21/08/2023 9:52:54 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
BẢO TÀNG CỔ VẬT CUNG ĐÌNH HUẾ: NHỮNG THĂNG TRẦM TRONG LỊCH SỬ (từ 1945 đến nay)
Trong lịch sử Việt Nam, Bảo tàng CVCĐ Huế là Bảo tàng đầu tiên và duy nhất được thành lập bởi một triều đại quân chủ và do chính hoàng đế bảo trợ. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập cho đến khi triều Nguyễn kết thúc sứ mệnh lịch sử vào năm 1945, các hoạt động của Bảo tàng đều được vận hành một cách quy củ và mang tính chuyên môn cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ sau 1945 đến năm 1975, dưới tác động của những biến cố chính trị-xã hội, Bảo tàng đã phải qua nhiều lần thay đổi tên gọi cùng với những thay đổi trong bộ máy quản lý và cách hoạt động. Lúc này, Bảo tàng không còn được các chính quyền đương thời chú trọng cấp ngân sách sưu tầm để phát triển sưu tập và hoạt động nghiên cứu khoa học cũng gần như ngưng trệ.

Những biến động về mặt quản lý và hoạt động

Sau năm 1945, Bảo tàng Khải Định được đổi tên thành Viện Tàng Cổ, trực thuộc Viện Văn hoá Trung Việt, ban đầu do ông Hồ Đắc Hàm, nguyên Thượng thư bộ Học dưới thời Bảo Đại, làm Chủ sự. Ông Trần Thừa, giáo viên biệt phái của Viện Văn hoá Trung Việt, phụ trách điều hành Viện Tàng Cổ, kiêm hướng dẫn du khách (xem ảnh minh hoạ). Năm 1958, Viện Văn hoá Trung Việt bị giải tán, Bảo tàng chuyển sang trực thuộc Viện Khảo cổ Sài Gòn và đổi tên từ Viện Tàng Cổ thành Viện Bảo tàng Huế theo Nghị định số 1479-GD/NĐ ban hành ngày 29/9/1958 của Bộ Quốc gia Giáo dục, do ông Tôn Thất Đào làm Giám thủ Viện Bảo tàng. Đến ngày 9 tháng 10 năm 1963, việc quản lý Bảo tàng được chuyển giao cho ông Ưng Tương, người đang giữ chức Xử lý Thường vụ của Bảo tàng tiếp quản, sau này trở thành Quản thủ Bảo tàng.

Theo tài liệu số 21539/GD/NHV/IG ngày 7/10/1958 của bộ Quốc gia Giáo dục, cơ cấu nhân sự của Bảo tàng lúc bấy giờ bao gồm 1 Quản thủ, 1 phụ tá Quản thủ, 2 thư ký, 1 thư ký đánh máy, 2 tuỳ phái, 1 khán thủ, 1 chuyên viên và 1 lao công. Nhưng trên thực tế, số nhân sự của Bảo tàng thường không đủ. Năm 1964, Bảo tàng có 6 nhân sự. Đến năm 1975, Bảo tàng có 7 nhân sự, gồm 1 Quản thủ, 2 nữ thư ký, 1 thư ký đánh máy, 1 tuỳ phái, 1 khán thủ kiêm gác dan và 1 lao công.

Sau khi có sự sắp xếp lại các cơ quan văn hoá ở Huế, giải tán Viện Văn hoá Trung Việt và đổi tên Tàng Cổ Viện thành Viện Bảo tàng Huế, Bảo tàng đón khách tham quan hàng ngày, kể cả chiều thứ Bảy, trừ ngày thứ Hai. Ngày Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, Viện Bảo tàng Huế chỉ tiếp đón du khách buổi sáng. 

Sau năm 1963, Bảo tàng có sự thay đổi về thời gian làm việc, mở cửa từ 8:30-11:30 sáng và từ 15:00 – 17:00 chiều vào các ngày thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Riêng nhân viên văn phòng của Bảo tàng làm việc 6 ngày trong tuần từ 8:00-12:00 sáng và 13:30-17:00 chiều, nghỉ chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật.

