cấp chứng nhận nhằm xác nhận họ có đủ năng lực bảo tồn và phục hồi các công trình lịch sử. Đây là một bước quan trọng hướng đến công tác đào tạo nhân viên bảo tồn một cách chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Dự án thành công không những góp phần tôn tạo cảnh quan và không gian di sản hoàn chỉnh trong Quần thể Di tích Cô đô Huế, tạo ra một điểm nhấn mới thu hút khách tham quan mà còn đào tạo một đội ngũ kế cận am hiểu kỹ thuật bảo tồn, phục hồi truyền thống - kỹ thuật fresco; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn di sản, và sự quan tâm của Chính phủ cũng như các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài đối với sự nghiệp bảo tồn Di sản Văn hóa Huế.

Dự án lại một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương và Bộ Ngoại giao CHLB Đức, Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội cũng như của các tổ chức nghiên cứu chuyên môn đến từ Đức trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, đồng thời khẳng định vị thế và năng lực Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong các dự án hợp tác quốc tế thực hiện tại Huế. Đây cũng là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Việt Nam và CHLB Đức trong công tác bảo tồn các di tích văn hoá ở Việt Nam.

 

 

THÔNG TIN THAM KHẢO

 

* Cơ quan chủ quản dự án: Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

* Cơ quan tài trợ dự án: Bộ Ngoại giao CHLB Đức thông qua Đại Sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội

* Cơ quan thực hiện dự án và tiếp nhận tài trợ: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

* Đối tác quốc tế phối hợp thực hiện dự án: Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi lợi nhuận Fulda Đức (GEKE)

** Thông tin về GEKE:

Tên tiếng Đức: Gesellschaft zur Erhaltung des kulturellen Erbes e.V. Fulda, Germany

Tên tiếng Việt: Hội Bảo tồn Di sản Văn hoá Phi lợi nhuận Fulda, Đức

Tên tiếng Anh: Society for the Preservation of Cultural Heritage

Tên viết tắt: GEKE

Địa chỉ:   Propstei Johannesberg, 36041 Fulda, Berlin, Germany

Tel:         (+49 661) 380 43 88;

Fax:        (+49 661) 380 43 89

Email:    info@denkmalservice.de;

Website: www.denkmalservice.de

Giám đốc: Kiến trúc sư Rainer Korte            

Tổ chức GEKE chính thức được thành lập vào năm 1999, trước đây có trụ sở tại Monastery Johannesberg, Fulda - CHLB Đức.

Mục tiêu chính của hiệp hội là:

- Khởi động, hỗ trợ và tiến hành điều tra và nghiên cứu để bảo tồn di sản văn hóa;

- Thực hiện việc điều tra các công trình lịch sử, để giảm các chi phí và giá cả bảo dưỡng (bảo dưỡng dự phòng);

- Thúc đẩy và hỗ trợ công tác bảo tồn di tích, ví dụ như bảo tồn và phục hồi các di tích kiến trúc và các điểm khảo cổ đã được lập danh sách theo luật pháp mỗi quốc gia;

- Thúc đẩy các hoạt động giáo dục và đào tạo kỹ thuật.

Đến nay Tổ chức đã thực hiện và hợp tác thành công các dự án về bảo tồn ở Đông Âu, ví dụ như ở Nga và Ba Lan, và 9 dự án quy mô khác nhau ở khu vực Đông Nam Á cũng như CHLB Đức.

** Thông tin về HMCC:

Tên tiếng Việt: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Tên tiếng Anh: Hue Monuments Conservation Centre

Tên viết tắt: HMCC

Địa chỉ:  Tam Tòa - 23 Tống Duy Tân, TP Huế

ĐT: 84.234. 3530840; 3512751; 3523237

Fax: 84.234. 526083

Email: huedisan@gmail.com

Website: http://www.huedisan.com.vn  & http://www.hueworldheritage.org.vn

Giám đốc: Tiến sĩ Phan Thanh Hải     

Trung tâm BTDTCĐ Huế được chính thức thành lập vào ngày 10/6/1982, trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và dưới sự quản lý chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, có sự hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật cũng như quản lý khu vực di sản của UNESCO.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể (Quần thể di tích Huế), di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc cung đình Huế), di sản tư liệu (Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế) và cảnh quan môi trường gắn liền với di tích được UNESCO công nhận. Trung tâm nghiên cứu những nội dung lịch sử và giá trị văn hóa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan của quần thể di tích lịch sử và văn hóa Huế. Tổ chức thực hiện các công việc về: Bảo tồn, bảo tàng, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của Cố đô và góp phần xây dựng thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa du lịch của cả nước, làm phong phú cho di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Đến nay, Trung tâm đã tu bổ được trên 170 hạng mục công trình và hạ tầng cơ sở ở các mức độ khác nhau thuộc quần thể di tích cố đô Huế; Tổ chức thành công trên 40 hội thảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử và bảo tồn trùng tu; Xuất bản hơn 100 đầu sách và kỷ yếu hội thảo; Thực hiện được nhiều đề tài nghiên cứu cấp bộ và ngành, khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong lĩnh vực bảo tồn; Tổ chức hàng chục cuộc trưng bày và triển lãm trong nước và quốc tế về văn hóa Huế; Thực hiện thành công 03 bộ hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Quần thể di tích Huế là "Di sản văn hóa thế giới" (được công nhận ngày 11/12/1993), Nhã nhạc cung đình Huế là "Di sản Văn hóa Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại" (được công nhận ngày 07/11/2003), Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được công nhận ngày 19/5/2016); Hợp tác với hàng chục tổ chức, học viện và trường đại học trong và ngoài nước về nghiên cứu và đào tạo; Hợp tác hiệu quả với hơn 30 tổ chức và viện nghiên cứu bảo tồn quốc tế, thực hiện hàng chục dự án bảo tồn tu bổ di tích và các tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao.

* Liên hệ thêm thông tin:

Trung tâm BTDT Cố Đô Huế (HMCC)   Hiệp hội bảo tồn Di sản Văn hoá ( GEKE)
- Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm   - Bà Andrea Teufel, Đại diện GEKE, Quản lý dự án
ĐT: +84.234.3530840; DĐ:+84.0914066 189   ĐT: + 84.93 588 48 60 (VNM),
- Bà Lê Thị Thanh Bình, Phụ trách Phòng HT-ĐN   +49.172 - 324 19 69 (International, GER)
ĐT: +84.234.3512751; DĐ: +84.9035.100 776   Email: a.teufel@gmx.de;
Email: huedisan@gmail.com   andrea.teufel65@gmail.com
Website: www.huedisan.com.vn & ww.hueworldheritage.org.vn.   Skype: andreateufel;
   
Phòng Hợp tác - Đối ngoại
Các bài khác