27/03/2022 3:31:06 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
9 điều có thể bạn chưa biết về Cửu Đỉnh Huế
Nếu đã từng tham quan Hoàng Thành Huế, chắc hẳn bạn sẽ biết đến chín chiếc đỉnh đồng lớn tọa lạc trước sân Thế Tổ Miếu, sau Hiển Lâm Các. Chín chiếc đỉnh này thường được gọi là cửu đỉnh, được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ tháng 12 năm 1835 và hoàn thiện sau đó 1 năm, rồi đem đặt tại đó, nguyên vị cho đến tận ngày nay.

Hôm nay, The Hue of Huế xin chia sẻ 9 điều có thể bạn chưa biết về bảo vật quốc gia này.

1️⃣ Cửu đỉnh là độc bản nguyên gốc - trải qua 200 năm chưa từng thay đổi

Kể từ khi được đúc thành công vào năm 1837, gần 200 năm đã đi qua, với biết bao biến động thế cuộc, thế nhưng chưa một lần chính sử triều Nguyễn hay một nguồn tư liệu bất kỳ đề cập đến việc trùng tu, chỉnh sửa. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất, từ khi được hình thành, Cửu đỉnh chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Có thể nói đây là nguồn tư liệu gốc, lưu giữ toàn bộ tính “nguyên bản”, chưa từng bị tác động bởi ý thức của con người đời sau. Đây là một trong những giá trị đặc trưng và độc đáo của bộ Cửu đỉnh.

2️⃣ Vì sao lại là số 9?

Theo thần số học, con số 9 là một con số thiêng liêng. Quan niệm phương đông cho rằng con số 9 tượng trưng cho Trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ. Dễ hiểu tại sao số 9 là tư tưởng chủ đạo vua Minh Mạng trong việc đúc Cửu đỉnh cho triều đại mình: tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9, “Chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ; Chín ngọn núi lớn; Chín con sông lớn; Chín sông đào và sông khác; Chín cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; Chín con thú lớn bốn chân; Chín con vật linh; Chín loài chim; Chín loại cây lương thực; Chín loại rau, củ; Chín loại hoa; Chín loại cây lấy quả; Chín loại dược liệu quí; Chín loại cây thân gỗ; Chín loại vũ khí; Chín loài cá, ốc, côn trùng; Chín loại thuyền, xe, cờ”.

3️⃣ Có tất cả bao nhiêu hình trang trí trên cửu đỉnh?

Có tất cả 162 họa tiết chạm nổi trên các đỉnh đồng, Những hình ảnh được chọn lựa đều mang tính biểu tượng cao.

4️⃣ Những hình trang trí trên Cửu đỉnh có ý nghĩa gì?

Có thể nói cửu đỉnh là “cuốn từ điển bằng hình” sinh động về sản vật đất Việt thời đại cũ. Các hình họa trên thân cửu đỉnh không phải là trang trí đơn thuần mà thực sự là một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học. Các họa tiết này thể hiện một cách sống động các loài động thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài, vì thế có thể nhận dạng dễ dàng.

Thực vật trên Cửu đỉnh với 54 họa tiết, có thể phân thành 6 nhóm: cây lương thực, cây lấy sợi, rau và cây gia vị, cây lấy quả, các loại hoa, các loại gỗ, dược liệu và hương liệu. Động vật gồm có: loài cá, ốc, côn trùng; chim; thú lớn bốn chân; các loài vật linh. Cửu đỉnh nhà Nguyễn có thể nói là một bộ "sách ảnh" các loài động thực vật đặc trưng của nước ta, thể hiện thiên nhiên giàu đẹp.

5️⃣ Mỗi đỉnh đều có tên riêng, gắn liền với Thụy hiệu các vua nhà Nguyễn:

Mỗi đỉnh đều có tên gọi riêng. Lấy Cao đỉnh ở chính giữa làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh, bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh. Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Thánh Tổ, Chương đỉnh dối diện với án thờ vua Nguyễn Hiến Tổ, Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Dực Tông, Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Giản Tông, Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Cảnh Tông, Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Hoằng Tông, Dụ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi, Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.

