26/07/2018 2:14:16 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Chương trình nghiên cứu Bảo tồn Cảnh quan Văn hóa Huế hướng đến bảo tồn "Di sản cộng đồng"
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu Bảo tồn Di sản Cảnh quan Văn hóa Huế phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) và Viện Nghiên cứu Quy hoạch – Đại học Waseda, Nhật Bản (WIURS) giai đoạn 2014-2018, hai bên đã xác lập các nội dung nghiên cứu tiêu biểu tập trung vào cảnh quan văn hóa và hệ thống sinh thái lịch sử tại khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương với mục tiêu chuẩn bị cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quy hoạch và quản lý hiệu quả cảnh quan văn hóa của Quần thể Di tích Cố đô Huế và hướng đến tái đề cử Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan văn hoá Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO. Chương trình hợp tác nghiên cứu được triển khai một cách nghiêm túc và khoa học trên cơ sở khảo sát thực địa, nghiên cứu tư liệu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chia sẽ dữ liệu nghiên cứu giữa hai bên.

Nhằm báo cáo và đánh giá bước đầu kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2014-2018, ngày 20/3/2018, HMCC và WIURS đã cùng phối hợp tổ chức thành công hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa và hệ thống sinh thái lịch sử tại khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương” tại Huế. Hội thảo không chỉ nhận diện giá trị cảnh quan văn hóa gắn với yếu tố tự nhiên do con người tạo ra, phân tích làm rõ sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người thông qua việc xây dựng các lăng tẩm của hoàng gia triều Nguyễn trong cảnh quan thượng nguồn sông Hương; mà còn góp phần làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan văn hóa thượng nguồn sông Hương phục vụ nhiệm vụ xây dựng phương án bảo tồn phù hợp cảnh quan và môi trường sinh thái của di sản cho khu vực, nghiên cứu phát triển tour du lịch sinh thái với sự tham gia của cộng đồng địa phương; và tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới, một bước tiến nhằm bảo vệ toàn diện hơn các giá trị của di sản văn hóa Huế trong thời gian tới theo khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO và Bộ VH-TT&DL. Những kết quả và nội dung được trình bày trong hội thảo này đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trên các lĩnh vực khác nhau, đại diện các cơ quan, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện cộng đồng nhân dân địa đối với giá trị và tiềm năng to lớn của cảnh quan văn hoá và hệ thống sinh thái - lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế vì sự phát triển bền vững.

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa và hệ thống sinh thái lịch sử tại khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương” ngày 20/3/2018

Tiếp theo kết quả của hội thảo này, ngày 25/7/2018, Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Viện Nghiên cứu và Quy hoạch – Đại học Waseda, Nhật Bản đã có buổi gặp gỡ làm việc nhằm bàn thảo những nội dung hợp tác nghiên cứu chuyên sâu về bảo vệ cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia Triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương để đưa ra một số khuyến nghị và hướng dẫn thực hiện đảm bảo việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các giá trị vật chất và tinh thần to lớn như các công trình di tích, các kỹ thuật tinh vi, hệ thống thủy đạo, sản phẩm nông nghiệp và những giá trị tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá truyền thống, lễ hội dân gian gắn kết hài hoà giữa yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên điển hình của loại hình kiến trúc cảnh vật hoá giàu tính nhân văn…. Việc bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này là vì sự phát triển bền vững của khu vực và đáp ứng quyền lợi, cuộc sống của cộng đồng địa phương.

Buổi gặp gỡ làm việc nhằm bàn thảo những nội dung hợp tác nghiên cứu chuyên sâu về bảo vệ cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia Triều Nguyễn và và khu vực thượng nguồn sông Hương ngày 25/7/2018

Trọng tâm của nghiên cứu này nhằm thực hiện phân vùng bảo vệ cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia Triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hươn, bao gồm nhận diện giá trị lịch sử và văn hóa của khu vực để xác định vùng đệm phù hợp theo vùng chức năng (như vùng di tích lịch sử, vùng hệ thống thiên nhiên lịch sử, vùng hệ thống thủy đạo truyền thống, vùng cộng đồng và di sản phi vật thể, vùng sinh kế truyền thống và canh tác, vùng hạ tầng và đô thị dọc sông Hương) kèm theo hướng dẫn thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn trong một quy hoạch tổng thể và thống nhất.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ cùng nghiên cứu thử nghiệm xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ cảnh quan văn hóa lăng Gia Long, có thể được xem là mô hình mẫu về "Bảo tàng sống" hướng đến bảo tồn một cách linh hoạt và thích nghi với giá trị lịch sử, văn hóa, và tinh thần tại khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận theo hướng bảo tồn thích nghi mới của UNESCO, đồng thời, xem xét triển khai thí điểm tại khu vực lăng Gia Long và các điểm di tích khác thuộc Quần thể Di tích Huế trong chiến lược quy hoạch bảo vệ cảnh quan tổng thể Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Ngoài ra, nghiên cứu thử nghiệm mô hình du lịch sinh thái bền vững tại lăng Gia Long và vùng phụ cận được xem là ý tưởng mới của HMCC và WIURS, giúp du khách, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên có thể tìm hiểu và tiếp cận di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, công việc trùng tu di tích và các giá trị văn hóa truyền thống thông qua tour du lịch sinh thái thư giản và gần gủi với thiên nhiên. Mô hình du lịch sinh thái này còn tạo cho cộng đồng địa phương cơ hội việc làm, giúp người dân địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo để phục vụ du khách với vai trò là hướng dẫn viên du lịch hoặc là người giới thiệu, cung cấp các sản phẩm địa phương… hướng người dân tham gia vào công tác bảo tồn di sản một cách bền vững trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân.

Tour du lịch sinh thái tại lăng Gia Long sẽ sớm được đưa vào hoạt động

Hiện nay, Viện Nghiên cứu và Quy hoạch – Đại học Waseda, Nhật Bản và Trung tâm BTDT Cố đô Huế đang cùng phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Tỉnh, một số đơn vị lữ hành, UBND xã Hương Thọ và người dân địa phương thực hiện khảo sát thực tế để hoàn thiện tour du lịch sinh thái tại lăng Gia Long nhằm sớm đưa vào hoạt động du lịch tại địa phương.

Hy vọng rằng, với sự tham gia chủ thể của người dân địa phương theo mô hình quản lý và vận hành tour của hợp tác xã, tour du lịch sinh thái sẽ được triển khai tại lăng Gia Long và vùng phụ cận thực sự có hiệu quả, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo riêng có góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, gắn kết cuộc sống của người dân với ý thức bảo vệ tài sản văn hóa của chính quê hương mình một cách tự nguyện và lâu dài. Đó chính là mục tiêu của bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản luôn hướng tới cộng đồng theo khái niệm mới của quốc tế "Di sản cộng đồng"./.

Thanh Bình