Thống kê sơ bộ số lượng khách tham quan của Bảo tàng qua các thời kỳ từ sau năm 1954 đến nay như sau:

Năm

Khách trong nước

Khách ngoại quốc

Tổng số khách

1954

6120

350

6470

1955

7117

371

7488

Từ tháng 1/1956 đến 6/10/1956

7127

206

7333

Từ 1959-19/3/1961 (thời gian đóng cửa để trùng tu)

2705

265

2970

Từ 29/3/1961 đến 7/7/1961

2222

76

2298

từ tháng 8/1966-20/12/1966

  2976

 157

3133

Năm 2019

51947

63793

115740

Từ 3/2022-2/2023

63951

13 776

77. 727

 

Sau năm 1975, Bảo tàng thuộc sự quản lý của Phòng Bảo tàng Bảo tồn Di tích Lịch sử (Ty Thông tin Văn hoá, tỉnh Bình Trị Thiên), năm 1982 thuộc sự quản lý của Công ty Quản lý Di tích Huế (đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế từ năm 1992 đến nay).

Năm 1979, Viện Bảo tàng Huế được đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Huế, bắt đầu đón khách tham quan trở lại, nhưng trên thực tế cơ cấu nhân sự của Bảo tàng giai đoạn này chỉ là một Tổ gồm vài nhân viên làm việc kiêm nhiệm, bao gồm công tác bảo vệ, vệ sinh, quản lý kho và thuyết minh.

Từ tháng 9 năm 1995, Bảo tàng lại được đổi tên thành Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế nhưng bộ máy tổ chức còn khá đơn giản, chỉ có một số bộ phận cơ bản như phòng Kiểm kê-Bảo quản và  phòng Thuyết minh-Tuyên truyền, đến năm 2002 tiếp tục thành lập thêm các phòng Nghiên cứu-Đối ngoại, phòng Hành chính-Bảo vệ và phòng Trưng bày-Triển lãm.

Ngày 5 tháng 6 năm 2007, Bảo tàng được chính thức đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Cũng trong năm 2007, Bảo tàng đủ điều kiện để được xếp hạng là Bảo tàng hạng II theo Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT và được chính thức xếp hạng theo Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2007 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bảo tàng được thiết lập trên cơ sở Quyết định số 780/QĐ-BTDT ngày 15 tháng 7 năm 2013 với 6 phòng chuyên môn gồm: phòng Hành chính-Quản trị, phòng Thuyết minh, phòng Trưng bày-Triển lãm, phòng Quản lý Kho cổ vật, phòng Nghiên cứu-Đối ngoại và phòng Bảo vệ. Đến tháng 4 năm 2023, tổng số nhân viên của Bảo tàng là 43 người.

Năm 2016, Bảo tàng tham gia Hội đồng Bảo tàng Quốc tế ICOM.

Những biến động về cổ vật

Cũng từ sau biến cố 1945-1946, Bảo tàng gặp vô vàn khó khăn, chịu nhiều tổn thất nặng nề về cơ sở vật chất và các sưu tập. Báo cáo hoạt động của Bảo tàng giai đoạn 1954-1961 cho biết, sau nhiều khó khăn trong việc sưu tầm cổ vật bị thất lạc (trong giai đoạn 1945-1946), Viện Bảo tàng Huế hoạt động trở lại nhưng chỉ trong phạm vi eo hẹp vì cổ vật chỉ tìm lại được một số ít và phương tiện tài chính lúc bấy giờ không được dồi dào. Riêng các bảo vật bị thất lạc trong thời kỳ Việt Minh (1945) cũng không có tài liệu xác đáng để lập bản kê khai. Để tránh thất thoát nhiều hơn nữa, các cổ vật từ Đại Nội và những di tích khác của triều Nguyễn đã được đưa về Bảo tàng để lưu giữ sau biến cố 1945-1946, phần lớn là các loại chén, bát, ché, thống sứ, đồ nghi trượng, hộp đựng, v.v..do đặc điểm cồng kềnh hoặc dễ vỡ hoặc đã bị hư hỏng mà chưa bị đánh cắp hoặc chiếm đoạt.

