24/08/2023 3:00:17 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
100 NĂM MUSÉE KHAI DINH - BẢO TÀNG CỔ VẬT CUNG ĐÌNH HUẾ (24/8/1923 - 24/8/2023)
Sáng 24/8/2023, tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm (24/8/1923 - 24/8/2023) ngày thành lập Musée Khai Dinh - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu nhân kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu nhân kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định

Tham dự Chương trình kỷ niệm có sự hiện diện của các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố, nguyên là lãnh đạo Đảng và nhà nước qua các thời kì: ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng sự có mặt của đại diện lãnh đạo các sở ban ngành trong tỉnh, thành uỷ, UBND tp Huế. Sự kiện còn hân hạnh được tiếp đón ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá; ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc giaBà Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam; ông Philippe LeFailler, Trưởng Đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam; đại diện các hiệp hội, các nhà nghiên cứu, các bảo tàng trong tỉnh; các nhà sưu tầm cổ vật, các đối tác, khách mời của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Về phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có sự hiện diện của Ông Hoàng Việt Trung, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Trung tâm cùng quý vị lãnh đạo trung tâm qua các thời kì, bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cùng các ông/bà nguyên là giám đốc bảo tàng qua các thời kì; các đồng chí trong Ban Giám đốc Trung tâm; trưởng, phó các phòng ban đơn vị cùng viên chức và người lao động của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Musée Khai Dinh được thành lập năm 1923 theo Thượng dụ ngày 17/8/1923 của Hoàng đế Khải Định và Nghị định số 1201 của Khâm sứ Trung Kỳ P. Pasquier ký ngày 24/8/1923 với nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam, dùng điện Long An làm trụ sở. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Musée Khai Dinh đã nhiều lần được đổi tên, cụ thể là Musée Khai Dinh như: Tàng Cổ Viện, Viện Bảo tàng Huế, Bảo tàng Cổ vật Huế; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, và từ năm 2007 đến nay bảo tàng có tên gọi là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang trưng bày và bảo quản hơn 11.000 hiện vật, phần lớn có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn như: bộ sưu tập đồ sứ, đồ pháp lam, trang phục cung đình, ấn triện, nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Trong đó có 08 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Ngoài ra, bảo tàng đang lưu giữ một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc Chămpa được Hội Đô thành Hiếu cổ sưu tầm và đưa về cất giữ tại Tân Thơ Viện những thập niên đầu thế kỷ XX.

Trong sự kiện hôm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các tổ chức, cá nhân đã vinh dự nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch về công tác xây dựng và phát triển đơn vị giai đoạn 2018 – 2023, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế, và đảm bảo an ninh văn hoá. Trong bài phát biểu chào mừng, Giám đốc Hoàng Việt Trung nhấn mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng nhân lực ngành bảo tàng rằng: “Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là bảo tàng hạng II. Trong tương lai, sau khi xây dựng bảo tàng mới và hội đủ các điều kiện quy định của Luật di sản văn hóa, bảo tàng cần tính toán việc tiến hành các thủ tục để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là Bảo tàng hạng I. Vì vậy, Bảo tàng cần tăng cường công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ bảo tàng, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trưng bày triển lãm và bảo quản hiện vật; cần làm tốt công tác kiểm kê, thực hành bảo quản, xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật và các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng.”

Chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Musée Khai Dinh bao gồm nhiều hoạt động, trong đó hoạt động triển lãm-trưng bày tại Điện Long An-trụ sở chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chiều cùng ngày là một điểm nhấn nhằm tôn vinh công gầy dựng của tiền nhân và giá trị của sự nghiệp bảo tồn.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế