20/01/2014 2:53:24 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Lễ húy kỵ lần thứ 194 của vua Gia Long và kỷ niệm 210 năm ngày Quốc hiệu Việt Nam
Sáng ngày 19/01/2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc long trọng tổ chức Lễ húy kỵ lần thứ 194 của vua Gia Long, đồng thời kỷ niệm 210 năm quốc hiệu Việt Nam ra đời, tại Thế tổ Miếu (Đại Nội Huế).
Đến tham dự buổi lễ có đồng chí Ngô Hòa, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Tỉnh; đồng chí Phan Công Tuyên, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh; đồng chí Trần Phùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cùng lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các sở ban ngành trong tỉnh, các nhân sỹ trí thức, phóng viên báo đài Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thế Tổ Cao Hoàng đế niên hiệu Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 8 tháng 2 năm 1762, mất ngày 3 tháng 2 năm 1820, là vị chúa Nguyễn thứ 10 cũng là vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Nguyễn, người đã thống nhất toàn cõi Việt Nam sau hơn 200 năm đất nước bị chia cắt. Dưới thời vua Gia Long, lãnh thổ nước Việt Nam rộng lớn hơn bao giờ hết, trải dài từ biên giới Trung Quốc đến vịnh Thái Lan, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng dưới thời vua Gia Long, Quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên chính thức được sử dụng vào năm 1804.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tại buổi lễ đại diện Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo các Ban, Ngành trong tỉnh cùng bà con trong Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã thắp những nén hương thơm để tưởng nhớ công ơn của tiền nhân trong những giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước, cũng như hoài niệm về những gì người xưa đã gửi gắm trong quốc hiệu Việt Nam.

Trong bài diễn văn của mình Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã ôn lại công lao to lớn của vị Hoàng đế đầu triều Nguyễn về những chiến tích oai hùng của một chiến tướng thân trải trăm trận với tài năng quân sự đã được lịch sử công nhận; dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử chính là hùng tâm đại lược, là ý chí quật cường bền bỉ trong mấy mươi năm hoài bão khôi phục cơ đồ tổ tiên; đạo lý để an dân không gì bằng phát triển đời sống kinh tế và giáo hóa đạo đức; đồng thời cũng nhìn thấy việc tổ chức một nền chính trị không quá hà khắc là cần thiết. Nhà vua đã tổ chức chính sự thật qui củ, sưu thuế nhẹ nhàng, quân kỹ nghiêm minh, lấy an cư lạc nghiệp của dân làm gốc, dùng đãi sĩ chiêu hiền làm trọng; chính sách khoan hòa, cởi mở trong trị vì, khiến cho một đất nước vừa kinh qua chiến tranh nồi da xáo thịt gần 200 năm đã nhanh chóng trở nên trù phú thịnh vượng, thành một quốc gia hùng cường ở khu vực Đông Nam Á với Quốc hiệu Việt Nam. Ông cũng chính là người cho quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế trên nền tảng của văn hóa truyền thống có kết hợp khéo léo với các yếu tố văn minh phương Tây, tạo nên một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” mà ngày nay đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.

Yên Chi