Năm 1959, tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm đã ban hành Sắc lệnh số 34 ngày 14/2/1959 về việc bảo vệ những sản phẩm văn hoá của quốc gia, trong đó điều thứ nhất ghi rõ: “Nay cấm không cho mang ra ngoài lãnh thổ quốc gia Việt Nam các sản phẩm văn hoá quốc gia nói ở điều thứ 2, nếu không được Tổng thống Việt Nam Cộng hoà cho phép”, và Điều thứ hai ghi: “Được coi là sản phẩm văn hoá nói ở điều thứ nhất: các động sản hay bất động sản có giá trị lịch sử vì bản thể của nó như là: mỹ thuật phẩm, sách vở cổ hay những sưu tập quan trọng các bản sao, vi ảnh đúng bản chính những loại sản phẩm kể trên, bất luận chủ nhân là ai hay căn nguyên ở đâu”.

Tuy vậy, cũng chính vào giai đoạn này, Bảo tàng lại một lần nữa bị thất thoát rất nhiều cổ vật. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, chính phủ mới đã tiến hành điều tra về sự thất lạc, chiếm đoạt những cổ vật của Viện Bảo tàng Huế, Đại Nội và các lăng tẩm cố đô Huế. Nhiều bằng chứng chi tiết đã được thu thập giai đoạn 1963-1964 cho thấy năm 1956, nhiều loại vật liệu cổ và cổ vật ở các lăng tẩm, miếu điện đã bị chiếm đoạt[1].

Một số văn bản lưu trữ giai đoạn 1956-1957 cho biết, theo chỉ thị của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Viện Bảo tàng Huế đã phải đem nạp vào Phủ Tổng thống một số cổ vật và cổ thư như: bộ sách Đại Nam Nhất thống chí (gồm 42 quyển đóng thành 16 tập) và 1 nghiên mực của vua Tự Đức bằng đá Đoan Khê thếp vàng đựng trong hộp đồi mồi bọc vàng. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, số tài liệu và cổ vật này được giao cho Hội đồng Quân nhân Cách mạng và không bao giờ trở lại Bảo tàng.

Ngày 26 tháng 2 năm 1966, Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương của Việt Nam Cộng hoà đã ra Nghị định số 331-NĐ/GD để thành lập Uỷ ban kiểm nhận và phân phối các bảo vật của triều đình Huế bị thất lạc và được tìm thấy trong số tài sản tịch thu của gia đình họ Ngô. Theo đó, những cổ vật có giá trị mỹ thuật và cổ tích đã được giao trưng bày tại Bảo tàng, quy hoàn những đồ vật có đủ bằng chứng là nguyên của lăng, miếu và Đại Nội Huế, những sách và tài liệu có giá trị văn hoá-lịch sử được giao cho Thư viện Viện Khảo cổ.

Tuy nhiên, cũng trong đợt này, nhiều đồ vật trong số tài sản tịch thu của gia đình họ Ngô được giao về cho Toà Tỉnh trưởng Thừa Thiên để trang hoàng văn phòng tỉnh là có nguồn gốc từ Đại Nội Huế, trong đó có những đồ vật mang số kiểm kê của cung Diên Thọ, như các loại bàn ghế bằng gỗ chạm và đan mây, divan bằng gỗ chạm, ghế bành, ngà voi để trên đế đồng, đôn gỗ, đèn lồng gương, bình phong sơn mài 12 lá, các bức tranh sơn mài, bức hoành, đối liễn sơn thếp hoặc khảm xà cừ, v..v..Theo danh sách tiếp nhận của Toà Hành chánh tỉnh Thừa Thiên lập tháng 11 năm 1966 có đến 68 cổ vật có nguồn gốc từ cung Diên Thọ.