6️⃣ Không chỉ có ý nghĩa trong nước, cửu đỉnh còn có ý nghĩa to lớn với thế giới

Cửu đỉnh được viết bằng chữ Hán và các tư liệu được thể hiện bằng các hình ảnh đúc nổi với nội dung chủ đạo liên quan đến các địa danh, thụy hiệu của vua, các sinh vật, cây trồng, sông núi …Chữ Hán là ngôn ngữ để dùng của một số nước ở khu vực Đông Á, có tính phổ biến cao, có giá trị đối với cộng đồng. Trong cái nhìn so sánh cho ta biết rằng: trong hoàng cung các triều đại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không có đúc Cửu đỉnh nào tương tự như ở Cố đô Huế thời Nguyễn. Thậm chí, ngay tại Việt Nam, các triều đại trước đó cũng không để lại một dạng tư liệu nào như vậy. Có thể nói đây là một di sản độc đáo, không chỉ có giá trị đối với lịch sử Việt Nam, mà còn mang ý nghĩa lớn với lịch sử thế giới.

7️⃣ Cửu đỉnh là nguồn tư liệu quý về chủ quyền biển đảo

Cửu đỉnh không những là cuốn cẩm nang hình lưu lại các sản vật quý hiếm và sự kiện của thời đại, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong khẳng định chủ quyền biển đảo Việt nam. Cửu đỉnh chạm khắc nhiều địa danh sông núi, biển đảo... của đất nước được thể hiện rất rõ ràng, minh xác. Đặc biệt, trong 9 đỉnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo nước Việt: Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh, là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất.Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán - Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh sẽ là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.

8️⃣ Cửu đỉnh thể hiện trình độ đúc đồng đỉnh cao của thợ Việt thời nhà Nguyễn

Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” thì Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên khuôn đúc được tạo theo lối thủ công. Để tạo nên những khuôn đúc, người ta rất kì công trong việc lựa chọn loại đất sét phù hợp. Khuôn đúc Cửu đỉnh là những chiếc khuôn độc bản, vì để tránh sự sao chép, sau khi đúc hoàn chỉnh, các khuôn đúc đều bị phá bỏ. Theo sử quan nhà Nguyễn thì khoảng thời gian đúc Cửu đỉnh phải đúc cách đoạn, đúc từng chiếc, đến gần bảy tháng mới đúc xong. Cửu Đỉnh đạt đến trình độ tinh xảo nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam thế kỷ XIX. Bằng tất cả sự khéo léo tài nghệ, thợ đúc đã tạo nên tuyệt tác, thậm chí người Châu Âu phải kinh ngạc và thán phục.

Tuy nhiên, trải qua hơn hai thế kỷ “dầm mưa dãi nắng”, toàn bộ bề mặt của Cửu đỉnh đang đối diện hiện tượng ăn mòn điện hóa. Đứng trước nguy cơ đến từ yếu tố tự nhiên và những rủi ro có thể xảy ra do tác động của con người, rất cần những biện pháp để bảo vệ đúng mức đối với bảo vật này.

9️⃣ Cửu đỉnh hướng đến trở thành di sản tư liệu thế giới

Vừa qua, trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, từ đó tham mưu để Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Di sản Ký ức của UNESCO đánh giá và vinh danh di sản này.

Di sản Tư liệu thế giới (hay di sản Ký ức thế giới) là một trong những loại hình di sản được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) quy định và vinh danh. Tại Việt Nam hiện nay đã có 3 di sản Ký ức thế giới được công nhận: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long (2010), Châu bản triều Nguyễn (2017).

Nếu hồ sơ Cửu đỉnh được UNESCO công nhận, đây sẽ trở thành di sản Tư liệu thế giới cấp thế giới thứ tư do Việt Nam sở hữu.