05/01/2024 8:42:12 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
HỢP TÁC QUỐC TẾ TẠI KHU DI SẢN HUẾ ĐÓNG GÓP VÀO PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Trong xu thế nền văn hoá Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển mạnh mẽ; tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang phát huy hiệu quả sức mạnh của văn hóa đối ngoại trong đó hợp tác quốc tế là kênh kết nối quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thăm Quần thể di tích Cố đô Huế ngày 07/9/2022
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thăm Quần thể di tích Cố đô Huế ngày 07/9/2022

Trong những năm qua, Đảng ủy Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại ngày càng được quan tâm hơn theo tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Các hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế đã được tổ chức triển khai thực hiện một cách toàn diện và gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Các nỗ lực và thành tựu của đơn vị đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh nhà và nâng cao vị thế của Di sản văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương. Đây cũng là một trong những lĩnh vực hoạt động mà Di sản Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong hơn 40 năm qua, công cuộc vận động quốc tế do UNESCO phát động đã đem lại cho di sản văn hóa Huế những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả: có 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ, hơn 10 tổ chức tư vấn chuyên môn quốc tế như ICOMOS, ICROM, ICOM, IUCN, ACCU, MOWCAP .. đã có quan hệ và tài trợ về kỹ thuật và tài chính cho di tích Huế 10,5 triệu USD (256 tỷ đồng). Trung tâm đã thực hiện kí kết thỏa thuận hợp tác với 21 cơ quan, tổ chức quốc tế và 09 cơ quan, tổ chức trong nước; 55 chương trình và dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu, trùng tu và đào tạo nguồn nhân lực có quy mô và hết sức có ý nghĩa. Đặc biệt, các chính phủ và tổ chức, các viện nghiên cứu, trường đại học, ban ngành quốc tế đã tài trợ cho hàng chục đoàn cán bộ đi tham quan học tập và có hơn 40 cán bộ được đi đào tạo nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn trùng tu di tích. Qua các dự án và chương trình trao đổi hợp tác quốc tế, Trung tâm cũng đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghiệp vụ về bảo tồn trùng tu di tích, nghiên cứu văn hóa phi vật thể, bảo tàng học, lưu trữ, công nghệ số hóa tư liệu. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ đó đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn di sản trên các lĩnh vực hoạt động, nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn chủ chốt của đơn vị và các ban ngành để đáp ứng cho nhu cầu lâu dài của công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, công tác ngoại giao văn hóa đã được chú trọng đẩy mạnh, chuyến viếng thăm cấp cao của TGĐ UNESCO Audrey Azoulay năm 2022 không chỉ thể hiện sự quan tâm của UNESCO đối với di sản văn hoá của Huế, mà còn chứng tỏ vai trò, vị thế và những đóng góp quan trọng của Huế trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá của thế giới trong những năm qua. UNESCO đã có đánh giá cao những kết quả vượt bậc trong bảo tồn di sản văn hóa của địa phương và cam kết tiếp tục đồng hành và tăng cường hỗ trợ kĩ thuật cho Thừa Thiên Huế trong tác bảo tồn và phát triển di sản bền vững, xây dựng năng lực cho cán bộ quản lý, để có thể dự báo và giải quyết hệ quả của biến đổi khí hậu các tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả hơn. Tại chương trình Kỷ niệm 02 di sản thế giới được UNESCO vinh danh năm 2023, ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO có phát biểu đánh giá cao Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế và là bài học điển hình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho các khu di sản thế giới khác tại Việt Nam và trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc gỗ. Điều này giúp lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa Huế và nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đơn vị quản lý di sản cũng như của tỉnh nhà trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa Huế.

Tiêu biểu, trong giai đoạn từ 2003 đến 2023, Trung tâm hợp tác với chuyên gia bảo tồn Andrea Teufle - Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa e.V Fulda Đức thực hiện thành công 07 dự án bảo tồn và đào tạo kỹ thuật tại khu di sản Huế, với tổng kinh phí tài trợ từ Chính phủ Đức là 1.356.000 USD (31,2 tỷ VNĐ). Các dự án được triển khai có hiệu quả, được giới chuyên môn và dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn trang trí nội - ngoại thất mang phong cách ảnh hưởng kiến trúc châu Âu và đào tạo kỹ thuật bảo tồn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ kỹ thuật bảo tồn truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, đúng chuẩn mực bảo tồn quốc tế Đức, đã đào tạo 15 học viên có kỹ thuật chuyên sâu về bảo tồn, phục hồi di sản và thực hiện nhiều chương trình giáo dục di sản tại công trình cho học sinh - sinh viên. Các chương trình, dự án hợp tác này đã và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa CHLB Đức và Việt Nam trong thời gian qua và thể hiện mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại cố đô Huế.

Hoạt động ngoại giao văn hóa với CH Pháp cũng hết sức có ý nghĩa, đó là hợp tác với Đại sứ quán CH Pháp tại Việt Nam tổ chức sự kiện “Hue by light - The Live show” và lễ bế mạc chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và chia sẻ nguồn tư liệu về di sản văn hóa Huế và triều Nguyễn, phục vụ công tác nghiên cứu, trùng tu di tích. Trung tâm đã thiết lập quan hệ hợp tác với Trung tâm Lưu trữ Tư liệu Hải ngoại, Viện Viễn Đông Bác Cổ, một số bảo tàng quốc tế và cá nhân tại CH Pháp. Năm 2022, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế đến Pháp nhằm tìm kiếm các tư liệu lịch sử liên quan về vua Hàm Nghi và triều Nguyễn, đã mở ra mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quan trọng tại Pháp. Đặc biệt, thông qua hợp tác với TS. Amandine Dabat hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi đã cung cấp một lượng lớn thông tin, tư liệu quý về vua Hàm Nghi từ kho tư liệu quý giá của dòng họ tại Pháp, đó cũng là một bước thành công trong hợp tác quốc tế để thu thập tài liệu lịch sử Việt Nam. Buổi giới thiệu “Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi” nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của vua Hàm Nghi có ý nghĩa đặc biệt. Từ những nỗ lực giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế mà tư liệu, tác phẩm nghệ thuật, cổ vật của cha ông đã được tìm về. Những tài sản đó vô cùng quý giá giúp nhìn rõ hơn về lịch sử, về chân dung của các bậc tiền nhân. Trung tâm và TS. Amandine Dabat tiếp tục có một số nội dung hợp tác có ý nghĩa trong thời gian tới đặc biệt là việc hồi hương thi hài vua Hàm Nghi về an táng tại cố hương. Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi cần tiếp tục được nghiên cứu, mở rộng và dựng phim tư liệu vừa mang giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa du lịch phục vụ công chúng Việt Nam. Các hoạt động trên đã gắn kết quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Đại sứ quán Pháp nói riêng và giữa hai quốc gia Việt Nam và Pháp nói chung, hứa hẹn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và hiệu quả ngày càng sâu sắc trong thời gian tới.

Quan hệ hợp tác với Hàn Quốc cũng được chú trọng nhằm tăng cường hợp tác hữu nghị, giới thiệu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, quảng bá điểm đến Huế, mở đường bay Charter trực tiếp từ Hàn Quốc đến Huế và thu hút gia tăng thị trường khách du lịch Hàn Quốc đến với khu di sản Huế. Đồng thời, tiếp tục khẳng định hiệu quả trong các thỏa thuận hợp tác với đối tác Hàn Quốc hướng đến tổ chức hoạt động định kỳ ở các mùa Festival Huế tiếp theo; tiêu biểu là chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ Kỷ niệm 02 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, Liên hoan Sân khấu Quốc tế tại Hàn Quốc kết hợp tổ chức diễn đàn giới thiệu di sản văn hóa Huế và xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc, hợp tác với một số đối tác Hàn Quốc tổ chức chuỗi hoạt động giới thiệu di sản văn hoá của hai quốc gia tại Huế vào dịp cả nước chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Nhiều chương trình hợp tác đã được đẩy mạnh thiết lập quan hệ và kí kết hợp tác với 15 cơ quan, tổ chức tại Hàn Quốc trong thời gian qua nhằm làm sâu sắc hơn sự hiểu biết vànhận thức trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản chung giữa hai quốc gia thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa nghệ thuật ngày càng được mở rộng và trở nên tích cực hơn, sự hiểu biết giữa hai nước ngày càng sâu sắc hơn.

Dự án bảo tồn, phục chế các án thờ hoàng gia của Triệu Tổ và bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ với tổng kinh phí là 700,000 USD (14.763.000.000 VNĐ) được thực hiện hoàn tất góp phần thiết lập lại và làm phong phú thêm hoạt động tế tự - thờ cúng tổ tiên của triều Nguyễn. Việc bảo tồn, phục chế các án thờ và miếu thờ Triệu Tổ thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế đối với việc bảo tồn không gian văn hóa - yếu tố đem lại sức sống và giá trị văn hóa tinh thần tại các di tích Huế, đặc biệt là những di tích tín ngưỡng tâm linh của triều Nguyễn.

Xác định rõ, nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn kết hợp với công nghệ số và lan tỏa giá trị di sản trong cộng đồng là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo cho công cuộc bảo tồn phát huy giá trị được triển khai đúng hướng và bền vững trong thời đại CN 4.0, Trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau thông qua hoạt động thuyết minh, tuyên truyền, triển lãm, chương trình giáo dục di sản theo chuyên đề đáp ứng nhu cầu lứa tuổi học sinh. Hiện nay Trung tâm đã ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong công tác trưng bày, thuyết minh hướng dẫn khách tham quan, scan 3D các công trình di tích đưa vào du lịch thực tế ảo. Trung tâm cũng đã hợp tác với Công ty IV COM Hàn Quốc giới thiệu dịch vụ giải trí trải nghiệm thực tế ảo XR với tên gọi “Đi tìm Hoàng cung đã mất”, với Tập đoàn Công nghệ cao CyArk-Seagate Hoa Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Kỹ thuật số Hàn Quốc, Tập đoàn UnderDogs Hàn Quốc để thực hiện một số dự án số hóa di tích như Đại Nội, lăng Khải Định, lăng Tự Đức, Cung An Định nhằm tăng cường áp dụng kỹ thuật công nghệ số giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, lưu trữ dữ liệu, bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc bằng mô hình 3D để đưa ra các biện pháp hữu hiệu bảo vệ di sản ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình thiên nhiên ngày càng khắc khiệt. Các dữ liệu này cũng được sử dụng để tạo ra những trải nghiệm thực tế ảo mang tính giải trí lý thú phục vụ khách du lịch và quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế ra thế giới. Cũng trong dự án này, Lăng Tự Đức tại Huế là di tích đầu tiên của Việt Nam được Google Arts & Culture và CyArk số hoá vào dự án Di sản Mở (Open Heritage) và đã được giới thiệu rộng rãi cho công chúng toàn cầu trên kênh Google Map. Đồng thời, các phim tư liệu này đã được Trung tâm giới thiệu rộng rãi trên website của đơn vị, trên kênh truyền hình địa phương và quốc gia, tại một số diễn đàn và hội nghị quốc tế để phổ biến rộng rãi cho đông đảo công chúng quan tâm. Hiệu quả của các dự án này không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình ảnh 3D, tuyên truyền quảng bá về các giá trị văn hóa Huế, mà còn tận dụng khả năng của công nghệ hiện đại trong việc làm giàu kiến thức của cộng đồng xã hội về lịch sử, văn hóa và kiến trúc Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ, những người đang bước vào tuổi trưởng thành, đánh thức nơi họ niềm yêu thích, ý thức bảo vệ và đóng góp cho di sản văn hóa của dân tộc.

Thực tế công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trên phương diện hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại trong thời gian qua giúp Huế có nhiều bài học kinh nghiệm phong phú trong các lĩnh vực: Bảo tồn trùng tu các di sản vật thể; Bảo tồn di sản phi vật thể; Bảo tồn di sản tư liệu; Hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; Khai thác và phát huy giá trị các di sản. Kết quả của công tác hợp tác, thông tin tuyên truyền đối ngoại đã có tác động mãnh mẽ và mang lại hiệu quả tích cực, giúp nắm bắt được các kiến thức và xu hướng, công nghệ tiên tiến ứng dụng trong bảo tồn di sản văn hóa, tăng cường giới thiệu quảng bá hình ảnh và giá trị di sản văn hóa Huế, tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực và tranh thủ nguồn đầu tư, tài trợ quốc tế cho công tác bảo tồn di sản văn hóa Huế. Chính những nỗ lực thực hiện công tác hợp tác quốc tế và truyền thông đối ngoại đã góp phần lan tỏa rộng rãi hình ảnh di sản văn hóa Huế, tạo được ảnh hưởng tích cực đến truyền thông và cộng đồng quốc tế. Định hướng kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, từng bước triển khai ngoại giao nhân dân, tạo “sức mạnh mềm” cho Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, lợi ích và thụ hưởng của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển bền vững di sản văn hóa Huế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều đó đã thực sự tác động tích cực và nâng cao nhận thức đối với cộng đồng và xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong việc nhìn nhận tính bền vững của công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Huế với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế.

Các loại hình Di sản văn hóa thế giới của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhiệm vụ sắp tới của Trung tâm không chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản mà còn phải tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện hình ảnh di sản Huế, phấn đấu xây dựng hình ảnh của địa phương trong bối cảnh thực hiện mục tiêu xây dựng Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Trong chặng đường trước mắt và tương lai lâu dài, di sản văn hóa Huế chắc chắn vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Cố đô Huế. Tiếp tục tập trung khai thác tốt, phù hợp và có hiệu quả các di sản của Cố đô Huế thông qua sự phối hợp chung tay tham gia của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý và toàn thể cộng đồng, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng “Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, xây dựng thương hiệu du lịch mới của tỉnh: “Cố đô Huế - 1 điểm đến 5 di sản - Quê hương hạnh phúc”./.

KTS. HOÀNG VIỆT TRUNG
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn DI tích Cố đô Huế
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>