Trong những hoàn cảnh chính trị phức tạp hoặc chiến sự khốc liệt, Bảo tàng phải di chuyển hiện vật vào miền Nam để đảm bảo an toàn. Ít nhất đã có hai lần Bảo tàng phải di chuyển cổ vật, năm 1960 và năm 1972. Lần thứ nhất, cổ vật của Bảo tàng được lựa chọn, đóng gói chuyển vào chi nhánh Văn khố và Thư viện Đà Lạt cùng các loại tài liệu, thư tịch quý trước kia tàng trữ tại Viện Văn hoá cũ, các loại châu bản, mộc bản, văn kiện và sách vở của Thư viện Bảo Đại, thư viện Phạm Quỳnh, Quốc sử quán, Nội các và toà Khâm sứ cũ. Năm 1964, số cổ vật này được giao hoàn lại cho Bảo tàng bằng xe lửa với sự hộ tống của quân đội, quân xa và công binh trên suốt chặng đường từ nơi xuất phát ở Chi nhánh Văn khố và Thư viện Đà Lạt đến Bảo tàng ở Huế. Năm 1972, phần lớn cổ vật quý giá của Bảo tàng được di tản vào Sài gòn. Đến năm 1977, cổ vật lại được đưa trở về Huế, nhưng đối chiếu số lượng đưa đi năm 1972 và đem về năm 1977 vẫn thiếu hơn 10 hiện vật so với số lượng khi chuyển đi.

Sau năm 1975 đến nay, số lượng hiện vật trong các sưu tập của Bảo tàng tiếp tục được tăng lên nhờ nguồn hiến tặng cổ vật từ các cá nhân trong và ngoài nước hoặc các tổ chức tư nhân, mặc dù trận bão năm 1985 đã làm sập một góc nhà kho của Bảo tàng và làm vỡ nát nhiều đồ sứ trong sưu tập ở đây. Cho đến nay, Bảo tàng đang quản lý hơn 11.000 hiện vật, bao gồm cả hiện vật ở Đại Nội và các lăng tẩm. Trong số này đã có 33 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia với những giá trị độc bản và tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, mỹ thuật.

Bảo tàng cũng được giao quản lý về mặt chuyên môn đối với số cổ vật còn lại tại Đại Nội và các lăng tẩm triều Nguyễn. Các cổ vật ở những địa điểm này đã được hội đồng kiểm kê vào các thời điểm khác nhau: năm 1997 (lăng vua  Gia Long, lăng vua Minh Mạng và lăng vua Dục Đức), năm 2004 (lăng vua Tự Đức), năm 2005 (lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Khải Định, di tích Triệu Miếu, Thế Miếu, Xiển Võ Từ, Điện Huệ Nam), 2008 (Khương Ninh Các, Điện Thái Hoà).

Những biến động về cơ sở vật chất

Trong 100 năm qua kể từ khi thành lập, nhà trưng bày chính của Bảo tàng là điện Long An. Đây là cơ sở vật chất đầu tiên của Bảo tàng và hiện cũng vẫn là nơi trưng bày chính. Trải qua nhiều biến cố, công trình này cũng chịu nhiều tổn thất. Trong thời gian từ 6 tháng 10 năm 1956 đến 29 tháng 3 năm 1961, Viện Bảo tàng Huế phải đóng cửa để đại trùng tu do lâu ngày chưa được tu bổ nên mái ngói hư dột, cột kèo có cái bị mối mọt đục khoét.

Tháng 12 năm 1965, Bảo tàng lại được đại tu bổ, lần này là tu sửa lợp lại mái ngói hậu điện, tu sửa hàng cột phía sau và thay hai đà lớn đã mục nát gần làm sập cửa nhà kho.

