08/01/2019 5:18:57 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
SỨC SỐNG NHÃ NHẠC
Từ một di sản trong tình trạng lâm nguy do thất tán và biến tướng, Nhã nhạc đã có sự hồi sinh kỳ diệu.
Năm 2003, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận. Tuy nhiên, đó cũng là lúc di sản này đang ở trong tình trạng lâm nguy do đã bị mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy, do sự thất tán và biến tướng đi cùng nhận thức của cộng đồng về di sản còn hạn chế.

Cam kết của chính phủ Việt Nam với UNESCO đã được triển khai nhanh chóng và rất hiệu quả bằng Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc, từ năm 2005 - 2008. Đây là một dự án rất toàn diện, bao gồm: Nghiên cứu, sưu tầm hệ thống bài bản Nhã nhạc, các loại nhạc khí Nhã nhạc và phục hồi một số nhạc khí tiêu biểu; Đào tạo và truyền dạy cho thế hệ trẻ, đào tạo nghệ nhân và đội ngũ nghiên cứu; Quảng bá và phát huy giá trị Nhã nhạc, nâng cao sự hiểu biết và ý thức của cộng đồng về di sản.

Ngay từ khi triển khai dự án, những nhà nghiên cứu hàng đầu về Nhã nhạc như GS. Trần Văn Khê, GS. Tô Ngọc Thanh, TS. Lê Toàn, TS Văn Minh Hương… đã trực tiếp hướng dẫn, trao truyền cho đội ngũ cán bộ trẻ các kỹ năng nghiên cứu cơ bản cũng như công tác sưu tầm, lưu trữ và những chỉ dẫn thực hành… 15 năm qua, họ đãnghiên cứu, sưu tầm tài liệu và xây dựng nên hàng chục bộ hồ sơ khoa học như hồ sơ về các nghệ nhân nghệ sỹ trong lĩnh vực Nhã nhạc các bài bản Nhã nhạc Tam Thiên, Phú Lục Địch, Cung Ai, trình thức ca Thài trong tế Giao, hệ thống nhạc khí nhã nhạc… Đặc biệt, hồ sơ “Xây dựng cơ sở dữ liệu về các bài bản âm nhạc cung đình Huế” đã được đánh giá là một công trình khoa học xuất sắc, đáp ứng được xu thế của thời đại công nghệ hiện nay, tạo điều cho mọi đối tượng, nhất là giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng.

Việc đào tạo các nghệ nhân trẻ cũng được chú trọng. Một khóa đào tạo trình độ đại học về Nhã nhạc đã tuyển chọn được 20 sinh viên, phần lớn đều là con cháu của các nghệ nhân. Những nghệ nhân Nhã nhạc chính là giảng viên của khóa học đặc biệt này với phương pháp dạy theo kiểu truyền nghề truyền ngón. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên được tiếp nhận vào nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Chính họ là những người đang và sẽ nắm giữ vai trò hạt nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc, bao gồm cả khía cạnh truyền cảm hứng và đem lại một diện mạo mới đầy sức sống cho Nhã nhạc.

Việc UNESCO vinh danh Nhã nhạc đã đem lại lợi thế lớn cho công tác quảng bá và đưa di sản này đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. Không chỉ được phục hồi và xuất hiện lại ngay trên môi trường diễn xướng nguyên thủy là trong cung điện, đền miếu, đàn tế… ở cố đô Huế mà Nhã nhạc còn được trình diễn ở khắp nơi, nhất là trong các lễ hội văn hóa trong nước. Hơn thế, Nhã nhạc đã vượt biên giới tới châu Âu, châu Mỹ và nhiều quốc gia châu Á, thậm chí vào tận hoàng cung Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở một bình diện khác, Nhã nhạc đã được đưa vào trường học và được thế hệ trẻ đón nhận đầy thích thú. Vì vậy, không có gì lạ khi một số tiết mục văn nghệ đoạt giải cao trong các cuộc thi, hội diễn của ngành giáo dục địa phương lại là nhã nhạc hay vũ khúc cung đình.

Tại hội nghị Di sản Văn hóa phi vật thể châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại thành phố Huế tháng 11 vừa qua, Nhã nhạc đã chinh phục hàng trăm đại biểu qua tiết mục Lục Cúng Hoa Đăng do các em học sinh trường PTTH Nguyễn Huệ. Những tiếng vỗ tay tán thưởng sau màn diễn ấn tượng chính là phần thưởng đầy ý nghĩa cho những nỗ lực không biết mệt mỏi để hồi sinh Nhã nhạc trong suốt 15 năm qua… Với những gì mà cố đô Huế đã và đang dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc, chắc chắn rằng, di sản này sẽ được giữ gìn và tiếp tục tỏa sáng trong tương lai.

TS. Phan Thanh Hải