05/06/2017 9:47:02 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Vệ cẩm y dưới triều Nguyễn – Lịch sử được tái hiện độc đáo qua nghi thức “Lễ đổi gác”
Cùng với các hoạt động và nghi lễ cung đình xưa được tái hiện, phục dựng như: lễ truyền lô, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ dựng nêu,… Việc tái hiện “Lễ đổi gác” tại Ngọ Môn vào các buổi sáng hàng ngày và trong chương trình “Đại Nội về đêm” do các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (NHNTTTCĐ Huế) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện đã giúp du khách hiểu hơn về một nét văn hoá độc đáo của chốn cung đình xưa. Với bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách đôi nét về công việc và đời sống của những người lính canh giữ cung cấm cũng như các cổng thành dưới vương triều Nguyễn.
Lễ đổi gác tại Ngọ Môn trong chương trình Đại nội về đêm

“Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua phê chuẩn Vệ Cẩm y phải làm nhà ở gần quanh kinh thành, cắt phiên ứng trực tuần cảnh để làm túc vệ thân binh, mỗi khi có xe nhà vua cử hành lễ Tế giao, và yết thăm các lăng, tuần du các địa phương, vệ ấy phải cầm kim đao, ngân đao và giáo đuôi báo theo hầu; ngày đêm chia phái các biền binh tuần xét các đường sá. Như gặp ngày thường triều, đại triều, thì viên Chưởng vệ cầm thanh kiếm vàng đứng hầu trên điện; Cai đội, Đội trưởng đều cầm đao đứng hầu ở sân rồng. Còn ngày thường triều, Tham, Chưởng vệ hầu ở trên địên; Cai đội hầu ở dưới thềm; Đội trưởng cầm đao chia đứng hai bên trước sân, ban đêm thay phiên túc trực, để tỏ sự tôn kính, và nghiêm việc cấm vệ.          

Các cửa cung thành, gặp khi ban đêm có người cầm thể Môn hiệu long bài truyền lịnh mở cửa cho người ra vào, phải xét thực rồi mới mở cửa cho đi, đến sớm mai viên Điển hộ phải làm tờ tâu trình lên vua xem. Duy Đại cung môn, nên trình với viên đương trực đại thần rồi mới được mở cửa; đến sớm ngày mai làm tờ phong kín và điều sự ký điểm liên danh, tâu trình; nếu là vụ giả mạo, không hợp phép, lập tức bắt giải, tâu lên vua biết; nếu khi đó vua đi tuần du, thì giao bản ấy ở Kinh, sau phát đệ theo tập tâu”[1].          

Ngoài ra, dưới triều Nguyễn việc canh gác và thay phiên nhau của lính túc vệ và thủ vệ cũng được quy định chặt chẽ: “Phàm lính túc vệ ở cung cấm và lính thủ vệ ở các cửa Tử cấm thành, Hoàng thành, đến phiên canh mà không canh gác (người đã hết phiên canh rồi) tự tiện thay thế cho mình cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 60 trượng. Đem người không phải là lính túc vệ , thủ vệ mạo danh mình tự tiện thay thế với nhau, cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 100 trượng. Nếu là quan viên, đều phải gia nặng lên một bật.          

Nếu người nào đến phiên canh gác mà bỏ trốn cũng phải tội như thế. (Khép vào tội đáng phải canh gác mà không canh gác. Nếu là quan viên, thì phải gia nặng thêm bậc).          

Nếu là người canh gác ở cửa Kinh thành, thì giảm nhẹ xuống một bậc, canh gác ở cửa thành các xứ khác lại giảm nhẹ xuống một bậc nữa.          

Các đầu mục cai quản liền sát biết mà cố ý dung túng, đều phải tội như tội người can phạm. Không biết mà kiểm xét ra, thì được giảm nhẹ kém ba bậc, kẻ nào vì duyên cớ gì không đi canh gác được, báo cho viên cai quản biết thì không phải tội”[2].          

Theo NSƯT Trần Đại Dũng – Phó giám đốc NHNTTTCĐ Huế, việc xây dựng “lễ đổi gác” được phục dựng theo kiểu bảo tồn thích nghi dựa trên những miêu tả về đời sống và công việc của những người lính Vệ Cẩm y dưới triều Nguyễn. Trong “Lễ đổi gác” được phục dựng, biên chế gồm có dàn đại nhạc, tù và, cờ lệnh… cùng với những người lính đầu đội nón, mình mặc áo dấu, chân quấn xà cạp, tay cầm giáo… Tất cả cùng theo hiệu lệnh của vị quan võ để thực hiện các nghi thức đổi gác khi tiếng tù và vang lên báo hiệu thời khắc đổi gắc bắt đầu.

 


[1] Khâm đinh Đại nam Hội điển Sự lệ, tập V, Quyển 137 – Quyển 178, Tr. 82 – 83, Nxb. Thuận Hoá, Huế
[2] Khâm đinh Đại nam Hội điển Sự lệ, tập VI, Quyển 179 – Quyển 204, Tr. 265, Nxb. Thuận Hoá, Huế
 
Trương Trọng Bình