Trong biến cố Mậu Thân năm 1968, các công trình của Bảo tàng đã bị hư hỏng nặng và mất mát, hư hại nhiều cổ vật. Từ ngày 31/1/1968 (tức ngày 2 Tết Mậu Thân), Bảo tàng đã là nơi bị quân lính đến chiếm đóng, dùng các tấm cửa của điện Long An, kệ sách, đèn chân..v.v..để làm hầm bố trí trong khuôn viên Bảo tàng. Cơ sở vật chất của Bảo tàng, nhà làm kho cổ vật, nhà làm Văn phòng và tất cả các nhà phụ thuộc bị mortier, canon, phi đạn phá huỷ phần lớn (70%), không nơi nào toàn vẹn. Mái nhà bị khoét lủng rất lớn, rui, kèo, đòn tay, đố bảng bị phá văng, cột bị tiện ngang, đục gãy, tường vách sụp đổ, gạch ngói rớt đầy nơi, kính cửa chung quanh điện Long An, nhà kho, nhà để tượng Chăm và các tủ kính đều vỡ gần hết. Nhân viên của Viện Bảo tàng Huế phải tìm cách ngăn các cửa kính bằng tủ, bàn, ghế, thùng gỗ và các vật liệu bị phá huỷ như đố bảng, kèo rui...v.v.., thu xếp các cổ vật còn lại, cất giữ những cổ vật cỡ nhỏ vào các tủ, rương và thùng gỗ. Những việc này đều phải thực hiện trong lúc tình hình chiến sự vẫn còn diễn ra ở Huế và các vùng ngoại ô, nguyên văn được ghi là “hoàn cảnh hãi hùng của thời chiến”.

Nếu tính cả đợt di dời điện Long An từ vị trí cũ ở cung Bảo Định về vị trí hiện tại vào năm 1908, thì cho đến nay, công trình này đã có ít nhất 5 đợt trùng tu lớn: 1908, 1956-1961, 1965, 1994-1995 và 2008-2011. Bên cạnh đó, Bảo tàng luôn duy trì việc tu sửa một số cổ vật bị hư hỏng do thời gian, đóng thêm các tủ và giá trưng bày, thay mới hệ thống cửa kính của điện Long An, tu bổ nâng cấp các công trình như nhà kho, phòng trưng bày các tác phẩm điêu khắc Champa, v.v..

Sau năm 1975, khuôn viên của Bảo tàng bị thu hẹp. Khu vực nhà “Tế tửu”[2] ở phía Đông của Bảo tàng bao gồm một nhà rường ở phía trước và một ngôi nhà khối xây ở phía sau được dùng làm nơi ở cho một số hộ gia đình. Giai đoạn 1996-2002, khu vực này được chuyển giao thành nơi làm việc của phòng Hoá nghiệm thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, mặc dù việc sử dụng một phần của khu vực này làm nơi ở mãi đến năm 2000 mới chấm dứt. Năm 2022, ngôi nhà rường được tu sửa, sử dụng làm không gian trưng bày chuyên đề về vua Hàm Nghi.

Năm 2016, kho cổ vật Chăm được tu sửa thành phòng trưng bày và mở cửa đón khách tham quan trở lại sau một thời gian dài kể từ sau năm 1975.

Tháng 1 năm 2023, với sự hỗ trợ của TS. Amandine Dabat và Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng có thêm một không gian trưng bày chuyên đề về vua Hàm Nghi-cuộc đời và nghệ thuật, giới thiệu những thông tin, hình ảnh tư liệu và bản in lại những tác phẩm tranh, tượng của vua Hàm Nghi sáng tác trong thời gian bị lưu đày ở Alger.

Thay lời kết

Suốt chặng đường 100 năm qua, từ một thiết chế văn hoá dưới hình thức bảo tàng– một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, Bảo tàng đã đồng hành cùng Huế với những thăng trầm của lịch sử, là nơi lưu giữ, trưng bày số lượng cổ vật liên quan đến văn hóa Huế, đặc biệt là văn hóa cung đình Huế một cách tập trung và hệ thống nhất, không chỉ tại cơ sở chính của bảo tàng, mà cả trong hệ thống quần thể di tích cố đô Huế. Hầu hết các cổ vật do bảo tàng trực tiếp quản lý đều là những cổ vật gốc, có giá trị cao cả về văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, tôn giáo...lẫn giá trị về mặt kinh tế, trong đó có nhiều cổ vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia với những giá trị không thể đo đếm hoặc so sánh.

Mặc dù tình trạng cơ sở vật chất của Bảo tàng hiện nay vẫn chưa đủ điều kiện để xây dựng không gian trưng bày với đầy đủ thông tin về sự hình thành, phát triển của các giai đoạn chúa Nguyễn và triều đại nhà Nguyễn, hoặc rộng hơn là lịch sử - văn hoá của vùng đất Thừa Thiên Huế cũng như những giá trị đặc biệt của các tác phẩm nghề truyền thống của nền văn minh dân tộc, nhưng Bảo tàng vẫn luôn là một địa chỉ hội tụ những giá trị tinh thần của con người Huế, nơi lưu giữ, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật phản ánh đời sống sinh hoạt, nghi lễ, văn hoá, chính trị của dân tộc, nơi kết nối và hình thành biểu tượng mang đậm bản sắc văn hoá ở cố đô Huế, phát huy sứ mệnh của mình trong việc gìn giữ di sản của những thế hệ đi trước, góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá, lịch sử, mỹ thuật để tiếp tục nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị ấy đến các thế hệ mai sau; đồng thời để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Bảo tàng và khẳng định vai trò của Bảo tàng trong quá trình phát huy sức mạnh để đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Các tài liệu văn bản
  • - L. Cadière (1997), “Dàn bài sưu tầm dành cho “Những người bạn Cố đô Huế”, Những người bạn Cố đô Huế tập 1 (1914), Nxb Thuận Hóa, Huế.
  1. - Jabouille, P. (1931), “Historique du Musée” (Lịch sử Bảo tàng), trong P.Jabouille và J.H.Peyssonaux (1931), Historique du Musée – Selection d’Objets d’Art et de  Meubles Conservés au Musée Khai-Dinh et Notices les Concernant (Lịch sử Bảo tàng – Tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật và nội thất được lưu giữ tại Bảo tàng Khải-Định và những lưu ý liên quan).
  2. - Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 11, Nxb Thuận Hoá, Huế.
  3. - Nguyễn Xuân Thọ (1969), ‘Cuộc bạo hành tại Huế gày 5-7-1885-Vụ cướp phá hoàng cung-cuộc đề kháng của vua Hàm Nghi và triều Đồng Khánh”, bản dịch của Nguyễn Ngọc Cư từ nguyên bản tiếng Pháp, tập san Sử địa, số 14-15.
  4. - Phan Thuận An (2002), “Các bảo vật ở hoàng cung Huế ngày xưa qua ghi nhận của một số người Pháp”, Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Sở Khoa học, Công nhệ và Môi trường Thừa Thiên Huế - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế.
  5. - Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội
  6. - Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, NXB Văn hoá-Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
  7. - Robert de la Susse (1913), ‘’Le Palais Impérial” trong Revue Indochinoise, số tháng Giêng 1913.
  8. - Vương Hồng Sển (2005), “Cung điện Huế đô năm 1908-lang bang suy nghĩ cung điện hoàng gia ở Huế”, tạp chí Nghiên cứu Huế tập 5, Huế.

Các tài liệu văn bản

  1. - Báo cáo về hoạt động của Bảo tàng do ông Ưng Tương-quản thủ Bảo tàng lập năm 1975.
  2. - Bảng kê khai tạm những thần ngự tự khí, những bảo vật và vật dụng các lăng, miếu, điện Đại Nội đã do Ngô Đình Cẩn và tay sai chiếm đoạt hoặc do các cơ quan chính quyền lấy do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc lập ngày 17 tháng 5 năm 1964).
  3. - Biên bản thủ tiêu hiện vật do Viện Văn hoá Trung Việt lập ngày 16 tháng 4 năm 1951
  4. - Công văn ngày 9 tháng 10 năm 1961 của ông Tôn Thất Đào, Quản thủ Bảo tàng gửi Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, Thị trưởng thành phố Huế.
  5. - Công văn ngày 5 tháng 12 năm 1963 của Viện Bảo tàng Huế gửi ông Tổng hội trưởng Hội Thiên tiên Thánh giáo Trung phần Việt Nam
  6. - Công văn số 134/PPTT/VHVX/VP/GD ngày 8/7/1964 của Phó Thủ tướng đặc trách Văn hoá-Xã hội, Thiếu tướng Đỗ Mậu gửi Phó Thủ tướng đặc trách Kinh tế- Tài chính.
  7. - Nghị định số 331-NĐ/GD ngày 26 tháng 2 năm 1966 của Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ký tên.
  8. - Phúc trình ngày 11 tháng 4 năm 1966 của ông Nguyễn Bá Lăng-Chủ sự Phòng Bảo tồn Cổ tích (Viện Khảo cổ Sài Gòn) về việc ra Huế để lập bảng phân phối bảo vật của triều đình Huế bị thất lạc.
  9. - Quy chế của Bảo tàng Khải Định do toà Khâm sứ Trung kỳ ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1923, đính kèm các văn bản gửi Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ (Nguyễn Thị Thuý Vi dịch từ nguyên bản tiếng Pháp)
  10. - Sắc lệnh số 34 ngày 14/2/1959 của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà về việc bảo vệ những sản phẩm văn hoá của quốc gia.
  11. - Tờ trình Nguyệt để tháng 12 năm 1960 do ong Tôn Thất Đào, Giám thủ Viện Bảo tàng Huế lập ngày 5 tháng 1 năm 1961 gửi ông Giám đốc Viện Khảo cổ.
  12. - Tờ trình Nguyệt để tháng 11 năm 1965 và Công văn số 1317 ngày 10 tháng 12 năm 1965 của Quản thủ Viện Bảo tàng Huế gửi Giám đốc Viện Khảo cổ về công tác đại tu bổ Viện Bảo tàng Huế.
  13. - Tờ trình ngày 9/3/1968 về tình hình Viện Bảo tàng Huế sau khi thị xã Huế được giải toả (25-2-1968) do ông Ưng Tương – Quản thủ Bảo tàng thực hiện
  14. - Tổng kê những tài liệu từ Huế gửi vào Chi nhánh Đà Lạt, lập ngày 1 tháng 8 năm 1964, đính kèm theo văn bản số 115-VKTV ngày 12 tháng 6 năm 1964 của Chủ sự Chi nhánh Văn khố và Thư viện Quốc gia Đà Lạt gửi Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia Sài Gòn về việc lập Bảng kê số sách ngự lãm di chuyển từ Huế vào.
  15. - Văn bản ngày 14 tháng 12 năm 1963 của Tổng Thư ký Bộ Quốc gia gửi Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn.
  16. - Văn bản số 116.TTP/Đ2/m ngày 6 tháng 2 năm 1964 của Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ tướng gửi Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc phòng
  17. - Văn bản số 176 NPT của Hội trưởng Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc gửi Giám đốc Viện Khảo cổ sài Gòn ngày 19 tháng 5 năm 1964.
  18. - Văn bản số 8925-TT/VP/VH/8 ngày 20/5/1965 của Thị trưởng thị xã Huế gửi Tổng trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn về việc Thể lệ đặc biệt trong việc tuyển dụng nhân viên Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc.
  19. - Văn bản số 486/NPT/M ngày 9/12/1965 của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc gửi Thiếu tướng Chủ tịch UB Hành pháp Trung ương về việc xin lưu dụng nhân viên cơ quản Bảo tồn Di tích Lịch sử.
  20. - Văn bản số 133/3-BTC/TNCS/QT của Tổng Thơ ký Tài Chánh (Bộ Tài chánh) ngày 3 tháng 8 năm 1966 gửi Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn.
  21. - Văn bản số 19557/TT ngày 10 tháng 11 năm 1966  của Toà Thị chánh thị xã Huế gửi ông Quản thủ Viện Bảo tàng Huế về việc Mượn một số đồ vật trong tài sản tịch thu của họ Ngô để trang hoàng phòng khách Toà Hành chánh Tỉnh và Bảng kê những đồ vật trong tài sản tịch thu của họ Ngô 19 Nguyễn Trường Tộ Huế do Toà Tỉnh trưởng Thừa Thiên nhận để trang hoàng văn phòng tỉnh, do Toà Hành chánh thay mặt Tỉnh trưởng Thừa Thiên lập tháng 11 năm 1966.
 

[1] Theo lệnh của ông Ngô Đình Cẩn, người ta đã lấy 120 viên đá Thanh ở lăng vua Minh Mạng; năm 1957 tiếp tục lấy 100 viên đá Thanh ở đây để xây lăng ông Ngô Đình Khả và đá ong để làm các hòn non bộ tại nhà nghỉ mát của ông Ngô Đình Cẩn ở Thuận An; lăng vua Thiệu Trị bị lấy cùng 41 tua đèn bằng thuỷ tinh, 1 cây đèn Tô đăng, 4 cây đèn lục giác bằng pha lê;  lăng vua Tự Đức bị lấy đi 6 đĩa thuỷ tinh ở cây đèn bảo cái (thay vào 6 đĩa bằng chai); lăng vua Gia Long bị lấy 1 ghế quỳ bằng đá Thanh chạm rồng; ở Thế Miếu bị nhóm người có vũ trang khí giới lấy đi 1 khay ngà 4 góc bịt vàng, 1 hộp trầu bằng sừng hình chữ nhật có ngăn bằng vàng và ống vôi bạc, 1 ống đũa bạc có 2 đôi đũa mun bịt vàng ở đầu, 1 bộ thay ấm bằng bạc, 1 hộp trầu bằng bạc hình chữ nhật bên trong có ngăn, 1 khay trà bằng ngà 4 góc bịt vàng có 2 chén tống bằng sành để trên dĩa bạc, 2 đôi đũa, một đôi bằng kim giao bịt vàng cả hai đầu đũa và một đôi đũa ngà bịt vàng một đầu đũa… (Bảng kê khai tạm những thần ngự tự khí, những bảo vật và vật dụng các lăng, miếu, điện Đại Nội đã do Ngô Đình Cẩn và tay sai chiếm đoạt hoặc do các cơ quan chính quyền lấy do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc lập ngày 17 tháng 5 năm 1964).  Đây chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều cổ vật quý giá được bày biện ở các lăng tẩm triều Nguyễn để phục vụ việc thờ cúng nhưng đã bị thất thoát sau khi chấm dứt thời kỳ quân chủ vào năm 1945. 

[2] Tế tửu: chức quan tương đương với Giám hiệu của trường Quốc Tử Giám thời Nguyễn (ngôi trường ở vị trí ngay phía trước điện Long An). Nguyên xưa, khu vực nhà “Tế tửu” là nơi ở của quan Tế tửu, nhưng có lẽ ngôi nhà ấy đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng nên được thay thế bằng ngôi nhà rường vào khoảng thập niên 1950, theo thông tin cá nhân từ ông Nguyễn Hữu Nghị, thư ký Viện Văn hoá Trung Việt (kết quả phỏng vấn cô Nguyễn Thị Thuý Vi – con gái ông Nghị, ngày 23/4/2023).

TS. Huỳnh Thị Anh Vân
Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế