18/09/2021 2:48:24 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Nhà cổ An Hiên - Những điều có thể bạn chưa biết
Chắc hẳn những người yêu Huế không ai xa lạ gì với cái tên An Hiên. Đó là tên của một ngôi nhà vườn cổ nổi tiếng xứ Huế đã có mặt hơn một thế kỷ và chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử.
Nhà vườn An Hiên
Nhà vườn An Hiên

Nhà vườn An Hiên tọa lạc ở vùng đất Kim Long ở bờ Bắc sông Hương phía Tây Kinh thành, nằm ở địa chỉ số 58 Nguyễn Phúc Nguyên. An Hiên là công trình nhà vườn Huế tiêu biểu, mẫu mực và đặc sắc bậc nhất của cố đô. Đến nay, nhà vườn hầu như giữ lại được hết cảnh quan và những kiến trúc chính bên trong, thu hút rất nhiều khách tham quan khi mở cửa.

Hôm nay hãy cùng The Hue of Huế thăm ngôi nhà cổ quý giá và độc đáo này qua những câu chuyện có thể bạn chưa biết, hoặc nếu bạn biết rồi, hãy cùng ôn lại một lần nữa qua những bức ảnh này và chia sẻ với chúng tôi!

1️⃣ Nhà vườn An Hiên được xây dựng vào thế kỷ thứ 19, chủ nhân đầu tiên một công chúa thời Nguyễn. Theo dòng chảy thế thời, ngôi nhà đã đổi chủ nhiều lần, đều là hoàng thân hoặc các quan lớn và giới thượng lưu ở Huế. Năm 1934, quan tuần phủ Nguyễn Đình Chi mua lại phủ An Hiên và vợ ông là bà Đào Thị Xuân Yến là chủ nhân gắn bó lâu nhất với ngôi nhà.

2️⃣Bà Đào Thị Xuân Yến là chủ nhân lâu nhất, có công lớn nhất trong việc giữ gìn bảo tồn và phát huy những giá trị của nhà vườn An Hiên, cho đến khi bà qua đời vào năm 1997. Không chỉ là một vị chủ nhân tâm huyết của ngôi nhà, Bà Đào Thị Xuân Yến cũng là một người phụ nữ nổi tiếng có nhiều hoạt động và thành tích trong công cuộc giành lại độc lập của dân tộc Việt. Bà từng giữ chức hiệu trưởng trường nữ sinh Đồng Khánh, và từng là đại biểu quốc hội khóa đầu tiên sau ngày thống nhất.

3️⃣Khuôn viên nhà vườn An Hiên hiện nay có hình gần như vuông, với diện tích 4.608 mét vuông, được quy hoạch và xây dựng tuân thủ những nguyên tắc kiến trúc truyền thống của phương Đông, của Việt Nam và của xứ Huế, với các yếu tố bình phong, tụ thủy minh đường, bao quanh là màu xanh của cây cối. Kiến trúc chính là ngôi nhà rường cổ ba gian hai chái, gian giữa là gian thờ, với nguyên tắc bài trí “tiền Phật hậu linh”. Hai gian hai bên là nơi tiếp khách theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, hai chái nhà cũng tương tự, bên trái là nơi sinh hoạt của nam và bên phải là nơi sinh hoạt của nữ.

4️⃣ Điểm độc đáo và khiến ngôi nhà vườn trở nên thú vị đó là vườn cây ăn trái bao quanh. Những cây này đều là các giống cây lâu năm được đem về trồng từ khắp các miền Bắc Trung Nam, mùa nào trong năm cũng có cây đơm hoa kết trái. Có thể thấy nhiều loại quen thuộc: bưởi, thanh long, vải, hồng, măng cụt, thanh trà… cho đến những cây quý hiếm như cây cẩm nhung, quy tụ và sinh sôi ở khu vườn này.

5️⃣ Lối đi từ cổng vào nhà dài 34m với vòm cây trứ danh khiến cho khách tham quan trầm trồ ngay khi bước vào. Cảnh quan này được tạo ra bởi hai hàng cây bạch mai hai bên, đan ngọn vào nhau tạo ra một chiều sâu hun hút, tạo một ấn tượng thâm nghiêm và thanh tĩnh tách biệt hẳn với bên ngoài, khiến du khách cảm thấy như lạc vào một chốn khác.

6️⃣ Nhà vườn An Hiên đã được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả và khắc họa thật sinh động trong bút ký: “Hoa trái quanh tôi” đăng trên Tạp chí sông Hương số tháng 10 năm 1983. Ông đặc biệt thể hiện tình yêu và sự ưu ái với những loại cây trồng trong vườn và cách mà chủ nhân của ngôi nhà, bà Lan Hữu (theo bút ký) chăm sóc chúng.

7️⃣ Nhà vườn An Hiên hiện nay thuộc sở hữu của một đơn vị kinh doanh du lịch nổi tiếng tại Huế. Điều quý giá nhất mà chủ nhân mới này đem lại cho nhà vườn An Hiên, đó chính là họ không muốn đặt nặng doanh thu, mà muốn bảo tồn giá trị vốn có của ngôi nhà. Họ cũng cất công thu mua sưu tầm lại những cổ vật trong nhà từ rải rác khắp nơi nhằm khôi phục nguyên hiện trạng ngôi nhà như xưa. Nhà vườn An Hiên hiện mở cửa cho du khách tham quan, vào thứ năm, thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật còn phục vụ ca Huế (thông tin khi chưa có ảnh hưởng của dịch Covid 19).

Xin kết lại bài viết bằng một đoạn trích trong bút ký “Hoa trái quanh tôi” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường:

“Vườn Huế, dù giàu hay nghèo, thường vẫn có cổng gạch, mái khá rộng, phía ngoài trồng vài cây có quả: ấy là chỗ dừng chân qua cơn mưa, là bóng mát dành cho người đi đường, là chút lộc hoa trái dành cho trẻ con trong xóm; cổng nhà nhìn ra nên luôn luôn ngụ tấm lòng người nhu mì thơm thảo. Người Huế lập vườn, trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong sẽ là chút di sản tinh thần để đời cho con cháu.”

[Bộ ảnh được thực hiện trước thời kỳ giãn cách do dịch COVID 19]

The Hue of Huế.