22/11/2019 11:43:19 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Ký kết chương trình hợp tác giáo dục Di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đưa giáo dục di sản vào trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ "Chương trình hợp tác giáo dục Di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế".

Thời gian: 09 giờ 00, ngày 23 tháng 11 năm 2019

Địa điểm: Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm, chùa quán, cầu cống... Di sản văn hóa Huế là những kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động trải qua bao thế hệ hun đúc tạo thành, của những tài năng xuất chúng, những người thợ thủ công khéo tay nhất nước thời bấy giờ. Từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn và là kinh đô của vương triều Nguyễn nên đã thừa hưởng được nhiều loại hình di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Đến nay, Cố đô Huế đã có 5 di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Huế được xem là một trong những thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Huế còn quyến rũ du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên hữu tình thi vị, con người chân chất hiền hòa và là vùng đất hiếu học. Hiện nay, Văn Miếu Huế còn lưu giữ 32 bia tiến sĩ của đất Thừa Thiên Huế thời bấy giờ, về sau mãnh đất này cũng đã nuôi dưỡng, đào tạo nhiều người đỗ đạt thành tài như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại những ngôi trường nổi tiếng như Quốc Học, Đồng Khánh - Hai Bà Trưng,... cho nên có thể khẳng định rằng Huế là nơi đã và đang xứng đáng với tên gọi “Đất học”.

Cùng với mục đích, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc phối hợp đưa giáo dục Di sản vào trường học nhằm giáo dục học sinh hiểu rõ lịch sử địa phương mình, giúp học sinh thêm yêu di sản văn hóa của dân tộc, góp phần thấm nhuần tình yêu quê hương, đất nước. Và tầm quan trọng của việc đưa Giáo dục di sản vào trường học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa. Hai đơn vị, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế tiến hành lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giáo dục Di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung cơ bản sau:

* Nội dung hợp tác:

Chương trình “Giáo dục Di sản văn hóa Huế” giúp các em học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu về di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm góp phần hoàn thiện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, tìm hiểu và tạo sự hứng thú, yêu thích và trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

1. Biên soạn các loại hình tài liệu giới thiệu về Di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh:

- Xây dựng biên soạn các loại hình tài liệu phù hợp phục vụ công tác giáo dục Di sản văn hóa Huế trong học đường cho học sinh các cấp.

- Xây dựng bộ sách ảnh về giáo dục Di sản văn hóa Huế cho học sinh.

2. Xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu Di sản văn hóa Huế:

Xây dựng các chuyên đề học tập lịch sử phù hợp với nhiều cấp học và lứa tuổi. Tổ chức các chương trình tìm hiểu di sản dành cho học sinh các cấp thông qua các trải nghiệm thực tế như tham quan, học lịch sử qua các chuyên đề; Tổ chức giao lưu, nghe các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế nói về di sản, kể chuyện về đời sống, sinh hoạt các vua triều Nguyễn…; Tham gia các hoạt động tương tác truyền thống tại khu Di sản văn hóa Huế.

Các chuyên đề hướng đến khám phá, tìm hiểu về các yếu tố đặc thù cấu thành Di sản văn hóa Huế, đó là: các chuyên đề về quá trình hình thành các Di sản văn hóa Huế, Di sản văn hóa vật thể, chuyên đề về Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản tư liệu và chuyên đề về cảnh quan môi trường khu di sản.

3. Xây dựng các chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản cho học sinh các cấp:

a. Tìm hiểu, khám phá, tương tác với Di sản văn hóa vật thể

Tổ chức tham quan học tập, tìm hiểu, khám phá Quần thể Di tích Cố đô Huế qua các công trình kiến trúc:

- Khu triều chính, trung tâm hành chính và sinh hoạt của các vị vua triều Nguyễn.

- Khu làm việc của các cơ quan triều Nguyễn.

- Khu lăng tẩm, nơi an nghỉ của các vị vua, chúa triều Nguyễn.

- Đền đài, miếu mạo, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh thời Nguyễn.

b. Tìm hiểu, khám phá, tương tác với Di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam)

- Tổ chức xem biểu diễn.

- Tương tác với các nhạc cụ truyền thống.

- Nghe các nghệ nhân diễn thuyết, giới thiệu về Nhã nhạc.

- Giảng dạy, truyền nghề.

c. Tìm hiểu, khám phá, tương tác Di sản tư liệu (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế)

- Tổ chức xem hình ảnh, phim tư liệu.

- Tổ chức các trò chơi gắn liền với loại hình di sản này: trò chơi Thả thơ, Đầu hồ, Đỗ Xăm hường,…

d. Tìm hiểu, khám phá các yếu tố cảnh quan môi trường đặc thù của Di sản văn hóa Huế

- Tổ chức tham quan, khám phá vườn Thượng uyển.

- Tìm hiểu, khám phá các yếu tố cảnh quan, môi trường đặc thù của khu Di sản: hệ thống cây xanh, các loài hoa, cây cảnh, động thực vật thủy sinh… đặc biệt riêng có chốn cung đình.

- Thị phạm chăm sóc cảnh quan môi trường các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.

4. Tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu Di sản văn hóa Huế:

- Thi tìm hiểu, khám phá Di sản văn hóa vật thể.

- Thi tìm hiểu, khám phá Di sản văn hóa phi vật thể.

- Thi tìm hiểu, khám phá Di sản tư liệu.

- Thi tìm hiểu, khám phá vườn Thượng uyển.

Với nội dung hợp tác trên, hai đơn vị cam kết quyết tâm thực hiện thành công Biên bản ghi nhớ, đưa nội dung giáo dục Di sản văn hóa Huế vào trường học một cách hiệu quả, thiết thực./.

* Thông tin thêm xin vui lòng liên hệ:

Trung tâm BTDT Cố đô Huế Sở GD và ĐT Thừa Thiên Huế
Ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Ông Thân Nguyên Khánh, Chánh Văn phòng
DĐ: 0905 655 699 DĐ: 0989 156 717
ĐT: 0234. 3523237 – Fax: 0234. 3526083 ĐT: 0234. 3821072 - Fax: 0234. 3820942
Email: lcson.ttbtdtcdhue@thuathienhue.gov.vn Email: tnkhanh.sgddt@thuathienhue.gov.vn
Website: http://hueworldheritage.org.vn Website: https://thuathienhue.edu.vn
 
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế