02/10/2021 2:42:18 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Viếng lăng Trường Cơ, tưởng nhớ chúa tiên Nguyễn Hoàng
Trong các lăng mộ xứ Huế, lăng Trường Cơ là ngôi lăng ít nổi tiếng hơn, nhưng đây là nơi an nghỉ của một vĩ nhân quan trọng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, đó là chúa tiên Nguyễn Hoàng, tức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế (1525 – 1613). Ông là người đầu tiên có công khai phá xứ Đàng Trong, và đặt nền móng cho những năm trị vì của triều Nguyễn.
Lăng Trương Cơ
Lăng Trương Cơ

Trong cuốn Xứ Đàng Trong có đoạn: “Đàng trong chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử Việt Nam. Chỉ trong vài trăm năm, người Việt Nam đã tạo ra được một Việt Nam mới, khác cả về lãnh thổ lẫn nhân lực, tạo ra được một vùng đất mới, một xứ Đàng Trong hội nhập và sáng tạo, kéo trọng tâm văn hóa kinh tế và chính trị của cả nước xuống phía Nam. Không có các thế kỷ này của Đàng trong, cuộc nam tiến hẳn đã không thành.”

Và người đặt nền móng cho những điều đó trở thành sự thật, không ai khác ngoài Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng.

Nguyễn Hoàng xuất thân từ Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa, trong một gia đình danh giá. Sau khi nhà Mạc chiếm ngôi vua Lê năm 1527, sự tranh đoạt quyền lực Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn đã đẩy Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng đến bước phải đi tìm cho mình một phương kế bảo toàn tính mạng. Ông cho người đến xin tư vấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bấy giờ đang trí sĩ tại quê nhà. Khi ấy, với năng lực tinh thông của mình, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (cũng có bản ghi là “khả dĩ dung thân”), nghĩa là một dãy núi Hoành Sơn, có thể dung thân muôn đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận ra được vị trí của vùng đất Thuận Hóa thời kỳ này, gợi ý cho Nguyễn Hoàng xuôi hướng Nam để tìm con đường mới. Đoan Quận Công vội nhờ chị gái là Ngọc Bảo xin chồng là Trịnh Kiểm tâu vua cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

Mùa đông năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng cùng thái sư phò tá Nguyễn Ư Dĩ, cùng đoàn hơn ngàn người gồm họ hàng ở Tống Sơn và quân lính kèm vợ con ở Thanh Nghệ giong buồm vào Thuận Hóa. Khoảng tháng 12, đoàn người đổ bộ và đặt đại bản doanh ở đất Ái Tử, Quảng Trị. Cuộc đổ bộ này đánh dấu sự dịch chuyển lớn nhất của dân tộc Việt về phía Nam.

Tại Ái Tử, ông thiết lập cuộc sống mới cho quân sĩ và nhân dân, khuyến khích phong trào khai khẩn đất hoang, mở rộng làng mạc, đồng ruộng. Thuật trị nước của Nguyễn Hoàng là dựa vào thế hiểm của vùng đất, biết thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để xây dựng cơ nghiệp. Đó cũng là cội nguồn của sự hùng mạnh nhanh chóng của xứ Đàng Trong. Lòng thương yêu chăm sóc cho sự bình yên của nhân dân, thực hiện nhiều chính sách phát triển cuộc sống no ấm, khoan dung với hàng binh, thu phục lòng người.. đã khiến ông được dân Thuận Quảng yêu mến gọi bằng cái tên chúa tiên Nguyễn Hoàng, ví như một bậc tiên Phật trong thần thoại.

Nguyễn Hoàng còn có công chấn hưng Phật Giáo, ông cho xây dựng nhiều chùa trong đó có chùa Linh Mụ (xây năm 1601) tại Thuận Hóa. Ông cũng chính là người ban hành bộ luật Hồng Đức – bộ luật được cho là tiên tiến nhất thời bấy giờ, trong đó có các điều luật rất tiến bộ: thừa nhận quyền lợi của người nghèo và phụ nữ, tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân… Cũng chính chúa Nguyễn Hoàng là người đưa ra quyết sách thúc đẩy giao thương hàng hải với nước ngoài, đẩy mạnh sự phát triển của các thương cảng. Có sách kể, ông thiết lập mối giao hảo với nhà Tokugawa Nhật Bản, cho tặng nhiều sản vật quý hiếm, nhận một thương nhân người Nhật làm con nuôi và viết cho phía Nhật hay về hành động này. Những đối sách ngoại giao khôn ngoan và ý nghĩa này đã góp phần thắt chặt mối quan hệ thương mại với Nhật Bản, biến cảng thị Hội An thành nơi giao thương sầm uất giữa các thương thuyền Nhật Bản trong gần 200 năm, thu được lợi nhuận cực kỳ lớn tại đây. Chính sự hùng mạnh về của cải thu được từ việc chú trọng giao thương hàng hải đã tạo nên sức mạnh để chúa Nguyễn thúc đẩy việc mở mang bờ cõi.

Trong sách Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn, lúc bấy giờ là quan phe đối lập, cũng phải thừa nhận khi viết về chúa Nguyễn Hoàng: “Đoan quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân… Quân dân hai xứ thân yêu tin phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp…”

Trong một tài liệu từ tác giả Trần Đình Ba, công lao của vị chúa khai mở nghiệp chúa, nghiệp vua nhà Nguyễn thật to lớn, được Nguyễn Phúc tộc thế phả đúc rút như sau:

"Đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế là vị Chúa đầu tiên khai sáng nhà Nguyễn, đồng thời là người đặt nền tảng cho việc gây dựng cơ nghiệp triều Nguyễn sau này. Với tổ chức chính sự rộng rãi, có quy củ, sưu thuế nhẹ, quân lệnh nghiêm trang, lấy sự an cư lạc nghiệp của dân làm gốc, ngài đã mở đầu cho sự phát triển nửa nước trù phú về phía Nam của dân tộc Việt".

Chúa tiên Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613, là vị quân chủ có tuổi thọ cao nhất trong các vị quân chủ của Việt Nam nếu tính cả vua lẫn chúa (87 tuổi). Mộ của người ban đầu táng ở vùng núi Thạch Hãn, Hải Lăng, Quảng Trị, sau được cải táng chuyển về núi La Khê, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Năm 1804, vua Gia Long suy tôn cho Nguyễn Hoàng miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Triệu Cơ Tùy Thống Khâm Minh Cung Úy Cần Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ hoàng đế.

Năm 2016, thành phố Huế đã khởi công Dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lăng Trường Cơ” do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư với sự hỗ trợ nguồn vốn của nhiều đơn vị, dự án có tổng kinh phí gần 3,9 tỷ đồng.

Cuộc đời chúa tiên Nguyễn Hoàng có thể được viết thành một áng sử hào hùng về một vĩ nhân đã có công mở cõi, định hình nên dải đất chữ S bên bờ biển Đông của chúng ta ngày hôm nay. Viếng lăng Trường Cơ, đọc câu chuyện về đấng minh quân này, sẽ không khỏi xúc động và tự hào khi được là hậu duệ của người.

The Hue of Huế.