05/01/2018 12:00:00 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong: Công trình nghiên cứu đầy sai lệch về chùa Thiền Lâm (Phần 2)
Phần 2: (tiếp theo)

1.2. NNC NĐX hiểu sai về khái niệm “viện” 院và “tự” 寺.

NNC NĐX đã hiểu sai dẫn đến phân định sai về “viện” 院 và “tự” 寺. Trong các lập luận của mình, ông luôn khẳng định rằng “tự” 寺 phải có quy mô nhỏ hơn “viện” 院, tức viện院hay Thiền viện禪院phải có cơ ngơi to lớn hơn tự寺. Từ đó, ông suy luận Khắc Huyền lão tổ không thể là người khai sơn Thiền Lâm viện được, và tiếp đó, chính ông NĐX cũng phủ nhận luôn tên tuổi của Hòa thượng Khắc Huyền, vị tổ khai sơn viện Thiền Lâm.

Ông viết: “Bia tháp lâu nay tưởng là của Hòa thượng Khắc Huyền, theo tôi là bia tháp của một vị Hòa thượng nào đó viên tịch vào năm 1706, bia bị mài nhẵn và khắc lại tên “Hòa thượng Khắc Huyền”. Cho đến nay, ngoài mỹ danh Khắc Huyền khắc trên tấm bia bị mài nhẵn đó và bài vị thờ ở chùa Thiền Lâm, không có bất cứ một tài liệu nào khác viết về ngài Khắc Huyền… Năm chùa Thiền Lâm phát triển thành Thiền Lâm viện (1695), Hòa thượng Khắc Huyền đi đâu?… Vì thế, tôi không tin tháp mộ lâu nay tưởng là của Hòa thượng Khắc Huyền là của Ngài Hòa thượng thật nào đó[1]

Sự suy luận mang tính phủ nhận vị tổ khai sơn chùa Thiền Lâm (thuở đầu là Thiền Lâm viện) cũng chính là luận cứ trọng yếu để NNC NĐX triển khai các nhận xét tiếp theo, nhằm hướng ngôi chùa này thành một địa điểm quan trọng trong mối tương quan với nơi chôn cất của Hoàng đế Quang Trung. Đồng thời, chính đó là cơ sở để ông gán tội phá hoại mồ mả cho triều Nguyễn. Ông viết:

“…Thế nhưng khi viết tiểu sử Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán, Đại Nam liệt truyện tiền biên của triều Nguyễn chỉ viết truyện Hòa thượng ở chùa Thiên Mụ mà không hề nhắc đến một chữ Thiền Lâm trong tiểu truyện của Hòa thượng Thạch Liêm. Tức là các sử thần triều Nguyễn GIẤU chuyện Hòa thượng Thạch Liêm liên quan đến chùa Thiền Lâm. Viết lịch sử chùa Thiền Lâm, ĐNNTC (thời Tự Đức cũng như thời Duy Tân) chỉ viết lấp lửng “Tương truyền Hòa–thượng Thạch Liêm lập lên”, tương truyền có nghĩa là chưa chắc. Phải chăng các sử thần viết Liệt truyện thiếu tài liệu về Thạch Liêm? Không. Chính trong Liệt truyện viết về Thạch Liêm các sử thần có cho biết: “Liêm trước tác có tập Ly Lục đường thi và tập Hải ngoại kỷ sự lưu hành ở đời. Biết có Hải ngoại kỷ sự mà không biết Thạch Liêm là người khai sơn Thiền Lâm viện. Các ngài cho khắc lại tấm bia một ngôi tháp cũ rằng Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn Thiền Lâm viện là bịt kín thông tin luôn cho đến ngày nay. Thiên hạ yên chí, không ai nghĩ gì đến mối liên hệ giữa chùa Thiền Lâm và Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán nữa. Vì sao muốn giấu mối quan hệ đó, vì Hòa thượng Thạch Liêm hay vì chùa Thiền Lâm ở gần cung điện Đan Dương có lăng Đan Dương của vua Quang Trung đã bị quật phá, chôn sâu dưới đất mà tôi đã dẫn ở phần đầu cuốn sách này. Lịch sử chùa/viện Thiền lâm bị triều Nguyễn LÀM NHIỄU THÔNG TIN bằng các biện pháp:

Chùa không có người khai sơn, GÁN CHO MỘT NGƯỜI LÀ HÒA THƯỢNG KHẮC HUYỀN KHAI SƠN.

- Đã cho Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn, nhưng không viết là chùa mà cho là viện, làm lẫn giữa chùa và viện.

- Chùa Thiền Lâm đã được Thạch Liêm nâng lên thành viện thực hiện hàng  chục Phật sự mang tính lịch sử nhưng giấu kín khi viết tiểu sử Thạch Liêm trong Liệt truyện.

Khi viết Đại Nam nhất thống chí, không thể không viết lịch sử chùa/viện Thiền Lâm và cũng không thể không nhắc đến người tạo lập nên chùa nên phải nhắc đến Thạch Liêm một cách không chắc chắn “tương truyền do Hòa thượng Thạch Liêm dựng nên (chùa chứ không phải viện)

Những bia biển có liên quan đến chùa Thiền Lâm tại nơi tọa lạc của chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An xã Dương Xuân đều bị mài đục, xóa hết chữ, chôn sâu xuống đất.

ĐNNTC soạn thời Tự Đức viết lịch sử chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An xã Dương Xuân nhưng không khắc in, đến thời Thành Thái, Duy Tân dùng bản thảo thời Tự Đức chuyển địa điểm tọa lạc của chùa Thiền Lâm từ ấp Bình An xã Dương Xuân qua (một nơi vu vơ) xã An Cựu.

Như vậy, toàn bộ thông tin về chùa Thiền Lâm và nơi chùa tọa lạc ĐỀU BỊ NHIỄU, không ai biết lịch sử đích thực và nơi tọa lạc của ngôi chùa lịch sử ấy[2]

Với nhận định này, chúng tôi cho rằng cần thiết phải tập trung giải quyết một cách cụ thể về vấn đề tự 寺 - viện院, để một mặt nhằm cung cấp thêm thông tin cho những người quan tâm tìm hiểu, mặt khác cũng để phản luận lại tất cả những lời lẽ cố ý xuyên tạc, gán ghép tội trạng cho triều Nguyễn, xúc phạm đến Phật giáo Huế, đến vị tổ sư Khắc Huyền – vị Khai sơn Thiền Lâm viện...

Trước hết, cần khẳng định “tự viện” 寺院 (tiếng quan thoại: sìyuàn, tiếng Anh: Buddhist temple, monastery) trong Phật học là danh từ chung chỉ chùa chiền và tất cả những gì liên quan đến chùa chiền Phật giáo (từ việc tu học, hành đạo, thờ phụng, sinh hoạt thường nhật của tăng ni…). Danh từ chung này là sự kết hợp giữa tự寺và viện院. Vậy, tự寺và viện院 trong Phật giáo giống và khác nhau thế nào?

Theo sách Kinh điển thích văn經典釋文của Lục Đức Minh 陆德明đời Đường thì: Tự寺 vốn nghĩa là người hầu (nên cũng viết là thị侍). Thị nhân寺人(người hầu) cũng là yêm nhân奄人 (hoạn quan, thái giám). Sách Thuyết văn giải tự說文解字 thì giải thích “tự” 寺 là “đình” 廷 (cung đình), tức ý chỉ người hầu cận vua trong cung đình thì gọi là “tự” 寺. Từ đó, các quan thự của giới quan lại hầu cận trong cung đều được gắn với tên “tự” 寺, như Đại lý tự大理寺 (cơ quan thẩm phán), Thái thường tự太常寺 (cơ quan lo các lễ nghi trong tông miếu đế vương). Đến đời Tây Hán西漢xuất hiện quy chế “Tam công Cửu khanh”  三公九卿 thì sở quan của Tam công gọi là “phủ” 府 và sở quan của Cửu khanh gọi là “tự” 寺 (nên Tam công Cửu khanh三公九卿 cũng gọi thành Tam phủ cửu tự三府九寺).

Tương truyền, đến đời Hán Minh Đế漢明帝 (trị vì: 57-75), tăng nhân nước Thiên Trúc cưỡi lạc đà đi về hướng đông, ban đầu được bố trí trú ngụ tại Hồng Lô tự鴻臚寺ở Lạc Dương洛陽. Sau này, Hồng Lô tự được dựng mới, lấy tên Bạch Mã tự白馬寺, đây là ngôi Phật tự佛寺 (chùa Phật) đầu tiên hiện diện ở Trung Quốc, đương thời trực thuộc triều đình cai quản. Từ đó, “tự” 寺 mới trở thành nơi ở và sinh hoạt của các vị sư tăng.

Theo tiếng Phạn, “tự” 寺được gọi là Samghārāma (Tăng Già Lam Ma僧伽蓝摩), hay gọi tắt là Samghā (Già Lam伽蓝), ý chỉ nơi khu vườn rừng, nơi tăng chúng quy tụ, trú ngụ để tu tập (僧眾所住的園林 tăng chúng sở trú đích viên lâm). Như vậy, “tự” 寺 được định danh là Phật tự 佛寺 (chùa Phật) phải từ triều Minh Đế nhà Đông Hán (năm 57 – 75) trở đi.

Viện 院: đây là chữ tượng hình, chỉ toàn bộ gò đất, tường thấp bao trùm xung quanh, gồm bộ phụ阝(阜: gò đất) + hoàn完 (trên miên 宀: mái nhà, bao trùm, dưới nguyên 元: nguyên vẹn, trọn vẹn) với hàm nghĩa là mọi thứ được bao bọc trọn vẹn. Sách Ngọc thiên 玉篇 giải thích : “viện, chu viên dã” 院: 周垣也 (Viện là nơi có tường thấp bao bọc xung quanh). Sách Tăng vận增韻 viết: “hữu viên tường giả viết viện” 有垣牆者曰院 (nơi có tường thấp bao bọc gọi là viện).

Về sau, viện院 dùng để chỉ sở quan (quan giải官廨) - cơ quan hành chính liên quan đến chữ nghĩa, sách vở, trí óc, trí tuệ tính toán bàn luận… như Chính Thư viện正書院, Hàn Lâm viện 翰林院, Đô Sát viện 都察院, Cơ Mật viện 機密院, Đại Lý viện 大里院, Tham Nghị viện 參議院. Viện 院còn được dùng để chỉ nơi tu học của tăng nhân (gọi là tăng viện僧院).

Nhìn chung, theo ý nghĩa liên thông của chữ viện 院, chúng ta thấy có 2 đặc điểm tiêu biểu của khái niệm viện 院này:

- Một là nơi được bao quanh bởi vòng tường thấp,

- Hai là nơi có liên quan đến sách vở, trí tuệ, chữ nghĩa, thuyết pháp...

Trong một ngôi chùa (tự 寺) có thể bao gồm một hoặc một số viện 院. Bởi, tự寺 mang ý nghĩa chung, khái quát và bao trùm nhất về chùa Phật, còn viện院 luôn thiên về chức năng giáo dục, đào tạo tăng tài, hoặc có liên quan đến chữ nghĩa, sách vở tính toán… Tức viện 院 có tính khu biệt, hẹp hơn so với tự 寺, ngược lại tự寺bao quát chung hơn.

Cho nên, tự寺và viện 院 không phân biệt rõ nét bằng quy mô, bằng diện tích mà phân biệt sự khác nhau bằng chức năng tổng quát chung nhất (tự寺) đối với chức năng riêng có tính khu biệt (viện 院), tức nơi chuyên giáo dục đào tạo tăng tài, in ấn kinh sách phổ biến cho người học Phật pháp[3].

Một đặc điểm nữa cũng rất quan trọng ở chỗ: các cơ sở giáo dục xưa không hề có quy chuẩn nào ràng buộc về quy mô, số lượng môn sinh theo học.

Trường lớp ngày xưa rất ít cơ sở do triều đình dựng nên. Do đó, thông thường các học trò (xã hội xưa phổ biến là theo học chữ Nho, chữ thánh hiền để có kiến thức nhằm ứng thí qua các cuộc thi Hương, thi Hội, thi Đình…) tìm đến học tập ở nhà những cụ Đồ Nho có tiếng trong vùng đất mình ở. Vì thế, các cơ sở dạy học xưa phổ biến là cơ sở tư nhân (nhà thầy Đồ) và quy mô, số lượng người học lớn hay nhỏ đều tùy vào trình độ, trí tuệ và đạo đức của thầy dạy.

Đối với Phật giáo, các lớp đào tạo tăng tài thuở xưa cũng tương tự như những lớp học đời thường. Ở Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, vào khoảng thế kỷ XVII, các thiền sư Trung Hoa thuộc hai pháp phái Tào Động và Lâm Tế cũng như một số thiền sư người Việt đã đặt chân đến vùng đất này nhằm mục đích hoằng khai Phật pháp, tạo lập thảo am, thu nhận học trò truyền thừa tông phái. Tại Phú Xuân, khu vực đồi núi xã Dương Xuân, An Cựu, Cư Chánh… thường được các tổ sư chọn lựa để trác tích, dựng am tranh và tiến hành hoằng hóa, giảng đạo.

Các vị thiền sư như Giác Phong lão tổ (khai sơn thảo am Hàm Long Thiên Thọ - sau được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban sắc tứ thành chùa Báo Quốc), tổ Từ Lâm (khai sơn chùa Từ Lâm), tổ Nguyên Thiều (khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà ở Quy Nhơn, và sau đó ra khai sơn chùa Vĩnh Ân – Quốc Ân), tổ Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông – Từ Đàm, tổ Thiện An chùa Tây Thiền… đều là các vị tổ khai sơn chùa chiền, Phật giáo đất Phú Xuân và ban đầu đều lập cơ sở am tranh để thu nhận học trò, truyền dạy giáo lý nhằm hoằng khai tông phái.

Từ đó thấy rằng: việc Tổ sư Khắc Huyền thuộc tông phái Tào Động, xuất xứ từ Phật giáo Trung Hoa qua trác tích ở vùng đất này, là vị tổ sư khai sơn Thiền Lâm việnmột cơ sở học viện (ban đầu có thể chỉ nhỏ gọn, đơn giản) để truyền bá giảng dạy Phật pháp là điều tất yếu, đương nhiên, xét trên tổng thể các dấu ấn của các vị tổ khai sơn chùa Phật toàn xứ đương thời.

Do vậy, không thể vì thấy xuất hiện 3 chữ “Thiền Lâm viện” 禪林院trên bia tháp tổ Khắc Huyền mà NNC NĐX cho rằng đấy là sự ngụy tạo được. Bởi suy luận đó vừa thể hiện sự chủ quan tư biện, vừa mang hàm ý xúc phạm nặng nề đến sự tôn nghiêm của vị tổ sư ngôi chùa Thiền Lâm này.

Liên quan đến cách hiểu “tự” và “viện” không thể so sánh bằng quy mô, diện tích lớn nhỏ, mà thể hiện ở sự khác nhau về chức năng, loại hình, chúng tôi xin đưa ra một dẫn chứng tiêu biểu của Phật giáo xứ Nam Hà dưới đây:

Những ai tìm hiểu về Phật giáo Đàng Trong đều không xa lạ với tên tuổi của thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715). Sư thọ giáo với hai vị tổ Lục Hồ Viên Cảnh và Đại Thâm Viên Khoan (thuộc thiền phái Lâm Tế Trung Hoa, qua hoằng pháp ở Đàng Trong trong khoảng nửa đầu thế kỷ XVII). Danh tiếng của Thiền sư Minh Châu Hương Hải vang xa đến mức Chúa Hiền – Nguyễn Phúc Tần (ở ngôi: 1648-1687) sai người mời ngài từ đảo Tim Bút La (còn gọi là Chiêm Bất Lao/Tiên Bích La, tức Cù Lao Chàm) ra Phú Xuân, lập Thiền Tịnh viện ở trên núi Quy Kính (hay còn gọi là Quy Sơn, dân gian gọi là Núi Rùa, sau này vua Minh Mạng đổi tên là núi Linh Thái) để giảng dạy giáo lý Phật pháp, tổ chức giới đàn quy y cho Vương thất nhà Chúa, quan quân và dân chúng toàn vùng. Sự kiện này được các sách Hương Hải thiền sư ngữ lụcKiến văn tiểu lục ghi chép khá cụ thể.

Sách Kiến văn tiểu lục, quyển 9: Thiền Dật của Lê Quý Đôn viết: “… Phúc Tần liền sai người đi đón, khi nhà sư đã đến, Phúc Tần rước vào yên ủy thăm hỏi, lập viện Thiền Tĩnh [Tịnh] ở núi Quy Kính cho nhà sư ở. Quốc thái phu nhân cùng 3 công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều quy y thụ giáo, quan dân binh lính ai cũng kính tin xin quy y thụ giáo hơn 1.300 người[4].

Sách Hương Hải thiền sư ngữ lục kể cụ thể hơn một chút như sau: “Bấy giờ Dũng quốc công [Nguyễn Phúc Tần] xuống chỉ phán Hoa Lễ hầu mau thỉnh nhà sư [Hương Hải] lên tới kinh đô giúp nước. Một hôm, tổ sư vâng chỉ đến triều, vào phủ môn. Chúa Hiền phán hỏi: “sơn tăng khổ hạnh, có sức tu hành, đến chỗ nhà người bệnh lành tật giảm”. Dũng quốc công tức thì sai quan đón ra lập chùa trên núi Qui Kỉnh [Kính/Cảnh] gọi là Thiền Tịnh viện, để sư tại đó tụng kinh cầu chúc cho nhà vua, hộ trì mạch nước, giáo hóa thịnh hành. Có Quốc thái phu nhân quy y thọ giáo. Có ba công tử một tên Phước Mỹ, hai tên Hiệp Đức, ba tên Phước Tổ [Phúc Tộ] ở nhà học đạo thờ Phật thanh tịnh. Từ đó bách quan đều đến quy y học đạo. Đồ chúng càng nhiều gồm được 79 quan, phó quan cả 100 người hơn, lính trong lính ngoài quy y hơn 1200 người…”[5]

Thời điểm lập Thiền Tịnh viện này là trước năm Nhâm Tuất (1682), bởi do sau khi bị chúa Hiền nghi ngờ và đưa về lại Quảng Nam, Thiền sư Hương Hải đã phải bí mật dong thuyền ra Đàng Ngoài “Lúc ấy là tháng 3 năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1682). Vương thượng [Định Nam vương Trịnh Căn (1633-1709)] sai Đường quận công đem thuyền đi đón…[6].

Thiền Tịnh viện 禪淨院, như đã dẫn ở trên, là một Thiền viện đầu tiên của xứ Đàng Trong, được Chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần cho lập nên để làm nơi Hương Hải thiền sư tổ chức giảng dạy, truyền thừa và in ấn kinh sách Phật giáo. Tên gọi Thiền Tịnh viện – một Thiền viện, học viện với chức năng truyền dạy Phật pháp, truyền thừa tông phái và in ấn kinh sách vẫn tiếp tục được Hương Hải thiền sư sử dụng khi ra Đàng Ngoài, trú ngụ tại phố Hiến (Hưng Yên). Hương Hải thiền sư ngữ lục cho biết sau khi trở về với quan trấn thủ tại Dinh Hiến (Phố Hiến), thiền sư đã được ưu ái cho lập Thiền Tịnh viện: “Từ khi trở về với quan trấn thủ dinh Hiến, bèn được bao đo đất thổ trạch, và ban cho được hơn 3 mẫu để dựng lập am đường 5 gian 2 chái, để thờ Phật tụng kinh gia trì đảnh lễ, tọa thiền nhập định. Hơn 18 năm tổ sư đã thực hành đàn Chuẩn Đề hôm sớm không ngớt, mỗi ngày 3 thời. Lại chú giải các kinh bằng phương ngôn quốc ngữ[7]

Như vậy, “viện” 院 là nơi có chức năng chủ đạo thiên về truyền bá, giảng dạy giáo lý, in ấn sách vở. Thiền Tịnh viện của Thiền sư Minh Châu Hương Hải từ núi Quy Kính (Thuận Hóa) đến Phố Hiến (Hưng Yên) chính là cứ liệu cụ thể nhất để khẳng định điều đó. Đồng thời, qua đây, chúng ta thấy rằng Thiền Tịnh viện trên núi Quy Kính là thiền viện đầu tiên của Đàng Trong (xuất hiện trước năm 1682).

Do đó, sách Thiền Lâm ngôi chùa lịch sử, thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong đã sai ngay ở tiêu đề sách, chứng tỏ NNC NĐX không nắm rõ về các tri thức cơ bản, những hiểu biết liên quan trực tiếp, cụ thể đến công trình mình, cũng như chẳng hiểu gì về lịch sử Phật giáo Huế.

Thiền Tịnh viện trên Quy sơn do Hiền vương Nguyễn Phúc Tần cho dựng lập là một “học viện”, dùng để truyền bá giáo pháp và “tụng kinh cầu chúc cho nhà vua, hộ trì mạch nước, giáo hóa thịnh hành[8]. Bởi vậy, Thiền Tịnh viện phải nằm trong khuôn viên Chùa Vinh Hòa (còn gọi là chùa Trấn Hải) – ngôi chùa do chúa Hiền sai Thủ bạ Trần Đình Ân làm hội chủ chủ trì xây nên vào năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Trị thứ 4 (1666) ở ngọn núi Rùa này[9]. Điều đó cũng góp phần chứng tỏ nhận thức việnphải lớn hơn “tự – một nhận thức chủ đạo, cốt yếu để NNC NĐX tiếp tục những suy luận của mình trong công trình này - là nhận thức sai lầm, thiếu khách quan và không chính xác.

Bằng việc giải quyết cụ thể về “viện” 院 và “tự” 寺, cùng tư liệu thực tế hiện tồn (như đã đề cập), chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng: “viện” 院 và “tự” 寺 chỉ khác nhau về chức năng vận hành (một bên là “tự” 寺 chỉ những gì thuộc về ngôi chùa nói chung, có tính tổng quát và một bên là “viện” 院 có tính cụ thể, với nét đặc trưng là nơi tổ chức giảng dạy, truyền bá giáo lý, đào tạo tăng tài và in ấn kinh Phật để phổ biến) chứ không hề thể hiện sự đối trọng về quy mô lớn nhỏ.

Tóm lại, NNC NĐX bằng các suy đoán và lập luận chủ quan của mình, cộng thêm việc thiếu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng, cùng với những hạn chế trong việc tiếp cận văn bản, tư liệu gốc nên càng dẫn đến những sai sót liên tiếp nối liền nhau. Chung quy, để đạt được mục đích chính là khẳng định dấu vết lăng mộ vua Quang Trung tại đồi Bình An (khu vực chùa Thiền Lâm, Vạn Phước, Kim Tiên …), NNC NĐX gần như đã bất chấp tất cả mọi chứng lý khoa học, đồng thời tự suy diễn, thêu dệt ra những chuyện không có thật, xúc phạm và phủ nhận sự tồn tại của Thiền sư Khắc Huyền, vị tổ khai sơn Thiền Lâm viện (sau này là Thiền Lâm tự), người đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của chùa Thiền Lâm hiện nay. Đó cũng chính là sự xúc phạm khá nặng nề đến lịch sử Phật giáo Huế, đến sự kính cẩn tôn nghiêm của Tam Bảo (mặc dù ông luôn tự nhận mình là Phật tử thuần thành).

Từ việc phủ nhận tổ sư Khắc Huyền, ông tiếp tục gán tội tày đình cho triều Nguyễn, rằng: “các sử thần triều Nguyễn GIẤU chuyện Hòa thượng Thạch Liêm liên quan đến chùa Thiền Lâm”. Hoặc là “Các ngài cho khắc lại tấm bia một ngôi tháp cũ rằng Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn Thiền Lâm viện là bịt kín thông tin luôn cho đến ngày nay”; rằng: “Lịch sử chùa/viện Thiền lâm bị triều Nguyễn làm nhiễu thông tin. Chùa không có người khai sơn, gán cho một người là Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn. Đã cho Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn, nhưng không viết là chùa mà cho là viện, làm lẫn giữa chùaviện. Chùa Thiền Lâm đã được Thạch Liêm nâng lên thành viện thực hiện hàng  chục Phật sự mang tính lịch sử nhưng giấu kín khi viết tiểu sử Thạch Liêm trong Liệt truyện; Khi viết Đại Nam nhất thống chí, không thể không viết lịch sử chùa/viện Thiền Lâm và cũng không thể không nhắc đến người tạo lập nên chùa nên phải nhắc đến Thạch Liêm một cách không chắc chắn “tương truyền do Hòa thượng Thạch Liêm dựng nên (chùa chứ không phải viện); Những bia biển có liên quan đến chùa Thiền Lâm tại nơi tọa lạc của chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An xã Dương Xuân đều bị mài đục, xóa hết chữ, chôn sâu xuống đất[10].

Tất cả những nhận định chủ quan, võ đoán và cố tình gán ghép tội trạng cho triều Nguyễn này chứng tỏ NNC NĐX khi thực hiện công trình nghiên cứu này (cũng như các công trình liên quan) chỉ tập trung “uốn nắn” tất cả các dữ liệu, các sự kiện lịch sử đã có theo hướng có lợi nhất cho cái gọi là “cung điện Đan Dương” ông tự nghĩ ra[11], mà bỏ qua tất cả các văn bản gốc, tư liệu thực tế, lẫn tinh thần khách quan và tư cách của một người làm khoa học, nhất là khoa học lịch sử..

Ông luôn tự mâu thuẫn với chính mình khi nói triều Nguyễn “xóa sổ”, “giấu kín” những gì liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung và triều Tây Sơn trên thực địa ở vùng đất này, nhưng ông vẫn tìm thấy tư liệu chính sử triều Nguyễn viết khá nhiều về gò Dương Xuân, về ấp Bình An, về chùa Thiền Lâm, về sự trùng tu của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu…

Nhưng có lẽ chính những ghi chép này của chính sử triều Nguyễn tỏ ra không có lợi cho lập luận của mình, nên NNC NĐX lại tiếp tục gán thêm tội cho triều Nguyễn khi bảo họ cố tình đập phá, chôn sâu dấu vết, mài nhẵn và khắc lại văn bia để đánh lạc hướng dư luận, hòng che đậy dấu tích lăng mộ vua Quang Trung…

Với những điều chúng tôi đề cập, có thể thấy rằng tác giả công trình sách Thiền Lâm đã xúc phạm không chỉ triều Nguyễn (một vương triều mà bản thân tác giả đã có rất nhiều cuốn sách “tâm huyết”) mà với cả Phật giáo Huế và với cả vị tổ Khắc Huyền khai sơn chùa Thiền Lâm.

Một điều khó để tư biện, khi tác giả luôn tự nhận và tự hào rằng bản thân mình là Phật tử thuần thành, luôn đấu tranh và cống hiến cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, nhưng lại ca ngợi sự chiếm dụng làm dinh thự của Bùi Đắc Tuyên – Thái phó triều Tây Sơn đối với ngôi chùa Thiền Lâm. Để rồi, một khi đã bị chiếm dụng, mọi sinh hoạt đời thường, những hành động bản ngã con người đều diễn ra trong không gian vốn để thờ tự ấy, và rồi, cả một cung đình triều Quang Trung – Quang Toản đều sinh hoạt không ngoài không gian này (chương IV: Chùa Thiền Lâm – cung đình triều Quang Trung – Quang Toản), biến nơi đất Phật thanh tịnh tôn nghiêm thành chốn thị phi, ồn ào náo nhiệt và thậm chí chứa đầy thói tục.

Có lẽ, với người Phật từ thuần thành như tác giả công trình nghiên cứu này, việc “đùa bỡn, trêu ngươi và dung tục Tam Bảo” là điều Phải Phép chứ không phải là Không Được Phép – Làm – của người Phật tử, và Phật tử ở đâu cũng vậy, chứ không riêng gì Phật tử ở Huế. 

Có nhiều cách để đạt được mong muốn của mình trong nghiên cứu khoa học, nhưng bằng cách bẻ cong tư liệu, cắt câu uốn nghĩa của người xưa một cách bất chấp đạo lý, thì cách nghiên cứu khoa học ấy cần thiết phải xem lại, để những điều sai lệch lịch sử không để lại hệ lụy cho hậu thế.

(còn tiếp)…


[1] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.49

[2] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.51-52

[3] Trong thực tế, chúng ta thấy ở Việt Nam, đôi lúc có sự nhập nhằng giữa tựviện theo kiểu trong tự có viện, trong viện có tự. Chẳng hạn như chùa Báo Quốc vốn là Báo Quốc tự, nhưng nhiều năm nay vẫn dùng làm cơ sở đào tạo Trung cấp Phật học, nên vừa là Tự, lại vừa là Viện (Học viện); chùa Diệu Đức cũng tương tự như thế (dạng cơ sở học viện đào tạo Ni sinh). Chùa Từ Hiếu trước đây (trước 2005) cũng thuộc dạng đó. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ngôi chùa mới được xây dựng lại sau này như Trúc Lâm thiền viện (ở núi Bạch Mã) không thực sự là viện đào tạo tăng tài, in ấn kinh sách phổ biến cho học giới, thì các ngôi học viện, thiền viện còn lại vẫn thể hiện rõ nét chức năng học thuật, đào tạo và in ấn, phổ biến kinh sách (như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế trước đây đặt cơ sở tại Chùa Hồng Đức, nay đã tách khỏi và xây dựng thành 1 cơ sở mới)

[4] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục (Phạm Trọng Điềm phiên dịch và chú thích), Nxb Văn hóa Thông tin, HN, tr.474.

[5] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.105-106.

[6] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, sđd, tr.475.

[7] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.108

[8] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, sđd, tr.105

[9] Về sự thành lập chùa Vinh Hòa, xin xem thêm ở Nam triều công nghiệp diễn chí.

[10] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.51-52

[11] Chúng tôi đã từng công bố bài viết phản luận trong tham luận “Bàn về tên gọi ‘Đan lăng’, ‘Đan dương’, ‘Đan Dương lăng’” ở Hội thảo Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tổ chức vào ngày 30 tháng 10 năm 2015 tại Hội trường UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó, chỉnh sửa và đăng tải (bài viết cùng tên) trên Tạp chí Sông Hương, số 321 (tháng 11 năm 2015); trong đó bằng việc đối chiếu, xử lý văn bản các tư liệu thơ văn liên quan, chúng tôi đã chứng minh rất rõ rằng không hề có tên gọi một cung điện/lăng nào tên là “cung điện/lăng Đan Dương”, mà mỹ danh “Đan Dương cung điện/ Đan Dương lăng/Đan lăng” là danh từ chung, dùng để chỉ “sơn lăng” (lăng của Hoàng đế)  một cách trang trọng, mỹ miều. Chúng tôi sẽ còn trở lại vấn đề này cụ thể hơn trong các bài viết tiếp theo. 

 

 

Tài liệu tham khảo chính:

1/ Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục (Phạm Trọng Điềm phiên dịch và chú thích), Nxb Văn hóa Thông tin, HN

2/ L.Cadière (1928), “Tombeaux Annamites dans les environs de Hué” (Lăng mộ của người An Nam trong phụ cận Huế)”, Bullentin des Amis du Vieux Hué (BAVH) No.1, Janv-  Mars.

3/ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản Hán văn) Q.1, ký hiệu: R.779, Thư viện Quốc gia Việt Nam lưu trữ, link: http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/168/

4/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí tập 1 (bản dịch Viện Sử học, tái bản lần thứ hai), Nxb Thuận Hóa, Huế

5/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 2 (bản dịch Viện Sử học), Nxb Giáo Dục, HN

6/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 7 (bản dịch viện Sử học), Nxb. Giáo Dục, HN

7/ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên (bản Hán văn) Q.10-12, ký hiệu: R.777, Thư viện Quốc giá Việt Nam lưu trữ, link: http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/182/

8/. Thích Đại Sán釋大汕, Hải ngoại kỷ sự 海外紀事 , 北京大學圖書館 (link: https://archive.org/details/02087136.cnhttps://archive.org/details/02087137.cn  ).

9/ Sơn bi (thác bản), ký hiệu: N020966, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ

10/ Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự- sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, viện Đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch và xuất bản

11/ Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh

12/ Nguyễn Đắc Xuân (2014), Bắc cung  Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế

13/ Nguyễn Đắc Xuân (2007), Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb. Thuận Hóa, Huế

14/ Nguyễn Đắc Xuân (2015), Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung(tái bản lần thứ 1), Nxb Thuận Hóa, Huế

15/ Nguyễn Đắc Xuân (2017), Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của cung điện Đan Dương, Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, TP HCM

16/ Nguyễn Đắc Xuân (2017), Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong, Nxb Thuận Hóa, Huế

17/ http://anphat.org/dictionary/detail/tu-dien-phat-quang/2/all/47156/noi-vien/193

18/ Tư liệu địa điền bạ và bản đồ ấp Bình An (niên hiệu Thành Thái thứ 19 [1907]), Tư liệu do ông Võ Văn Sơn ở ấp Bình An lưu trữ.

 

01/2018            

TS. Võ Vinh Quang