Tôn tạo, phục dựng và giới thiệu các ngành nghề thủ công truyền thống từng có dưới thời nhà Nguyễn, các nghề truyền thống Huế, trong không gian phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế
Dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide) là ứng dụng công nghệ điện tử hỗ trợ tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách lẻ quốc tế và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm.
Những hình ảnh của kinh thành thời Nguyễn được hiện ra đầy đủ, rõ nét sinh động cùng với những hoạt động, nghi thức hàng ngày trong hoàng cung hàng trăm năm trước.
Bên trong Hoàng cung Huế có tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho du khách tham quan dưới trang phục thái thượng hoàng, vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và cung phi.
Để tạo điều kiện cho du khách có cơ hội tham quan khu vực xung quanh Đại Nội và tất cả các điểm du lịch bên trong Đại Nội mà không mất nhiều thời gian.
Du khách có thể liên hệ trực tiếp để đăng ký chương trình tham quan có hướng dẫn đi cùng, du khách có thể liên hệ hướng dẫn ngay tại các điểm di tích.
Có thể nói, triều Nguyễn là thời đại hoàng kim của nghệ thuật tuồng. Thời kỳ này xuất hiện các vở tuồng có qui mô lớn như: Vạn bửu trình tường, Quần phương Hiến thụy… Những tác giả nổi tiếng thời kỳ này có: Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Gia Ngoạn, Nguyễn Văn Diêu… Các vở tuồng khuyết danh như: Tam nữ đồ vương, Sơn hậu… đến nay vẫn được xem là những vở tuồng kinh điển. Đào Duy Từ là người đã có công lớn trong việc xây dựng ngành hát bội ở cung đình chúa Nguyễn và là người sáng tác vở tuồng “Sơn hậu”.
Huế là nơi duy nhất trong cả nước hội tụ đủ hai dòng âm nhạc dân gian và âm nhạc bác học chuyên nghiệp. Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm hình thành và phát triển Ca Huế có thể từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, đây là giai đoạn bình yên và cực thịnh của các chúa Nguyễn. Thế kỷ XIX, ca nhạc Huế thực sự hình thành với số bài bản được rút ra từ trong nhạc lễ cung đình như các bản “Long ngâm, ngũ đối thượng, ngũ đối hạ”, hệ thống các bài bản trong “10 bài ngự”.Và Ca Huế thực sự phát triển cùng với sự tham gia sáng tác, biểu diễn của nhiều vị quan lại, quí tộc của triều đình nhà Nguyễn. Tương truyền, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sáng tác ra bài “Ai giang nam” là tiền thân của bài “Nam ai”. Vua Tự Đức đã dựa vào bài dân ca quan họ “Khí tương phùng” để sáng tác ra bài “Tứ đại cảnh” ... Như vậy, bắt nguồn từ nhạc cung đình, ca Huế đã từng bước hình thành và phát triển hoàn chỉnh, rồi tách ra thành một bộ phận âm nhạc khác - âm nhạc thính phòng.
Sân khấu Tuồng Huế được hình thành và phát triển rực rỡ ở chốn lầu son, gác tía của triều đình nhà Nguyễn. Và dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng sân khấu Ca kịch Huế cũng đã vang bóng một thời trong các phủ đệ của quan lại triều Nguyễn cũng như trong các gia đình danh giá có mang dòng máu hoàng thất. Đây chính là môi trường diễn xướng nguyên thủy của hai loại hình nghệ thuật sân khấu, và những người dân của Huế xưa luôn tự hào về những gì mà hai loại hình nghệ thuật này có.
Hiện nay, nghệ thuật sân khấu Tuồng Huế và Ca kịch Huế được hai nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Ca kịch Huế chịu trách nhiệm bảo tồn phát huy. Tuy vậy, theo các nhà quản lý nghệ thuật, thị hiếu của khán giả hiện nay đã không còn mặn mà với sân khấu truyền thống, mà vấn đề đầu tiên là do hai loại hình nghệ thuật này đã mất không gian diễn xướng nguyên thủy nên không còn giữ được diện mạo như xưa. Ngoài ra, do các tư liệu lịch sử không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về hai loại hình này còn quá ít ỏi... Thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị sân khấu truyền thống của Huế.
Một cảnh trong vở tuồng lịch sử “Nổi niềm đấng quân vương” nói về vua Thành Thái.
Đạo diễn Trương Tuấn Hải – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cho biết, Nhà hát Duyệt Thị Đường chính là môi trường diễn xướng nguyên thuỷ để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn, làm sống lại các loại hình nghệ thuật cung đình, trong đó có nghệ thuật sân khấu tuồng Huế. Tuy vậy, những nghệ nhân tâm huyết với công việc trao truyền nghề nghiệp cho thế hệ kế cận đang ngày một lớn tuổi nên khó có thể gánh vác công việc này một cách dài hơi. Lúc sinh thời, nghệ nhân La Cháu (nghệ nhân Tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn) thường tâm sự, thế hệ lớn tuổi như ông và những người con của ông vẫn còn nguyên niềm đam mê với nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhưng thế hệ kế cận thì không mặn mà gì với loại hình nghệ thuật này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến sân khấu truyền thống của Huế mất dần đi thế hệ được trao truyền và nắm giữ.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Thừa Thiên Huế, việc đào tạo nghệ sĩ của loại hình sân khấu truyền thống cần có một giáo án hoàn chỉnh từ khâu tuyển chọn cho đến khâu đào tạo diễn viên, bởi lẽ nếu làm không tốt thì chúng ta tự đưa mình vào thế khó, mà cái hiển nhiên trước mắt là đã nhiều năm nay, Trường trung học Văn hoá Nghệ thuật Thừa Thiên Huế không có thí sinh tham gia dự thi vào khoa Kịch hát dân tộc, đặc biệt là Tuồng và Múa hát cung đình Huế. Ngoài ra, chúng ta phải xây dựng một chính sách đãi ngộ thích ứng và phù hợp, tiến hành nghiên cứu và xây dựng hồ sơ “Báu vật nhân văn sống” có cơ sở pháp lý, có nguồn kinh phí hỗ trợ lâu dài về vật chất để nghệ nhân, nghệ sĩ của sân khấu truyền thống có thể toàn tâm, toàn ý gìn giữ và trao truyền lại những bí kíp mà họ đang nắm giữ cho thế hệ kế tục. Bởi vì, khi nghệ nhân được nhà nước đãi ngộ, được xã hội tôn vinh một cách thích đáng thì họ sẽ không ngần ngại trao truyền lại các bí quyết nghề nghiệp cho thế hệ tương lai. Mặc khác, các thế hệ nghệ sĩ kế tiếp sẽ nhìn vào đó để phấn đấu, rèn luyện và trở thành những nghệ nhân kế tục, nhờ đó những tinh hoa của sân khấu truyền thống sẽ không bị gián đoạn, không bị mai một dẫn đến thất truyền.