12/06/2023 10:59:27 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
DI SẢN & CỘNG ĐỒNG
Vào giữa tháng 6 năm 2023 này, Thừa Thiên Huế sẽ kỷ niệm 30 năm ngày Quần thể di tích cố đô được UNESCO vinh danh, đồng thời cũng kỷ niệm 20 năm ngày Nhã nhạc- Âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng chính là cơ hội để Huế chứng tỏ vị thế hàng đầu cùng vai trò tiên phong của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước. Và cũng là để khẳng định, Di sản Huế đã và đang được bảo vệ vững chắc trong lòng cộng đồng.
Giáo dục di sản trong học sinh
Giáo dục di sản trong học sinh

Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch

Non xanh nước biếc điện ngọc đền rồng

Câu ca dao cổ như vẽ lên một bức tranh tuyệt mỹ về cố đô Huế, một vùng đất có đủ cả “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, từng được chọn làm thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của nước Đại Việt/Việt Nam/ Đại Nam suốt mấy trăm năm (1636-1945).

Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, không chỉ sở hữu hơn 120km đường biển với nhiều vịnh đẹp nổi tiếng, dãy đầm phá ven biển rộng lớn nhất Đông Nam Á với hơn 22.000 ha và dòng Hương Giang được đánh giá là một trong những dòng sông đẹp nhất trên thế giới, Thừa Thiên Huế còn có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khổng lồ với hàng nghìn công trình di tích và địa điểm lịch sử, hàng trăm lễ hội cung đình và dân gian, hàng chục làng nghề thủ công truyền thống, hàng nghìn món ẩm thực với hương vị riêng gắn liền với thương hiệu “Món Huế” lừng danh. Và ngành du lịch, một trong các mũi nhọn phát triển của cố đô Huế, từ rất sớm đã gắn liền với các thương hiệu và loại hình du lịch văn hóa, di sản.

Du lịch và dịch vụ dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản không chỉ góp phần to lớn vào phát triển kinh tế xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng nhân dân địa phương mà còn là một kênh quảng bá hữu hiệu để các giá trị di sản văn hóa lan tỏa rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Có một sự gắn bó ngày càng mật thiết giữa chính quyền, cộng đồng nhân dân địa phương với các di sản văn hóa và tự nhiên ở vùng đất này. Và chính sự gắn bó, chia sẻ ấy đã giúp cho việc giải quyết các mâu thuẩn giữa bảo tồn và phát triển trở nên mềm mại và dễ dàng hơn.

Hơn 200 năm trước, cư dân của tám xã nằm trên và xung quanh địa bàn của Vương đảo đã tình nguyện dời đi để triều đình lấy đất xây dựng Kinh thành Huế rộng hơn 1.100 mẫu (520 ha). Và ngày nay, hàng nghìn hộ dân sống trong vùng lõi khu di sản Kinh thành lại một lần nữa vui vẻ di chuyển đến an cư ở các vùng đất mới khi chính quyền vận động, vì mục đích bảo tồn, gìn giữ các di sản vô giá của tổ tiên. Đó là sự trùng hợp rất đặc biệt của hai cuộc di dân lịch sử cách nhau hơn hai thế kỷ, đều thành công nhờ có được lòng dân.

Nhưng sự chia sẻ luôn phải đến từ hai phía. Di sản chỉ thật sự tỏa sáng khi nó chứng tỏ được giá trị đối với cộng đồng, được cộng đồng bảo vệ, gìn giữ và tôn vinh. Vì vậy, cộng đồng địa phương phải được chia sẻ, không chỉ là trách nhiệm mà còn phải có những quyền lợi thiết thực, cụ thể từ di sản.

Cố đô Huế đang mạnh dạn triển khai một kiểu quy hoạch mới đối với quần thể thể di tích cố đô, mà trong đó các cộng đồng dân cư nằm trong vùng lõi vùng đệm sẽ trở thành một phần của khu di sản, cùng chia sẻ các quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di sản. Và như vậy, cộng đồng nhân dân địa phương sẽ chính là người bảo vệ và tôn vinh di sản, vừa có thể sống và làm giàu từ di sản, đồng thời làm cho di sản đẹp hơn, có giá trị hơn trên mọi ý nghĩa.

Từ hơn chục năm trở lại đây, người dân Huế được hưởng nhiều quyền lợi hơn từ di sản không chỉ là từ sự phát triển của ngành du lịch dịch vụ mà còn từ các chính sách ưu đãi cụ thể của chính quyền địa phương như miễn giảm vé vào thăm di tích, bảo tàng, được tuyển dụng để đào tạo và làm việc tại các công trường tu bổ di tích, khai thác các dịch vụ gắn liền với khu di sản…Và điều đó cũng khiến các cộng đồng địa phương hiểu biết hơn, gắn bó hơn với di sản. Chính quyền tỉnh và thành phố Huế cũng ngày càng tăng cường công tác quảng bá, giáo dục về di sản, đưa di sản vào học đường, tạo nhiều điều kiện để giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên tiếp cận với di sản bằng các hình thức tham quan, trải nghiệm thực tế, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về di sản và lịch sử, tham gia và làm nòng cốt cho phong trào Chủ Nhật Xanh, tham gia vào các hoạt động lễ hội và sự kiện được tổ chức quanh năm theo đề án festival bốn mùa…Nhờ đó mà di sản ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó hơn với cộng đồng, nhất là với giới trẻ, thế hệ chủ nhân của tương lai…

Với quyết tâm sớm trở thành Thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế, cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai hàng loạt đề án, dự án quan trọng, trong đó văn hóa, di sản vừa được xem là nền tảng vừa là nguồn lực to lớn để biến “Giấc mơ Huế” thành hiện thực. Di sản đã trở thành một phần vô cùng quan trọng để Huế phát triển và thăng hoa. Bởi di sản vốn đã là một nét đặc trưng của Tính cách Huế, Con người Huế.

Vào giữa tháng 6 năm 2023 này, Thừa Thiên Huế sẽ kỷ niệm 30 năm ngày Quần thể di tích cố đô được UNESCO vinh danh, đồng thời cũng kỷ niệm 20 năm ngày Nhã nhạc- Âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng chính là cơ hội để Huế chứng tỏ vị thế hàng đầu cùng vai trò tiên phong của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước. Và cũng là để khẳng định, Di sản Huế đã và đang được bảo vệ vững chắc trong lòng cộng đồng./.

 

TS. Phan Thanh Hải